Thúc đẩy tài chính toàn diện
Trong năm 2017, NHNN đã cùng với các đối tác phát triển, các nền kinh tế thành viên APEC nỗ lực hợp tác và đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tài chính bao trùm trong năm 2017, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm của khu vực trong kỹ nguyên kỹ thuật số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các nội dung hợp tác đều bám sát chủ đề chính xuyên suốt của năm APEC 2017 mà nước chủ nhà Việt Nam đề xuất, đó là: “Chủ động, tích cực tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Cụ thể, kể từ cuối năm 2016, trên cơ sở tham vấn với các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác phát triển quốc tế, NHNN đã đề xuất các hoạt động hợp tác APEC về tài chính bao trùm năm 2017 sẽ hướng đến mục tiêu phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, tập trung vào các nhóm nội dung gồm: (i) xác định quy mô và phạm vi tài chính bao trùm, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của mỗi nền kinh tế thành viên; (ii) tài chính số và thanh toán số, triển khai ứng dụng công nghệ tài chính mới; (iii) nâng cao nhận thức, giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng; (iv) kinh nghiệm triển khai bảo hiểm vi mô trong phát triển nông nghiệp nông thôn; đề xuất xây dựng lộ trình bảo hiểm vi mô tại các nền kinh tế thành viên đang phát triển; (v) kinh nghiệm xây dựng và triển khai chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn và ứng phó thách thức; (vi) phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) tài chính; và (vii) xây dựng cơ sở dữ liệu và trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế APEC đã hợp tác chặt chẽ, cùng với các tổ chức quốc tế triển khai nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả cả trên bình diện song phương và đa phương mà trọng tâm là các diễn đàn chính thức về tài chính bao trùm trong khuôn khổ các Hội nghị APEC từ cấp kỹ thuật, Thứ trưởng và Bộ trưởng xuyên suốt cả năm 2017 và 3 sự kiện liên quan đến chủ đề này do NHNN, đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam chủ trì, bao gồm: (i) Diễn đàn APEC thường niên lần thứ 8 về Tài chính Bao trùm tại Hội An, Quảng Nam vào tháng 7/2017; (ii) Hội thảo quốc tế về Trao đổi Thông tin Tín dụng xuyên biên giới vào tháng 5/2017 tại Ninh Bình - Việt Nam; và (iii) Hội nghị lần thứ 4 Mạng lưới Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính (FIDN) với chủ đề “Cải cách cơ sở hạ tầng tài chính” vào tháng 7/2017 tại Hội An, Quảng Nam.
Có thể khẳng định, Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng đã có một năm hợp tác APEC thành công, với những kết quả đầu ra cụ thể cùng với những khuyến nghị chính sách giúp nâng cao hiệu quả hợp tác APEC trên các lĩnh vực để trình lên các lãnh đạo cấp cao, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả và có sức lan tỏa bao trùm.
Tăng cường trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới
Trong quý II/2017, NHNN đã phối hợp với ABAC và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo bên lề Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính APEC (SFOM) trong khuôn khổ APEC 2017 tại Việt Nam, với chủ đề “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới”. Chủ đề Hội thảo dựa trên cơ sở kế thừa những kết quả của các kỳ APEC trước đây, với các nội dung chính được đề cập gồm: (i) Sự cần thiết phải thúc đẩy trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới; (ii) Các yếu tố chính để xây dựng cơ chế trao đổi thông tin xuyên biên giới thành công, bao gồm cơ sở pháp lý và dữ liệu; (iii) xây dựng dự thảo Khung thỏa thuận hợp tác và từ điển dữ liệu.
Các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và thể hiện sự sẵn sàng tham gia trao đổi thông tin xuyên biên giới trong khu vực APEC cũng như tham gia Hệ thống các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên APEC (CBPRs) đã được Ban Lãnh đạo các nền kinh tế APEC thông qua từ năm 2011, như một nỗ lực nhằm cải thiện và minh bạch hóa môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư.
Các nội dung được trao đổi tại Hội thảo được đánh giá là đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam - một nước đang phát triển với các khuôn khổ pháp lý, các chuẩn mực trong hoạt động thông tin tín dụng nói chung và vấn đề chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới nói riêng còn chưa được đầy đủ. Ngoài ra, khuôn khổ pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật dữ liệu cá nhân cũng chưa được đồng bộ. Do đó, việc xây dựng mô hình “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới” thành công sẽ góp phần đảm bảo công bằng, minh bạch trong hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại. Việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới, đồng thời, sẽ mở ra cơ hội lớn đối với các tổ chức thông tin tín dụng để tăng cường mở rộng hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và có thêm nguồn thông tin minh bạch, tin cậy, chính xác, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh và mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng của người dân ở mỗi quốc gia.
Các bên tham gia cũng thống nhất khuyến nghị các nền kinh tế APEC cần sớm triển khai và thúc đẩy hoạt động chia sẻ thông tin xuyên biên giới trên cơ sở hợp tác song phương/đa phương và cần có bộ quy chuẩn hướng dẫn chung để thực hiện.
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trong lĩnh vực ngân hàng
Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ Việt nam. Đi đôi với các cơ hội luôn là các thách thức mà các ngân hàng trong nước cần đối mặt và nhận thức để cạnh tranh hiệu quả trên chính sân nhà. Về cơ hội, hội nhập kinh tế quốc tế luôn được coi là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc gia nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Là một thành viên kết nạp sau của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã mở cửa lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, tài chính tương đối cao so với các nước có trình độ phát triển chung trong khu vực và thế giới. Tới nay, đã có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ có hiện diện hoạt động tài chính, ngân hàng tại Việt nam. Trong đó, khối tổ chức tín dụng nước ngoài có: 8 ngân hàng 100% vốn nươc ngoài, 2 ngân hàng liên doanh, 49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 8 tổ chức phi ngân hàng (5 công ty tài chính, 3 công ty cho thuê tài chính). Ngoài ra còn có 49 văn phòng đại diện của các tổ chức tín dụng nước ngoài.
Kể từ khi gia nhập WTO, hệ thống pháp luật Việt nam trong lĩnh vực ngân hàng đã được xây dựng và vận hành theo hướng thực thi đầy đủ các nghĩa vụ cam kết quốc tế về mở cửa thị trường, đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đối xử tối huệ quốc và các nghĩa vụ bảo hộ đầu tư cơ bản khác. Điều đó cho thấy, Chính phủ cam kết xây dựng môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng bình đẳng, minh bạch và công bằng cho cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, để đảm bảo phát triển bền vững và hiệu quả, Chính phủ và cơ quan quản lý ngân hàng tiền tệ luôn coi trọng việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu trong nước có trọng tâm, tập trung vào 3 lĩnh vực là cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách chi tiêu công và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, NHNN đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ thể chế, nâng cao năng lực xây dựng và hoạch định chính sách, thanh tra giám sát và quản lý hệ thống ngân hàng, tiến tới áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Với nhiều nỗ lực qua thời gian, mục tiêu cuối cùng đó là tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho cả các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tham gia hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng. Trong thời gian này, Chính phủ và NHNN đang tập trung triển khai thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. NHNN khuyến khích các TCTD nước ngoài tham gia vốn, mua cổ phần, mua lại, sáp nhật, hợp nhất với các TCTD trong nước, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kiến thức, kinh nghiệp quản trị cũng như góp.
Trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ sắp tới, NHNN mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước. NHNN cũng tưởng rằng giai đoạn này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho tất cả các bên.
Ngày 21/10/2017, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các Hội nghị liên quan năm nay có khoảng 300 đại biểu quốc tế và trong nước tham dự, bao gồm các Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo cơ quan tài chính và lãnh đạo Ngân hàng Trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WBG), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Đại diện đoàn Việt Nam có ông Đinh Tiến Dũng – Bộ Trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà – Thứ trưởng Bộ Tài chính và bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tại Hội nghị, đại diện IMF, OECD đánh giá cao Việt Nam trong việc đề xuất đưa khái niệm Inclusion (sự bao trùm), bao gồm tài chính bao trùm, phát triển bao trùm vào chương trình nghị sự, hợp tác của APEC 2017. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chứa đựng nhiều yếu tố khó lường, việc chú trọng yếu tố “bao trùm” sẽ giúp các nền kinh tế ứng phó được với các biến động và phát triển bền vững. |