Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020 (Đề án 2445).
Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án (Quyết định 637/ QĐ-NHNN ngày 31/3/2017), trong đó phân công trách nhiệm, nội dung công việc, thời gian hoàn thành... nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Đề án. Đồng thời, NHNN đã ban hành Kế hoạch phát triển thanh toán thẻ qua các đơn vị chấp nhận thẻ (Kế hoạch 10/KH-NHNN ngày 25/9/2017); cùng với đó là triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về hoàn thiện hàng lang pháp lý và cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng phục vụ thanh toán, chất lượng dịch vụ thanh toán và công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt... qua đó hoạt động thanh toán đã có những chuyển biến tích cực.
Năm 2017 – TTKDTM phát triển mạnh
Theo NHNN, năm 2017, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc, giữ vai trò là hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia, góp phần đẩy nhanh tốc độ thanh toán và phát triển TTKDTM. Tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng số lượng giao dịch qua ệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 32% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ TTKDTM tiếp tục được các ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán thẻ, thanh toán điện tử ngày càng được chú trọng.
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng khá nhanh, cụ thể: Tính đến cuối tháng 12/2017, số lượng thẻ phát hành lũy kế đạt mức trên 130,6 triệu thẻ (tăng trên 17% so với cuối năm 2016); số lượng ATM, POS trên toàn quốc lần lượt đạt 17.558 máy và 268.813 máy. Các NHTM đã được tích hợp thêm nhiều tính năng ứng dụng thanh toán thẻ ngân hàng sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật của thẻ ngân hàng được tăng cường bằng cách áp dụng tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, chuẩn an toàn bảo mật dữ liệu thẻ (PCI/DSS).
Trong năm 2017, giá trị giao dịch thanh toán qua hệ thống ATM/POS tăng 34% so với năm 2016; tỷ lệ rút tiền mặt tại ATM tiếp tục giảm từ 15,71% (năm 2016/2015) xuống 6,86% (11 tháng đầu năm 2017/2016). Trong năm 2017, số lượng giao dịch qua POS đạt gần 136 triệu giao dịch (tăng khoảng 40% so với năm 2016); giá trị giao dịch đạt trên 318 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 27% so với năm 2016).
Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Đến nay, có 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Một số định hướng phát triển TTKDTM năm 2018
Trong năm 2018, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM, trong đó tập trung vào những nội dung chính như: (i) Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phát triển TTKDTM, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán của người dân; (ii) Xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia (thanh toán điện tử liên ngân hàng; thanh toán bù trừ điện tử; chuyển mạch thẻ) làm nền tảng kết nối tới các ngân hàng và tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới; (iii) Phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như QR code, Tokenization, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc...; (iv) Triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng, triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện tại Việt Nam; Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; (v) Triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; (vi) Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; xây dựng áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế (PCI-DSS, Tiêu chuẩn thẻ chip...); (vii) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ hiệu quả người tiêu dùng; nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.
Đề án 2545 đề ra các mục tiêu cụ thể như: Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; Đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm; Thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 (100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng); Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy Tài chính toàn diện (Financial Inclusion); tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020. |