Chi trả kịp thời - dân tin vào chính sách BHTG
Ông Định nhớ lại, dạo đó ông gửi gần 50 triệu đồng vào Quỹ Trù Hựu. Vừa mới được 1 – 2 tháng thì nghe tin Quỹ giải thể, Giám đốc thì bỏ trốn. Ông Định nói:”Tôi lo lắng tới mức mấy đêm không ngủ được, có lúc đã nghĩ thôi thế là mất trắng. Thế nên không thể diễn tả hết cảm giác vui mừng khi được BHTGVN đứng ra chi trả, giúp tôi nhận lại toàn bộ số tiền của mình, đủ cả gốc và lãi”.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Định - Thôn Bình Nội - xã Trù Hựu |
QTDND cơ sở xã Trù Hựu được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1996, tham gia BHTG năm 2000. Đến cuối năm 2009, Quỹ có nhiều biểu hiện yếu kém trong hoạt động và xảy ra thất thoát lớn về tài sản do rủi ro đạo đức của cán bộ quỹ. Đến ngày 1/6/2011, QTDND Trù Hựu buộc phải giải thể theo Thông báo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang . Đồng thời, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động. Ngày 7/6/2011 BHTGVN chấm dứt BHTG và thu hồi Chứng nhận BHTG, Nội dung BHTG đối với Quỹ Trù Hựu và nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thực hiện chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Ngay sau đó, ban lãnh đạo BHTGVN đã nhanh chóng phê duyệt phương án chi trả đối với QTDNH Trù Hựu, cụ thể yêu cầu Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ phối hợp với Chi nhánh NHNN tỉnh Bắc Giang, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Bắc Giang (đơn vị được ủy quyền chi trả) và UBND huyện Lục Ngạn, UBND xã Trù Hựu, Hội đồng thanh lý QTDND Trù Hựu…tiến hành thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng số tiền được chi trả là hơn 3 tỷ đồng của 104 người gửi tiền với 113 sổ tiền gửi.. Trong quá trình chi trả, chính quyền địa phương đã nhiệt tình tham gia phối hợp, thường xuyên cử cán bộ thường trực hướng dẫn xác nhận về nhân thân, hộ khẩu khi có phát sinh và giữ trật tự trị an nên việc chi trả được nhanh chóng, thuận lợi. Người gửi tiền nhận được lại được tiền gửi của mình đều vui mừng, phấn khởi và càng thêm tin tưởng vào chính sách bảo vệ người gửi tiền của Nhà nước. Vợ chồng ông bà Phạm Văn Kim – Lê Thị Hòa ở xóm Bình Nội, xã Trù Hựu là một trong hơn một trăm người gửi tiền đều chung cảm xúc “mừng rơi nước mắt” khi được nhận lại số tiền “tưởng đã mất trắng”.
![]() |
Ông Vũ Tất Sơn - Phó Chủ tịch UBND |
Ông Vũ Tất Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng thanh lý Quỹ TDND Trù Hựu cho biết: “Ở thời điểm đó, đã có lúc, bà con dồn về, tập trung rất đông ở xã yêu cầu được đền bù. Chính việc phối hợp giữa BHTGVN với các cơ quan chức năng tiến hành chi trả kịp thời đã đáp ứng được mong đợi, giải tỏa tâm lý bất an của người gửi tiền, đảm bảo trật tự an ninh và an sinh xã hội trên địa bàn”.
Những quy định cần được hướng dẫn cụ thể
Không thể phủ nhận vai trò của tổ chức BHTG và các cơ quan liên quan trong việc “nhập cuộc” nhanh chóng để chi trả cho người gửi tiền tại những QTDND bị đổ bể. Điều này góp phần trấn an tâm lý người gửi tiền, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc gây mất trật tự an ninh hay từ sự bất ổn ở một quỹ dẫn đến lây lan, ảnh hưởng tới cả hệ thống.
Tuy nhiên, để hai chữ “kịp thời” diễn ra đúng tiến độ và thông suốt vẫn còn những vướng mắc trong quy định pháp luật hiện hành về xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền cho người gửi tiền khi QTDND bị mất khả năng thanh toán và lâm vào tình trạng phá sản.
Theo quy định tại Điều 22, Luật BHTG, nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản.
Đối với vấn đề này, Luật BHTG và Luật Các tổ chức tín dụng chưa quy định cơ quan có thẩm quyền xác định tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng phá sản (NHNN hay toà án). Theo quy định của Luật Phá sản và Nghị định hướng dẫn Luật Phá sản, 2 cơ quan có thẩm quyền xác nhận tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng phá sản là NHNN và tòa án. Tuy nhiên, nếu tòa án xác nhận tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng phá sản thì cũng phải có căn cứ vào xác nhận tổ chức tham gia BHTG mất khả năng thanh toán của cơ quan có thẩm quyền là NHNN.
Nghị định số 68 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG được ban hành ngày 28/6/2013 vẫn chưa có quy định chi tiết về việc này. Do đó, NHNN cần sớm có hướng dẫn để đảm bảo đầy đủ tính pháp lý trong việc trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền. Chính phủ, NHNN cần quy định rõ cơ quan có thẩm quyền xác định tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng phá sản. Nếu thẩm quyền thuộc về NHNN cần xác định ngay trong văn bản của NHNN theo quy định tại Điều 22, Luật BHTG.
Mặt khác, để có thể kịp thời tiến hành việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, NHNN sớm có hướng dẫn Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan đối với việc QTD lâm vào tình trạng phá sản nhằm đưa ra những tham mưu và quyết định phù hợp. Đồng thời, việc hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, vụ, cục NHNN với BHTGVN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc xử lý đối với QTD lâm vào tình trạng phá sản sẽ góp phần đảm bảo tính khẩn trương, nhanh chóng và thông suốt trong việc tiến hành chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.