Phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa BHTGVN và các cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng nhà nước (NHNN), các tổ chức, cơ quan báo chí và cá nhân có ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức tham gia BHTG
Thực tế cho thấy, trước khi Luật BHTG ra đời, những quy định về việc phối kết hợp giữa thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và BHTGVN chưa có cơ chế rõ ràng dẫn tới những khó khăn trong công tác hoạt động. Luật BHTG và Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG ra đời đã tạo lập cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của BHTGVN. Việc phối hợp có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa khi NHNN ban hành Thông tư 34/2016/TT-NHNN ngày 28/12/2016 quy định việc cung cấp thông tin giữa NHNN và BHTGVN. Tuy nhiên, vẫncần tăng cường hơn nữa sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan thanh tra giám sát NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh thành phố trong việc cung cấp, trao đổi thông tin. Các nguồn thông tin từ thị trường, báo chí, các tổ chức và cá nhân có ảnh hưởng đến tổ chức tham gia BHTG cần quy định cụ thể đặc biệt tránh trường hợp phát ngôn gây ảnh hưởng không tích cực đến hệ thống tài chính tín dụng của khu vực.
Giám sát, kiểm tra việc thực thi chính sách BHTG của các TCTD, tập trung chủ yếu vào hệ thống QTDND
Có thể nói, trong thời gian qua, công tác kiểm tra tại chỗ đối với các tổ chức tham gia BHTG nói chung và hệ thống QTDND nói riêng đã được BHTGVN thực hiện có hiệu quả. Công tác kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời các vi phạm quy định của pháp luật về BHTG, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các quy định của BHTG, qua đó duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD nói chung và QTDND nói riêng. Công tác kiểm tra ngày càng được thực hiện một cách bài bản, khoa học trong tất cả các khâu. Căn cứ thực trạng của các tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN sẽ xây dựng đề cương phù hợp trọng tâm, trọng điểm theo đúng Quy chế kiểm tra đối với các tổ chức tham gia BHTG.
Công tác giám sát từ xa cũng được BHTGVN rà soát, nghiên cứu chỉnh sửa và ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụđảm bảo tuân thủ Luật BHTG và phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng; xây dựng hoàn thiện thêm các chỉ tiêu giám sát để đánh giá trung thực, khách quan tình hình hoạt động, tình trạng tài chính, quan trọng hơn nữalà phát hiện và cảnh báo kịp thời những yếu kém, rủi ro tiềm ẩn của tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, chất lượng công tác giám sát có hiệu quả hay không lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn dữ liệu đầu vào mà chủ yếu là việc tuân thủ quy định báo cáo đầy đủ, kịp thời, toàn diện, chính xác của các tổ chức tham gia BHTG khi chưa có một chế tài nào quy định cụ thể.
Tăng hạn mức BHTG và củng cố niềm tin của người dân về hệ thống ngân hàng
Sau 12 năm duy trì ở mức 50 triệu đồng, Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 75 triệu đồng. Việc chi trả BHTG cho người gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi bị mất khả năng thanh toán là một trong những hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Việc tăng hạn mức trả tiền BHTG cũng được coi như một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, NHNN và BHTGVN trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, từ đó nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách đến với các tầng lớp dân cư
Để phát huy chính sách BHTG hiệu quả, BHTGVN đã định hướng công tác truyền thông chính sách pháp luật BHTG đến các tầng lớp dân cư đặc biệt vùng sâu vùng xa thông qua nhiều hình thức khác nhau từ hội nghị, hội thảo.. . đến việc phối kết hợp với Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân… Các thông điệp truyền thông hướng tới mục đích lan tỏa, đầy đủ, kịp thời, hữu ích và dễ tiếp cận. Việc hiểu rõ về chính sách mang lợi ích cho bản thân sẽ giúp nâng cao nhận thức, hình thành thói quen, thay đổi việc ứng xử khéo léo, bình tĩnh hơn với những thông tin tiêu cực có liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Không thể phủ nhận vai trò hết sức quan trọng của chính sách BHTG trong việc ổn định tài chính trong khu vực. Chính sách BHTG tạo dựng niềm tin vững chắc, giúp người dân yên tâm hơn trong việc gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG. Khi số lượng người dân tin tưởng hệ thống ngân hàng tăng lên, việc thu hút vốn của các TCTD cũng trở nên dễ dàng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực nói riêng và cả nước nói chung.