Tại đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính còn nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Để bảo vệ người tiêu dùng tài chính, ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi (BHTG).
Được biết, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), hạn mức bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền, phù hợp với mục tiêu chính sách công và đặc điểm liên quan của hệ thống bảo hiểm tiền gửi của quốc gia đó.
Cũng theo IADI, các tiêu chuẩn cơ bản để xây dựng hạn mức và phạm vi bảo hiểm phù hợp tại từng quốc gia gồm:
Thứ nhất, hạn mức và phạm vi bảo hiểm cần có giới hạn để giảm thiểu rủi ro rút tiền ngân hàng và duy trì kỷ luật thị trường, đảm bảo phần lớn người gửi tiền ở các ngân hàng được bảo vệ (chiếm tỷ lệ từ 90 - 95% người gửi tiền) nhưng có một tỷ lệ nhất định giá trị tiền gửi không được bảo vệ.
Thứ hai, đảm bảo công bằng cho tất cả các ngân hàng thành viên.
Thứ ba, điều chỉnh định kỳ (khoảng 5 năm một lần) để đáp ứng mục tiêu chính sách công.
Ngoài ra, hạn mức BHTG cần được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, như: lạm phát, thu nhập của người dân, năng lực tài chính của tổ chức BHTG, tình hình hệ thống tài chính - ngân hàng, hiệu lực của cơ chế giám sát...
Hiện, hạn mức bảo hiểm tiền gửi là 125 triệu đồng, được áp dụng từ ngày 12/12/2021 theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Với hạn mức này, theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ người gửi tiền được bảo vệ toàn bộ/tổng số người được bảo hiểm đối với toàn hệ thống là 90,94%, phù hợp với thông lệ quốc tế (khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế tỷ lệ này là 90-95%).