Truyền thông chính sách BHTG là yêu cầu hàng đầu
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí nhân chuyến thăm Hà Nội và dự Hội nghị thường niên và Hội thảo quốc tế của Ủy ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI), ông David Walker – Tổng Thư ký IADI chia sẻ: trong bộ Nguyên tắc cơ bản để phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, có một số nguyên tắc đặc biệt quan trọng, nhất là những nguyên tắc liên quan tới người gửi tiền. Những nguyên tắc này gồm nguyên tắc về chi trả (Nguyên tắc thứ 15), nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn (Nguyên tắc thứ 09), ngoài ra không thể không nhắc tới nguyên tắc về nhận thức công chúng (Nguyên tắc thứ 10). Ông cũng nhấn mạnh, công chúng cần được tiếp cận thông tin về chính sách BHTG, hiểu về hoạt động của tổ chức BHTG và tổ chức ấy có thể bảo vệ họ như thế nào. Qua đó, khi xảy ra vấn đề hoặc trong khủng hoảng, công chúng có thể giữ được sự bình tĩnh cũng như giữ được niềm tin vào sự ổn định của hệ thống tài chính… Tổng Thư ký IADI khẳng định: “Có thể nói rằng, trong việc nâng cao nhận thức công chúng thì không bao giờ là đủ”.
Tuy vậy, xây dựng niềm tin của công chúng đã khó, bồi đắp và phát triển nó càng khó hơn, nhưng để niềm tin rạn nứt rồi đổ vỡ thì lại rất nhanh. Khi không còn niềm tin vào hệ thống ngân hàng, lại thiếu thông tin, kiến thức về tài chính cá nhân, người dân dễ dẫn tới những phản ứng tiêu cực theo đám đông, dẫn tới những diễn biến vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý ngân hàng.
Giám đốc điều hành của Google – Sundar Pichai từng kể một câu chuyện mà ông chứng kiến trong quán ăn, mà sau đó ông đúc kết thành “lý thuyết con gián”. Chuyện rằng một con gián, không biết từ đâu, bỗng bay vào nhà hàng và đậu vào vai một thực khách nữ. Bà này vô cùng hoảng hốt, vừa la hét vừa nhảy chồm chồm để gạt con gián ra. Con gián thấy động, bay sang đậu lên một quý bà khác. Bà này cũng sợ hãi không kém, lắc giật thật mạnh mong con gián sẽ tìm bến đậu mới. Vậy là con gián chuyền từ người này sang người khác, tạo ra một sự hỗn loạn ngày càng leo thang trong nhà hàng. Cuối cùng, người bồi bàn chạy tới, lấy chiếc khăn xua nhẹ. Con gián vô tình bay sang vai anh. Rất bình tĩnh, anh này đi ra cửa, phủi nhẹ, và con gián tự bay ra ngoài. Lúc này, mọi người trong nhà hàng mới bình tĩnh trở lại, không khí trở lại bình yên. CEO của Google kết luận: chúng ta tưởng rằng sự hỗn loạn là do con gián mang lại, nhưng thực tế không phải vậy. Sự hỗn loạn được tạo ra bởi phản ứng của những thực khách với con gián, chứ không phải bản thân con gián.
Ngân hàng là một ngành kinh doanh dễ bị tổn thương mà rủi ro luôn luôn song hành. Có nhiều khi, rủi ro không chỉ xuất phát từ bản thân hoạt động của tổ chức tín dụng, mà có thể xuất hiện một cách rất “trời ơi đất hỡi” qua một luồng tin đồn vô căn cứ. Nếu tin đồn này, vô tình trùng hợp với một vài diễn biến không liên quan của tổ chức tín dụng đó, lại thêm công chúng vốn không có một niềm tin vững chắc, thiếu nguồn thông đáng tin cậy, thì hậu quả có thể trở nên vô cùng nghiêm trọng, đẩy một tổ chức tín dụng đang hoạt động bình thường bước tới mép vực đổ vỡ.
Cần thấy rằng, chính sách BHTG là một thành tố trong tổng thể chính sách ngân hàng, không thể tách rời khỏi chính sách ngân hàng. Những yếu tố tác động tới hoạt động ngân hàng, tạo ra nguy cơ đổ vỡ TCTD và tổ chức BHTG phải đứng ra chi trả có thể xuất phát từ mọi hướng. Do đó, việc truyền thông chính sách BHTG cần được coi là ưu tiên hàng đầu, song cũng không thể tách rời khỏi kết cấu chung của hệ thống truyền thông ngành ngân hàng. Có như vậy mới tạo ra được một nhận thức chung, cởi mở, đầy đủ thông tin về hoạt động ngân hàng. Nâng cao niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng nói chung cũng chính là giảm thiểu rủi ro đối với tổ chức BHTG.
Tổng công ty BHTG Canada (CDIC) cho biết, theo các nghiên cứu, việc người dân Canada nắm được các thông tin về cơ chế bảo vệ tiền gửi của CDIC đã góp phần đảm bảo sự an toàn và ổn định của hệ thống tài chính. Đặc biệt, trường hợp rút tiền hàng loạt tuy không phổ biến, nhưng có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu công chúng bị xói mòn niềm tin. Khả năng một cá nhân có thể tham gia vào làn sóng rút tiền hàng loạt sẽ tăng tới 40% nếu người đó không biết về các cơ chế bảo vệ tiền gửi. Một nghiên cứu vào năm 2016 của CDIC đã đưa ra khuyến cáo, mức độ nhận thức của công chúng về BHTG cần đạt mục tiêu từ 60% đến 65% để thúc đẩy niềm tin vào hệ thống tài chính. Mức độ nhận thức hiện tại của công chúng Canada mới chỉ là 55%, và CDIC đang nỗ lực để san bằng khoảng cách giữa chỉ số này và mức độ nhận thức mục tiêu.
Có thể nói, việc xây dựng, gìn giữ và nâng cao niềm tin của người gửi tiền là một quá trình dài hơi, cần một chiến lược tổng thể với những mục tiêu rõ ràng đối với từng giai đoạn, tập trung vào một số nhóm đối tượng công chúng trọng tâm, đồng thời nâng cao nhận thức chung của xã hội. Việc thúc đẩy niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng cần được thực hiện thường xuyên liên tục, bởi niềm tin cần được bồi đắp không ngừng.
Mở rộng và nâng cao khuôn khổ các quy định để thức đẩy hiệu quả tuyên truyền chính sách BHTG
Tại Việt Nam, thời gian qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã triển khai có hiệu quả công tác truyền thông chính sách. Đặc biệt, với nguồn lực có hạn của mình, giữa bối cảnh cần nâng cao niềm tin công chúng trong quá trình tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, BHTGVN đã khéo léo lựa chọn đối tượng truyền thông mục tiêu một cách phù hợp, thực hiện các chương trình truyền thông có trọng tâm. Bên cạnh đó, truyền thông phổ rộng cũng được triển khai một cách hài hòa trong kết cấu chung. Hiệu quả tuyên truyền của BHTGVN đã đạt được là nhờ không chỉ tập trung tuyên truyền riêng chính sách BHTG, BHTGVN còn tham gia các định hướng truyền thông chung của ngành ngân hàng, đóng góp một tiếng nói và trở thành một nhịp cầu để chính sách BHTG nói riêng và chính sách ngân hàng nói chung tới với công chúng, cũng như đưa những nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của công chúng, của các tổ chức tham gia BHTG cũng như các bên có liên quan tới cơ quan quản lý.
Để thúc đẩy niềm tin công chúng ngày càng mạnh mẽ hơn, qua đó đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, qua những hoạt động đã triển khai và hiệu quả đã đạt được, tác giả xin nêu một số ý kiến đề xuất như sau:
Một là, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi theo hướng trao thêm thẩm quyền cho tổ chức BHTG trong việc triển khai tuyên truyền chính sách BHTG. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, khuôn khổ pháp lý về BHTG đều có nội dung quy định tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm phối hợp với tổ chức BHTG nhằm tuyên truyền chính sách và nâng cao nhận thức công chúng. Tuy vậy, tại Việt Nam, Luật BHTG được Quốc hội thông qua năm 2012 và chính thức có hiệu lực từ năm 2013 chỉ quy định tuyên truyền chính sách BHTG là chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG mà thiếu đi nghĩa vụ của tổ chức tham gia BHTG, trong khi các tổ chức này cũng là một bên thụ hưởng lợi ích từ chính sách. Do đó, thực tế triển khai tuyên truyền chính sách BHTG tại Việt Nam hiện nay chỉ có thể dựa vào tinh thần tự nguyện phối hợp của các tổ chức tham gia BHTG, không có sự đồng nhất và không có quy định ràng buộc cụ thể. Trong thời gian tới, nếu Luật BHTG được sửa đổi, bổ sung, việc đưa quy định các tổ chức tham gia BHTG phải phối hợp tuyên truyền chính sách BHTG cần được đưa vào Luật để tạo ra sự thống nhất trong tuyên truyền.
Hai là, nguồn lực của BHTGVN hiện nay tương đối hạn chế, đặc biệt là giới hạn ngân sách dành cho tuyên truyền chính sách, trong khi trách nhiệm của tổ chức BHTG là rất nặng nề. Trong điều kiện thông thường, hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, mức chi này có thể miễn cưỡng đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, song nếu xảy ra khủng hoảng tại TCTD, dù là khủng hoảng quy mô nhỏ, thì nguồn lực phục vụ tuyên truyền chính sách của BHTGVN cũng sẽ gặp phải áp lực lớn. Bên cạnh đó, truyền thông chính sách cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa truyền thông trọng tâm và truyền thông phổ rộng, song với nguồn lực hiện nay, việc truyền thông phổ rộng sẽ gặp nhiều hạn chế về quy mô, mức độ lan tỏa. Do vây, cần xem xét, điều chỉnh hạn mức ngân sách dành cho hoạt động tuyên truyền chính sách của tổ chức BHTG, đặc biệt là có mức co giãn linh hoạt trong trường hợp cần đẩy mạnh truyền thông để trấn an công chúng.
Ba là, phải xác định truyền thông chính sách BHTG gắn liền với truyền thông của ngành ngân hàng. Hệ thống truyền thông của ngành ngân hàng có thể hướng tới cùng lúc nhiều đối tượng khác nhau như người gửi tiền nói riêng, khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính nói chung, các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và quốc tế… Tuy nhiên, đối tượng truyền thông của ngành ngân hàng và đối tượng truyền thông mục tiêu của chính sách BHTG có sự trùng nhau là người gửi tiền. Việc kết hợp, lồng ghép truyền thông sẽ giúp mỗi thông điệp truyền thông có hiệu quả khuếch tán cao hơn, đảm bảo độ thẩm thấu. Bên cạnh đó, cả cơ quan quản lý ngân hàng và tổ chức BHTG đều hướng tới một mục đích là nâng cao niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, điều không thể thiếu nhằm đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Bốn là, việc truyền thông chính sách BHTG phải song hành với truyền thông về tổ chức BHTG. Qua thực tế khảo sát cá nhân ở quy mô rất nhỏ của người viết, công chúng đã có những nhận biết cơ bản về một số nội dung cốt lõi của chính sách BHTG như hạn mức, phạm vi bảo vệ, song còn thiếu thông tin về tổ chức BHTG – cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Số liệu khảo sát của nhiều tổ chức BHTG trên thế giới cũng cho thấy, mức độ nhận biết của công chúng về hạn mức BHTG thường cao hơn so với nhận biết về tổ chức BHTG. Trong khi đó, tổ chức BHTG là một thành tố quan trọng trong chính sách BHTG. Chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của tổ chức BHTG cũng cần được truyền đạt tới công chúng, tạo ra sự gần gũi, cởi mở trong trao đổi thông tin, từ đó mới thúc đẩy được việc truyền thông chính sách một cách hiệu quả cũng như lắng nghe được những kiến nghị, đề xuất của công chúng để cải thiện chính sách, đảm bảo chính sách sát với cuộc sống.
Năm là, truyền thông chính sách phải đi đôi với tạo ra các kênh thu thập thông tin từ công chúng một cách hợp lý. Các kênh này phải thuận tiện, dễ tiếp cận, đặc biệt có thể sử dụng các kênh truyền thông số để đảm bảo quy mô rộng với chi phí tiết kiệm. Hiện nay, một số tổ chức BHTG đã xây dựng hệ thống đánh giá của công chúng đối với tổ chức BHTG, ví dụ như Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC). Các công cụ đánh giá, đo lường dư luận xã hội (social listening) cũng có thể đóng góp vào quá trình thu thập thông tin, ý kiến của công chúng, đồng thời còn có thể tận dụng để ghi nhận các diễn biến bất thường có thể kích hoạt rút tiền hàng loạt hoặc các thông tin tiêu cực liên quan tới các TCTD.
Bồi đắp niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng không bao giờ là một quá trình đơn giản. Do đó, việc tuyên truyền chính sách, phổ biến kiến thức về BHTG cần được thực hiện từng bước theo một lộ trình vững chắc. Có như vậy tổ chức BHTG mới thực sự phát huy vai trò như một thành viên của mạng an toàn tài chính quốc gia, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Xét cho cùng, thành công của một tổ chức BHTG không thể được tính trên việc tổ chức đó đã chi trả cho bao nhiêu người gửi tiền tại bao nhiêu TCTD đã bị đổ vỡ với giá trị tiền bảo hiểm lên tới bao nhiêu, mà phải được xét trên cơ sở tổ chức BHTG thông qua việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ của mình, không để xảy ra rút tiền hàng loạt hay hạn chế được đổ vỡ TCTD, hạn chế việc phát sinh nghĩa vụ chi trả cho người gửi tiền./.