“Việc tồn tại các cơ chế tín dụng đặc biệt cho người nghèo là tất yếu. Tuy nhiên, quan trọng hơn là làm thế nào để tăng cường khả năng đáp ứng về nhu cầu vốn cũng như đảm bảo được tính bền vững của một cơ chế tín dụng đặc biệt cho người nghèo. Điều này đòi hỏi NHCSXH cần tiếp tục đánh giá, nhìn nhận các thành công cũng như các vấn đề hiện tại, so sánh với các nguyên tắc và bài học đúc rút được từ thực tiễn quốc tế và điều kiện môi trường Việt Nam để có những bước đi phù hợp tiếp theo” - ThS. Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng phát biểu tại Tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững” sáng 11/9 tại Hà Nội.
Tính đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 179.120 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt 27.762 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn; NHCSXH huy động trên thị trường, vay NHNN, nhận tiền vửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 129.775 tỷ đồng, chiếm 72,5% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 8.485 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng nguồn vốn.
NHCSXH cho biết, thời gian qua, cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH tự huy động được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, giảm dần nguồn vốn cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các chương trình, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên, hạn chế về nguồn lực cũng chính là một trong những yếu tố hạn chế hiệu quả tín dụng chính sách. Nguồn lực của Nhà nước có hạn, trong khi phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu nhằm phát triển kinh tế - xã hội, trong khi một số địa phương do chưa xác định được giảm nghèo là nhiệm vụ ưu tiên hiện nay để giữ vững ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế nên chưa tập trung được nguồn lực thỏa đáng cho tín dụng chính sách xã hội. Nhiều nguồn lực của xã hội chưa được khai thác triệt để để phục vụ cho hoạt động này.
Bà Hồ Thị Quý – Trưởng Ban Phụ nữ phát triển kinh tế - TW Hội LHPN Việt Nam đưa ra đề xuất: để huy động nguồn lực tài chính, NHCSXH nên nghiên cứu, đẩy mạnh sản phẩm tiền gửi tiết kiệm cho tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn.
Trên thực tế, việc triển khai sản phẩm tiền gửi tiết kiệm đã tạo cho hộ nghèo ý thức và thói quen tiết kiệm, quản lý chi tiêu, tính toán dự phòng cho những trường hợp rủi ro bất khả kháng, đồng thời góp phần giảm tình trạng tín dụng đen hoặc các hình thức ngân hàng ngầm khác vốn đầy rủi ro. Qua đó, NHCSXH cũng huy động được khoản tiền nhàn rỗi trong dân và cũng tái đầu tư nguồn huy động để cho vay hộ nghèo tham gia dự án. Đồng thời việc triển khai dịch vụ này có ý nghĩa phổ cập dịch vụ tài chính đến những vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Cùng về vấn đề tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách, ông Ngô Trường Thi – Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại nhấn mạnh cần tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho tín dụng chính sách để bảo đảm nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng quan điểm này, Phó Tổng giám đốc NHCSXH – ông Nguyễn Đức Hải đề xuất được các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho NHCSXH tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của quốc tế cũng như trong nước.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) cho hay, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách, với vai trò của mình, NHNN sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH hội huy động vốn, vay tái cấp vốn, đảm bảo nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, bà Giang cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cân đối, phân bổ nguồn vốn kịp thời để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo các chương trình tín dụng chính sách. Các bộ, ngành cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức quốc tế cho công tác giảm nghèo, đồng thời có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn này…
Có thể nói, tạo nguồn ngân sách phục vụ tín dụng chính sách là yêu cầu tối quan trọng, để giúp NHCSXH - định chế tài chính đặc biệt, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận phát huy hiệu quả giúp các đối tượng chính sách thoát nghèo bền vững.