Chị M. (TP.HCM) phàn nàn khi nói về phí rút tiền mặt của ngân hàng mà chị đang sử dụng dịch vụ. Theo chị, việc tính phí cao hay thấp không quan trọng, điều quan trọng là dịch vụ mà chị nhận lại chưa tương xứng với số tiền phí mà chị bỏ ra.
Điển hình nhất là cách đây 2 tuần, chị dùng thẻ của một ngân hàng S đi rút tiền ở cây ATM của ngân hàng A, bị tính phí rất cao. Trong khi, trước đó vài tiếng, chị đã phải đi khắp nơi để tìm cây ATM của ngân hàng S mà không có. Chưa hết bực bội vì sự bất tiện của thẻ, chị M lại thêm bực vì cây ATM của ngân hàng A tính phí 24.000 đồng trên tổng số tiền chị rút 9 triệu đồng.
“Quả là rất khó chịu vì tôi đã cố gắng kiếm cây ATM của ngân hàng S để rút, vì phí ít (3.000 đồng/lần rút), nhưng không có. Tôi không biết phí của ngân hàng A tính bao nhiêu % trên số tiền rút, nhưng khi thực hiện giao dịch thì mới biết đắt gấp 7-8 lần so với ngân hàng khác”, chị M chia sẻ.
Nên chọn giải pháp thanh toán không tiền mặt, như quẹt thẻ |
Tương tự, anh T.H (TP.HCM) mới đây tỏ ra không vui khi biết rằng ngân hàng B chuẩn bị tăng phí rút tiền. Trong khi mới cách đó 2 tuần, anh đã trải qua sự việc khá bực mình là đến máy ATM của B để rút tiền, nhưng vừa nhập mã PIN lại nhận được thông báo “thẻ này có vấn đề nên ngân hàng thu hồi” và “nuốt” thẻ vào máy.
Lý do anh nhận được từ ngân hàng B là thời gian qua, ngân hàng nhận thấy một số thẻ có khả năng bị lộ mã, nên ngân hàng chọn ngẫu nhiên khoá các thẻ này để đảm bảo an toàn cho khách hàng.
“Ngay lúc tôi cần tiền mà bị nuốt thẻ thì không còn gì bực bội hơn. Chưa kể, cái lý do mà ngân hàng đưa ra càng khiến tôi bức xúc vì trước đó, ngân hàng không hề điện thoại trao đổi với chủ thẻ để thông báo bất cứ việc gì liên quan đến thẻ”, anh H chán nản.
Thực ra, đối với người tiêu dùng hiện đại thì ngày nay người ta không còn tiếc tiền phí dịch vụ trả cho ngân hàng. Kiến thức về dịch vụ tài chính của mỗi người cũng đã ngày càng hoàn thiện khi họ biết so sánh, tìm hiểu cũng như lựa chọn sử dụng dịch vụ nào tốt nhất cho bản thân.
Theo đó, đa số đều có thể kể rõ các loại phí mình phải trả cho một lần rút tiền, chuyển khoản, hay nhiều dịch vụ khác của ngân hàng. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng có thể hiểu được hết mô hình hoạt động của ngân hàng nên họ không chấp nhận chuyện tính phí rút tiền nơi cao, nơi thấp như hiện nay.
Đồng thời, nếu điểm lại toàn thị trường, hiện có rất nhiều ngân hàng thương mại cổ phần lại đang miễn phí rút tiền mặt tại ATM, như MaritimeBank, Nam A Bank, ACB, VietCapital Bank, SCB, DongA Bank, KienLongBank… Thậm chí, một số ngân hàng còn miễn phí cả việc rút tiền ngoại mạng hay rút tiền từ thẻ ghi nợ quốc tế, nếu trong tài khoản của khách hàng đáp ứng được điều kiện số dư tối thiểu theo quy định.
Cụ thể, ACB miễn phí rút tiền với thẻ ghi nợ quốc tế hạng bạch kim. VietCapital Bank và SCB miễn phí rút tiền với thẻ ghi nợ quốc tế và nội địa. MaritimeBank miễn phí 2 lần giao dịch đầu tiên trong tháng với thẻ ghi nợ quốc tế. SHB cũng áp dụng cho một số thẻ ghi nợ nội địa và quốc tế. TPBank và BaoVietbank miễn phí rút tiền tại tất cả các điểm ATM của ngân hàng nội địa trên toàn quốc…
Trước chính sách phí rất khác nhau giữa các ngân hàng, nhiều người tiêu dùng băn khoăn và cho rằng nhiều ngân hàng thực sự đang không đồng điệu với khách hàng mà muốn dùng phí để… đẩy khách hàng ra xa hơn.
Rõ ràng, chủ thẻ có quyền lựa chọn những ngân hàng đang miễn phí giao dịch nêu trên để mở thẻ, hạn chế được tối đa chi phí khi giao dịch. Đối với những người công nhân viên bị phụ thuộc vào tài khoản trả lương, rơi vào những ngân hàng đang và sẽ áp dụng phí cao, thì có thể đồng loạt yêu cầu chủ doannh nghiệp liên kết với ngân hàng mới, đang miễn phí rút tiền. Bởi hiện nhiều ngân hàng đã tiến hành đóng gói sản phẩm với phí rẻ dành cho các khách hàng kinh doanh nhỏ lẻ hoặc doanh nghiệp.
Với các gói này, doanh nghiệp được ưu đãi các chi phí về giao dịch tài khoản, Internet Banking, lãi vay và phí sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng khác. Nếu doanh nghiệp lựa chọn dùng gói sản phẩm ngân hàng thay cho từng sản phẩm riêng lẻ sẽ giúp khách hàng tiết kiệm được nhiều khoản phí, trong đó có phí giao dịch tại ATM đối với người lao động tại doanh nghiệp đó.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, trước khi có thể gây áp lực được với những bên cung cấp dịch vụ, cũng như phía chủ doanh nghiệp, thì người chủ thẻ cần chuẩn bị cho mình một số giải pháp làm sao hạn chế được chi phí phát sinh, nhất là đối với phí rút tiền mặt.
Về vấn đề này, một chuyên gia làm trong ngành tài chính hiến kế rằng người chủ thẻ nên sử dụng loại thẻ dành riêng cho việc rút tiền. Thí dụ, nếu chủ thẻ đang sử dụng thẻ của ngân hàng miễn phí rút tiền thì không có gì cần bàn. Ngược lại, đối với những ngân hàng đang thu phí thì trong số các loại thẻ, phí rút tiền thẻ ghi nợ nội địa thấp nhất, ở mức khoảng 1.650 - 3.000 đồng/giao dịch. Do đó, nếu thường xuyên rút tiền hãy sử dụng loại thẻ này.
Đồng thời, chi phí rút tiền ATM phụ thuộc vào số lần thực hiện giao dịch. Vì vậy, người chủ thẻ cố gắng rút lượng tiền tối đa trong một lần hoặc ra trực tiếp tại các ngân hàng nhờ giao dịch viên rút giúp miễn phí.
Một giải pháp cũng cần được lựa chọn nữa là thay vì rút tiền mặt, người tiêu dùng nên chọn giải pháp thanh toán không tiền mặt, như quẹt thẻ. Cách thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ sẽ giúp bạn hạn chế rút tiền tại ATM và tiết kiệm được phần nào phí giao dịch.
Song song đó, người tiêu dùng nên thay đổi cách đóng tiền điện, nước, viễn thông, học phí... bằng tiền mặt, mà thay vào đó là có thể thanh toán trên M-Banking hay sử dụng các ứng dụng ví như Momo, Payoo, Ví Việt, Ngân lượng.vn…
Như vậy, với những cách trên, bài toán cắt giảm chi phí dịch vụ ngân hàng với nhiều người đã được giải quyết. Dù ngân hàng có tăng phí các dịch vụ, trong đó có phí rút tiền ATM thì những giải pháp gợi ý trên có thể giúp chủ thẻ giảm thiểu được tối đa phí khi dùng dịch vụ ngân hàng điện tử…