Theo NHNN, việc mở rộng phạm vi của đối tượng báo cáo góp phần tăng cường nhận thức về công tác PCRT đến nhóm các đối tượng báo cáo được mở rộng. Hoạt động phòng chống rửa tiền được tăng cường sẽ góp phần giảm thiểu tội phạm, đặc biệt là các tội phạm kinh tế gắn với tham nhũng, lừa đảo, buôn lậu…, tăng cường trật tự, an toàn xã hội, tăng niềm tin của dân chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Đảm bảo an ninh và quyền lợi hợp pháp của khách hàng
Thực tế, dịch vụ ví điện tử do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) cung ứng mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, như bất kỳ dịch vụ nào khác, dịch vụ ví điện tử cũng có thể bị lợi dụng cho hoạt động bất hợp pháp, trong đó có đánh bạc. Để hoạt động cung ứng và sử dụng ví điện tử được an toàn, hiệu quả, trong đó có việc ngăn ngừa những hành vi lợi dụng dịch vụ TGTT (trong đó có ví điện tử) cho các hoạt động bất hợp pháp cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành liên quan trong khâu xây dựng ban hành chính sách, đến việc giám sát, phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Có thể hiểu, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT là tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT hoặc ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ TGTT. Các loại dịch vụ TGTT chia làm 2 nhóm là dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử, (gồm: dịch vụ chuyển mạch tài chính; dịch vụ bù trừ điện tử; dịch vụ cổng thanh toán điện tử) và nhóm dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, (gồm dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; dịch vụ ví điện tử). Trong đó, ví điện tử là sản phẩm điền hình của dịch vụ này.
Ví điện tử là hình thức thanh toán mới tại Việt Nam, được định nghĩa là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1 và được sử dụng làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Dịch vụ ví điện tử được các tổ chức không phải ngân hàng triển khai thí điểm từ năm 2008 và chính thức từ năm 2015 dưới sự quản lý của NHNN.
Tại Việt Nam, các dịch vụ trung gian thanh toán (bao gồm dịch vụ ví điện tử), về cơ bản có hành lang pháp lý khá rõ ràng. Để đảm bảo các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT tuân thủ đúng quy định trong lĩnh vực thanh toán, NHNN đã ban hành Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT và được nhiều lần sửa đổi, bổ sung (tại Thông tư 20/2016/TT-NHNN; Thông tư 30/2016/TT-NHNN) và cuối năm 2019, NHNN đã ban hành tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN.
Thông tư 23/2019/TT-NHNN cụ thể hóa yêu cầu quản lý, giám sát đối với dịch vụ ví điện tử, với nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT ví điện tử, tăng cường an ninh, an toàn và bảo vệ quyền lợi khách hàng sử dụng ví. Quy định tại Thông tư cho phép khách hàng được kết nối ví đã xác minh danh tính với nhiều tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng, cho phép khách hàng duy trì nhiều tài khoản ví...
Để đảm bảo hoạt động ví điện tử an toàn, lành mạnh, phòng chống rửa tiền, phòng ngừa gian lận và bảo vệ quyền lợi khách hàng, Thông tư đã có những quy định đối với tổ chức ví điện tử về mở và duy trì số dư tài khoản đảm bảo cho các ví điện tử tại ngân hàng thương mại, về cung cấp công cụ để phục vụ việc giám sát của NHNN; các quy định về định danh khách hàng mở ví, những hành vi không được phép, bị cấm khi cung ứng, sử dụng dịch vụ ví điện tử, quy định mục đích sử dụng ví chỉ cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp, giới hạn phạm vi nạp, rút tiền vào/ra ví đã liên kết tài khoản…
Thông tư 23 cũng quy định những hành vi bị cấm như: sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví điện tử, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào ví điện tử. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải cung cấp công cụ để NHNN giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cũng như phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong cung ứng và sử dụng dịch vụ ví điện tử, NHNN thường xuyên có các văn bản yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT hoạt động tuân thủ quy định pháp luật; tăng cường thực hiện công tác PCRT, ngăn ngừa việc lợi dụng, sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ TGTT cho các hoạt động bất hợp pháp.
NHNN đã và đang triển khai nhiều giải pháp như: Hoàn thiện quy định pháp luật về việc đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT nói chung và dịch vụ ví điện tử nói riêng, như: quy định về PCRT và tài trợ khủng bố phù hợp với mô hình, quy mô hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT; quy định về giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT; quy định chế tài xử phạt vi phạm pháp luật trong cung ứng và sử dụng dịch vụ ví điện tử…Đồng thời chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT tăng cường tuyên truyền, cảnh báo cho người sử dụng ví điện tử không thực hiện các hành vi bị cấm như: thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử; không sử dụng hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng ví điện tử vào mục đích vi phạm pháp luật; đồng thời tăng cường triển khai giám sát, kiểm soát, phát hiện các giao dịch đáng ngờ nhằm ngăn chặn sử dụng ví điện tử để chuyển tiền, thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp.
Theo đó, NHNN cũng thường xuyên theo dõi, kịp thời cảnh báo, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT về phương thức thủ đoạn tội phạm và các biện pháp phòng ngừa. Chẳng hạn, tại Công văn số 4347/NHNN-TT ngày 17/6/2021 về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn và phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến cờ bạc, cá độ bóng đá, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, ngăn ngừa hành vi lợi dụng dịch vụ TGTT cho các hoạt động bất hợp pháp; rà soát các tiêu chí giám sát, các hạn mức giao dịch; tăng cường các biện pháp giám sát giao dịch ví điện tử; giám sát chặt chẽ các tài khoản ví điện tử có số lượng và doanh số giao dịch lớn, đặc biệt là các giao dịch trực tuyến để phát hiện các giao dịch đáng ngờ, bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật; ngăn ngừa sử dụng dịch vụ TGTT để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá và các mục đích bất hợp pháp.
Tuy nhiên, hiện nay, dịch vụ ví điện tử vẫn chưa được đưa vào danh sách đối tượng báo cáo trong Luật Phòng, Chống rửa tiền (PCRT). Theo NHNN, một số lĩnh vực, hoạt động có rủi ro rửa tiền cao chưa được quy định là đối tượng báo cáo theo Luật PCRT 2012. Quy định về đối tượng báo cáo tại Luật PCRT 2012 chưa theo kịp sự phát triển trong các hoạt động của các tổ chức tài chính và phi tài chính trên thực tế. Theo đó Luật PCRT 2012 hiện chưa bao quát đầy đủ các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền như: cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng, cung cấp dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo, dịch vụ cầm đồ... Hạn chế này xuất phát từ việc thời điểm Luật PCRT được ban hành một số lĩnh vực chưa xuất hiện ở Việt Nam, hoặc Luật chưa quy định rõ nên chưa có cơ sở để tổ chức triển khai.
Về cơ bản, đối tượng báo cáo áp dụng các biện pháp PCRT thực hiện nghĩa vụ báo cáo, cung cấp, lưu giữ thông tin theo quy định của Luật PCRT. Các đối tượng báo cáo đóng vai trò như “người gác cổng” với trách nhiệm báo cáo NHNN khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền. Do đó, đối tượng báo cáo là các tổ chức, cá nhân có vai trò quan trọng trong việc triển khai có hiệu quả công tác PCRT. Việc các lĩnh vực ngành nghề có rủi ro rửa tiền chưa được đưa vào là đối tượng báo cáo để triển khai nghĩa vụ PCRT không chỉ làm giảm hiệu quả của công tác PCRT, mà các lĩnh vực chưa chịu sự điều chỉnh của pháp luật về PCRT dễ dàng bị tội phạm lạm dụng cho các mục đích tội phạm trong đó có hoạt động rửa tiền.
Nhận thức được rủi ro rửa tiền đối với lĩnh vực này và sự thiếu hụt trong quy định của pháp luật về PCRT nên trong quy định cấp phép của lĩnh vực này, NHNN đã yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT phải xây dựng và thực hiện quy định nội bộ theo quy định của pháp luật. Dù vậy, về bản chất, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT vẫn chưa là “đối tượng báo cáo” theo Luật PCRT.
Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) cũng từng khuyến nghị, các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT (đặc biệt là cung ứng dịch vụ ví điện tử) cần phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về PCRT, tài trợ khủng bố.
Phối hợp ngăn chặn các hành vi, hoạt động bất hợp pháp
Để việc cung ứng và sử dụng ví điện tử được an toàn, hiệu quả, thời gian tới, về phía NHNN cần tiếp tục phối hợp Bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy định pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT nói chung và dịch vụ ví điện tử nói riêng. Các chính sách cần tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ sinh thái thanh toán số như nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, phát triển hệ thống chuyển mạch, tích hợp và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thanh toán, ứng dụng ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả công tác PCRT đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT, cần thêm đối tượng báo cáo trong Luật PCRT, trong đó có các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ví điện tử. Hiện NHNN đang xây dựng Dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội. Theo đó, NHNN đã đề nghị bổ sung các tổ chức, cá nhân kinh doanh 4 dịch vụ (ví điện tử, cho vay trực tuyến (P2P lending), tiền ảo, dịch vụ cầm đồ) vào danh sách đối tượng phải báo cáo theo Luật PCRT.
Trong thanh toán, các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (tổ chức TGTT) phục vụ cho việc chuyển tiền/trả tiền giữa bên mua và bên bán, là giai đoạn thanh toán không dùng tiền mặt giữa bên mua và bên bán. Nội dung, mục đích, bản chất giao dịch giữa bên mua và bên bán do hai bên tự tìm hiểu, quyết định thực hiện và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp hay không hợp pháp của giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Việc xác định tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế thuộc chức năng nhiệm vụ của từng Bộ, ngành liên quan. Theo khoản 3 Điều 8 Luật Thương mại: “Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước về các hoạt động thương mại trong lĩnh vực được phân công”.
Do đó, việc ngăn chặn tội phạm liên quan đến các website/ứng dụng tổ chức đánh bạc và trò chơi điện tử trên mạng bất hợp pháp cần phải được xử lý từ nguồn, từ việc ngăn ngừa, vô hiệu hóa các trang mạng/ứng dụng liên quan đến cá độ, đánh bạc ... và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan (như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, NHNN).
Theo đó, NHNN cần tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành liên quan ang cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) của các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT. Cùng với đó, ang cường phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị liên quan về các phương thức, thủ đoạn phạm tội để nhận biết kịp thời các nguy cơ rủi ro, từ đó có biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật như đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an… ngăn chặn việc truy cập vào các website cờ bạc cũng như xử lý các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Về phía Bộ Công an, cần sớm có hướng dẫn về phương án kết nối cho phép các TGTT có thể được khai thác, chia sẻ, đối chiếu xác thực thông tin căn cước công dân (CCCD) có yếu tố sinh trắc học từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình nhận diện khách hàng khi mở và sử dụng ví điện tử. Đồng thời, tiếp tục phối hợp NHNN trong việc giám sát, xử lý, ngăn chặn các hành vi lợi dụng ví điện tử cho những giao dịch bất hợp pháp.
Về phía các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT, tiếp tục tích cực rà soát phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng thương hiệu và hoạt động ví điện tử để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp (cờ bạc, lừa đảo…) và cung cấp thông tin angơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, ang cường tuyên truyền, cảnh báo cho người sử dụng ví điện tử không thực hiện các hành vi bị cấm như: thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử; không sử dụng hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng ví điện tử vào mục đích vi phạm pháp luật; đồng thời, ang cường triển khai giám sát, kiểm soát, phát hiện các giao dịch đáng ngờ nhằm ngăn chặn sử dụng ví điện tử để chuyển tiền, thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp.
Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt và tới đây là Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng sẽ được ban hành, các ngân hàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT cần tập trung triển khai quy định mới về TTKDTM và sẵn sàng các điều kiện, hạ tầng công nghệ, sản phẩm và nhân lực cho việc triển khai Sandbox.
Về phía người sử dụng dịch vụ cần lưu ý tuân thủ theo các hướng dẫn của tổ chức cung ứng dịch vụ, đặc biệt cần nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn của tội phạm trên mạng; ngoài ra, khách hàng cần bảo mật thông tin cá nhân, thông tin tài khoản… để tránh bị đánh cắp, lợi dụng (không cung cấp tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã OTP trong bất kỳ trường hợp nào yêu cầu để nhận/nạp tiền; không sử dụng mã PIN gắn liền với các thông tin cá nhân như số di động, số chứng minh thư, ngày sinh, ghi số PIN bỏ vào ví; không nạp/chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ khi nhận được các cuộc gọi lạ…).
Khách hàng không mở hộ thẻ/tài khoản cho người khác, kể cả cho mượn hoặc bán; không sử dụng ví điện tử vào những hoạt động bất hợp pháp như đánh bạc, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hành vi bị cấm khác tại Thông tư 23 nói trên.
Tài liệu tham khảo:
Thông tư 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán;
Cổng thông tin điện tử NHNN: sbv.gov.vn;