Việc mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng (TCTD) hỗ trợ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cách thức BHTGVN hỗ trợ nguồn lực tài chính trực tiếp cho TCTD hỗ trợ (là các ngân hàng có kết quả hoạt động kinh doanh tốt) để thực hiện cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt (KSĐB). Trong đó, vai trò của BHTGVN là gián tiếp tham gia cơ cấu lại TCTD được KSĐB thông qua mua trái phiếu dài hạn để từng bước khẳng định vai trò ngày càng lớn của tổ chức BHTG.
Khung khổ pháp lý hiện hành
Luật số 17/2017/QH14 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD số 47/2010/QH12) được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 20/11/2017. Luật số 17 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý vững chắc hơn về cơ chế xử lý TCTD yếu kém, giúp tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong cơ cấu lại hệ thống các TCTD và là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa Đề án 1058 về “cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” với sự tham gia của BHTGVN. Trong đó: điểm c, khoản 3, Điều 146 Luật số 17 quy định “NHNN quyết định việc BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ”; và khoản 11 Điều 148đ xác định “TCTD hỗ trợ được phát hành trái phiếu dài hạn cho BHTGVN theo quyết định của NHNN”.
Mặc dù Luật số 17 có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 nhưng đến nay BHTGVN vẫn chưa thể triển khai hoạt động mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ. Ngoài yếu tố cơ sở pháp lý chưa đồng bộ, một nguyên nhân quan trọng khác đólà chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết việc BHTGVN thực hiện mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ. Đến nay, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng - NHNN mới chỉ ban hành Công văn số 2166/NHNN-TTGSNH ngày 5/4/2018 về việc hướng dẫn triển khai một số nội dung của Luật số 17. Trong bối cảnh BHTGVN đang nỗ lực kiện toàn hệ thống văn bản quản trị điều hành về mua trái phiếu dài hạn để tham gia cơ cấu lại, hoạt động này nếu được thực hiện theo quyết định của NHNN, lần đầu tiên sẽ triển khai theo quy trình pháp lý trực tiếp từ Luật xuống thẳng Quy chế nội bộ.
Năng lực tài chính của BHTGVN
Trong hơn 20 năm qua, BHTGVN đã nỗ lực sử dụng hiệu quả đồng vốn với phương châm không để lãng phí tiền nhàn rỗi thông qua hoạt động đầu tư (tuân thủ pháp luật, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn trên cơ sở các quyết định đầu tư hợp lý ở từng thời kỳ theo hướng hài hòa đầu tư – thanh khoản – lợi nhuận).
- Ở giai đoạn 1999-2012, trên 95% số tiền đầu tư tập trung vào tiền gửi có kỳ hạn tại NHTM do lãi suất cao, đem lại hơn 99% doanh thu; ở giai đoạn 2013-nay khi Luật BHTG có hiệu lực, danh mục đầu tư thay đổi căn bản theo hướng 99% số tiền đầu tư được mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) và cho hơn 99% doanh thu nhờ lãi suất cao hơn hình thức mua tín phiếu và gửi tiền tại NHNN.
- Hoạt động đầu tư không phát sinh nợ quá hạn; khoản gốc, lãi đến hạn được thanh toán đầy đủ - góp phần đảm bảo thu lãi ổn định để kịp thời bổ sung vốn nhàn rỗi cho tái đầu tư. Đến ngày 31/12/2021, tổng số tiền đầu tư lũy kế là hơn 79,7 nghìn tỷ đồng nhờ số tiền đầu tư hằng năm tăng ổn định với tốc độ trung bình 28%, bổ sung vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ hơn 76,1 nghìn tỷ, giúp đảm bảo nguồn lực tài chính trong trường hợp xảy ra yêu cầu về chi trả tiền gửi được bảo hiểm.
Tăng trưởng vốn hàng năm luôn ở mức 25-27%. Trung bình sau mỗi 5 năm, nguồn vốn của BHTGVN tăng khoảng hơn hai lần. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn của BHTGVN đạt hơn 82,6 nghìn tỷ đồng. Với năng lực tài chính hiện tại, BHTGVN có thể đáp ứng tốt mục tiêu kép là vừa thực hiện chính sách công về BHTG, vừa mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo quy định của Luật số 17 để tham gia cơ cấu lại thông qua việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi. Việc phân tích những khó khăn, thuận lợi dưới đây là cơ sở để từ đó BHTGVN xây dựng phương án đề xuất có tính thực tiễn cao về “mua trái phiếu dài hạn để tham gia cơ cấu lại TCTD được KSĐB”.
Những khó khăn và thuận lợi trong mua trái phiếu dài hạn
Tính đồng bộ của quy định pháp luật hiện hành
Việc Luật BHTG (văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động BHTG được ban hành năm 2013) chưa có nội dung quy định về mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ là sự thiếu đồng bộ lớn nhất về khung khổ pháp lý. Ngoài ra, sau hơn 04 năm từ khi Luật số 17 được ban hành, NHNN vẫn chưa ban hành hướng dẫn chi tiết việc BHTGVN mua trái phiếu dài hạn.
Luật BHTG và Thông tư số 20/2020/TT-BTC quy định chế độ tài chính đối với BHTGVN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 312/2016/TT-BTC) đang có sự khác biệt về “nguyên tắc sử dụng vốn”, theo đó: Điều 31 Luật BHTG quy định BHTGVN được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi (NVTTNR) để mua TPCP, tín phiếu NHNN và gửi tiền tại NHNN; Điều 5 Thông tư 20 quy định BHTGVN được sử dụng vốn hoạt động để mua TPCP, trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo quyết định của NHNN, tín phiếu NHNN, gửi tiền tại NHNN. Việc quy định như Thông tư số 20 phù hợp với i) danh mục quản lý và sử dụng nguồn vốn hiện nay (gồm các công cụ nợ để đầu tư và “mua trái phiếu dài hạn” để tham gia hỗ trợ); và ii) đảm bảo BHTGVN có thể tối ưu hóa mọi nguồn lực sẵn có để vừa đầu tư vừa đảm bảo tham gia cơ cấu lại.
Thông tư số 20 cũng bổ sung quy định BHTGVN được bán trái phiếu dài hạn trong trường hợp Quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ để trả tiền bảo hiểm để phù hợp với Luật số 17. Trong bối cảnh nguồn lực tài chính của BHTGVN liên tục tăng trưởng dương - việc danh mục quản lý và sử dụng nguồn vốn chỉ có duy nhất công cụ “mua & nắm giữ TPCP đến ngày đáo hạn” còn có thể đem lại doanh thu là một sự lãng phí nguồn lực. Chưa thể mua trái phiếu dài hạn nghĩa là BHTGVN chưa thể tham gia cơ cấu lại TCTD; sự thiếu đồng bộ của văn bản pháp luật sẽ tạo khoảng trống lớn giữa quy định và thực tiễn trong trường hợp NHNN ban hành quyết định BHTGVN mua trái phiếu dài hạn.
Xây dựng kế hoạch phân bổ và sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi
Hiện tại, trên 99%nguồn vốn nhàn rỗi của BHTGVN được sử dụng chủ yếu để đầu tư mua TPCP, trong khi theo Luật BHTG, BHTGVN chỉ được “mua & nắm giữ đến ngày đáo hạn” và chỉ được bán TPCP trong trường hợp quỹ dự phòng không đủ để chi trả. Như vậy, BHTGVN không thể linh hoạt bán TPCP để mua trái phiếu dài hạn. Nguồn vốn nhàn rỗi sẽ được sử dụng chung để mua TPCP và trái phiếu dài hạn.
Trên thực tế, nguồn tiền sử dụng để mua TPCP cho mục đích đầu tư và mua trái phiếu dài hạn để tham gia cơ cấu lại (i) căn cứ vào NVTTNR phát sinh hàng năm - được hình thành chủ yếu từ nguồn thu gốc, lãi các khoản đầu tư đến hạn và thu phí BHTG hàng năm; và (ii) trên cơ sở Kế hoạch đầu tư vốn đã xây dựng và được NHNN phê duyệt. Trong đó:
- Nguồn thu phí ghi nhận giá trị lớn vào các tháng đầu quý (tháng 1, 4, 7 và tháng 10) khi các tổ chức tham gia BHTG đóng phí và trên bình diện chung cả năm tập trung chủ yếu trong 06 tháng đầu năm (chiếm trên 60%) và giảm dần từ quý 3;
- Nếu giai đoạn 2015-2020, BHTGVN có NVTTNR tương đối ổn định và liên tục tăng trưởng, nguồn tiền trong giai đoạn tiếp theo dự kiến sẽ giảm dần (tăng trưởng không đều, thậm chí có năm giảm) do các khoản thu gốc, lãi đến hạn phụ thuộc vào lãi suất đầu tư của các năm trước (đã ghi nhận giảm dần từ 8,27% năm 2013 xuống chỉ còn 2,99% năm 2020) - ảnh hưởng đến nguồn thu lãi các năm tiếp theo (chưa kể mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm hoặc tăng giảm không đều trong khi kỳ vọng về mục tiêu hoàn thành kế hoạch của các năm trước có thể tạo thêm áp lực cho giai đoạn tới). Ngoài ra, nguồn thu phí BHTG cũng có thể bị ảnh hưởng bởi Điều 146đ Luật số 17 quy định “TCTD được KSĐB được miễn nộp phí BHTG”. Đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng vốn của BHTGVN cần phải được nhìn nhận và tính toán ở góc độ kỹ thuật.
Để đảm bảo cân đối hợp lý lợi ích giữa “mua trái phiếu dài hạn để tham gia cơ cấu lại” và “đầu tư mua TPCP” nhằm đảm bảo doanh thu cho tăng trưởng và phát triển vốn, BHTGVN cần có sự phân bổ phù hợp tỷ trọng vốn nhàn rồi sẵn có và đây là yêu cầu không dễ ngay từ khâu thu thập thông tin đầu vào xây dựng kế hoạch năm. Một mặt, việc mua trái phiếu dài hạn phụ thuộc vào quyết định của NHNN; mặt khác nguồn tiền đến hạn tại thời điểm mua trái phiếu dài hạn (trong thực tế nếu thực hiện) có thể khác xa với dự kiến tỷ lệ phân bổ vốn theo kế hoạch năm cho mua trái phiếu dài hạn so với đầu tư. Để cân đối hiệu quả giữa đầu tư và tham gia cơ cấu lại cần giải pháp căn cơ trong ngắn hạn, ổn định và bền vững trong dài hạn.
Quy định pháp lý và thực tiễn hoạt động đầu tư
Trên bình diện hoạt động đầu tư, Luật BHTG đã thu hẹp danh mục đầu tư của BHTGVN so với giai đoạn trước 2013 (từ 06 nhóm công cụ đầu tư được phép thời kỳ 2000-2004 và 07 nhóm công cụ 2005-2012 xuống chỉ còn 03 hình thức đầu tư được phép - trong đó chỉ duy nhất TPCP còn có khả năng đem lại doanh thu khá). Việc mua trái phiếu dài hạn là nhằm tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém nên danh mục quản lý & sử dụng vốn của BHTGVN vẫn chưa được mở rộng cả về pháp lý và thực tiễn; trong khi sự khác biệt giữa Luật BHTG với Luật số 17 và Thông tư số 20 làm hạn chế tính chủ động của BHTGVN trong cân đối vốn và dễ rơi vào tình thế “lãi suất thấp vẫn phải mua để tránh ứ đọng vốn, lãi suất cao không được bán”. Đồng thời, nguyên tắc “mua & nắm giữ đến ngày đáo hạn” TPCP và sau này gồm cả trái phiếu dài hạn sẽ làm gia tăng rủi ro gắn với yếu tố tăng/giảm lãi suất và giá trị tài sản nắm giữ do không có kế hoạch bán thời điểm giá cao và khi cần chi trả kịp thời bắt buộc phải bán. Nếu được bán nghĩa là BHTGVN chủ động lên kế hoạch thời gian nắm giữ và xác định giới hạn thời hạn nắm giữ từng kỳ hạn, từ đó giúp hài hòa tỷ lệ vốn cho đầu tư mua trái phiếu dài hạn, tránh tập trung vốn cho công cụ có tài sản nhạy cảm có tính phụ thuộc cao – góp phần giảm sức ép phải tăng kỳ hạn để hoàn thành chỉ tiêu.
Vấn đề “mua & nắm giữ đến ngày đáo hạn”
Đối với BHTGVN, gần như toàn bộ vốn nhàn rỗi (xấp xỉ 95% tổng nguồn vốn) hiện được sử dụng để đầu tư.Trong khi số tiền theo hạn mức dự phòng chi trả 190 tỷ đồng mới chỉ đảm bảo nghĩa vụ pháp lý đối với các vụ đổ vỡ nhỏ xảy ra ở QTDND; nếu xảy ra đổ vỡ ngân hàng thương mại, lượng vốn lớn đã đem đầu tư sẽ khó tiếp cận trong thời gian ngắn khi phần lớn tài sản mua có kỳ hạn trung & dài được mua & nắm giữ đến ngày đáo hạn. Nguyên tắc mua & nắm giữ TPCP hiện nay của BHTGVN theo quy định pháp luật mô hình chung đặt ra khó khăn cho việc bán TPCP để cân đối vốn mua trái phiếu dài hạn. Khi quy định hiện hành chưa được sửa đổi, việc bán trái phiếu dài hạn sau này cũng sẽ có thể còn tạo ra áp lực lớn hơn cho BHTGVN.
Ngoài ra, TCTD hỗ trợ được NHNN chỉ định tham gia phương án phục hồi không hoạt động hiệu quả và BHTGVN không được chủ động lựa chọn các TCTD hỗ trợ tốt nhất dựa trên cơ chế thỏa thuận, hay TCTD được KSĐB không thể phục hồi theo phương án phục hồi được phê duyệt, nguy cơ không thu hồi được hoặc chỉ thu hồi được một phần gốc, lãi đến hạn đã sử dụng để mua trái phiếu dài hạn cũng rất cao. Nguyên tắc “mua & nắm giữ” đối với trái phiếu dài hạn gây khó khăn cho việc thu hồi vốn trước hạn hay thu hồi vốn để phục vụ các ưu tiên khác trong cân đối vốn vì:
- Việc tham gia cơ cấu lại qua mua trái phiếu dài hạn là cam kết và đảm bảo về mặt tài chính, vai trò và uy tín của DIV;
- Loại trái phiếu dài hạn mà TCTD hỗ trợ phát hành cho BHTGVNlà loại trái phiếu đặc biệt không chỉ về kỳ hạn (“dài hạn” theo đúng nghĩa với chu kỳ/vòng đời phục hồi của TCTD được KSĐB) mà còn bao hàm các tiêu chí, điều kiện và yêu cầu gắn với TCTD hỗ trợ - một loại hình TCTD đặc thù;
- Khái niệm về kỳ hạn của trái phiếu dài hạn vẫn còn là ẩn số khi việc xây dựng và đề xuất kỳ hạn mua có thể phải căn cứ vào thời hạn dự kiến thực hiện phương án phục hồi – nghĩa là có thể do NHNN quyết định hoặc có thể được thỏa thuận giữa TCTD hỗ trợ và BHTGVN. Các phương án về kỳ hạn chưa được xác định cụ thể nhưng phải đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ của các bên tham gia phương án phục hồi;
- Trái phiếu dài hạn do TCTD hỗ trợ phát hành không gắn với yếu tố phải trả lãi cao hơn như thông lệ khi việc mua trái phiếu không phải là hoạt động đầu tư mà là tham gia cơ cấu lại.
Vấn đề rủi ro mất và sụt giảm nguồn vốn
Về lý thuyết, tất cả các công cụ nợ (kể cả TPCP) đều có rủi ro nhất định ở từng thời điểm mà cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu những năm trước là một ví dụ thực tiễn sinh động. Đối với riêng trái phiếu dài hạn được phát hành để cơ cấu lại TCTD yếu kém vừa phải tuân thủ quy định của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng rủi ro; vừa là loại trái phiếu có hệ số rủi ro không cao khi BHTGVN mua theo quyết định của NHNN và danh sách các TCTD hỗ trợ được NHNN phê duyệt là những NHTM được xếp loại tốt... Tuy vậy, việc mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, nếu phải thực hiện phương án hỗ trợ lãi suất mua hoặc mua với lãi suất thấp hơn lãi suất các công cụ đang được BHTGVN đầu tư sẽ làm sụt giảm nguồn vốn, ảnh hưởng đến Kế hoạch doanh thu và đây sẽ có thể là rủi ro có tác động tiêu cực nhất.
Việc chỉ được mua trái phiếu dài hạn với khối lượng, kỳ hạn và lãi suất theo nội dung phương án phục hồi và quyết định của NHNN có thể làm giảm sự chủ động của BHTGVN trong phân bổ, cân đối và tận dụng linh hoạt nguồn lực, dẫn đến BHTGVN khi có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi không mua được trái phiếu cũng như không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, gây ứ đọng và/hoặc thiếu vốn cục bộ, ảnh hưởng hiệu quả sử dụng vốn của BHTGVN. Thời gian xây dựng phương án phục hồi kéo dài và BHTGVN phải chờ sự phê duyệt của NHNN là những yếu tố chi phối việc mua trái phiếu dài hạn: nếu không xây dựng kế hoạch thu - chi cụ thể, sát thực tế; giám sát chi phí hiệu quả, tiết kiệm theo hướng có dự phòng tốt nhất có thể ảnh hưởng đến nguồn tiền nhàn rỗi sẵn có từng thời điểm và hiệu quả sử dụng vốn.
Dưới đây là phương án đề xuất cụ thể để BHTGVN có thể mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ.
Phương án thực tiễn BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ
Với nguồn lực tài chính và các khó khăn, thách thức như đã phân tích, BHTGVN vẫn sẽ sử dụng vốn nhàn rỗi sẵn có phát sinh để đồng thời thực hiện hoạt động đầu tư và mua trái phiếu dài hạn nhằm tham gia cơ cấu lại trong khi vẫn phải đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chính sách công về BHTG khi phát sinh nghĩa vụ chi trả. Trong giai đoạn 2022-2025, số tiền nhàn rỗi phát sinh hàng năm trung bình khoảng 16 nghìn tỷ đồng để đồng thời thực hiện các nhiệm vụ nói trên.
Dự kiến số tiền nhàn rỗi sẵn có của BHTGVNgiai đoạn 2022-2025
Đơn vị: tỷ đồng
2022 |
2023 |
2024 |
2025 |
13.037,0 |
15.797,5 |
15.998,6 - 16.038,1 |
17.387,6 - 17.468,6 |
- Trong ngắn hạn, ở năm đầu thực hiện mua trái phiếu dài hạn, BHTGVN nên thiết lập tỷ lệ phân bổ vốn ở mức khiêm tốn không vượt quá 10% NVTTNR (tương ứng khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng) và tăng dần tỷ lệ này lên cao hơn nhưng không nên vượt quá 30% tổng số tiền nhàn rỗi thực tế phát sinh hàng năm (khoảng 5 nghìn tỷ đồng).
- Trong trung hạn, có thể xem xét phương án thiết lập riêng quỹ sử dụng cho mua trái phiếu dài hạn để tham gia cơ cấu lại (có thể gọi là “Quỹ tái cơ cấu”) - tách biệt với Quỹ dự phòng nghiệp vụ sử dụng cho mục đích chi trả bảo hiểm. Trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm một số nước như Hàn Quốc (phân bổ tỷ lệ 40% nguồn vốn cho xử lý & cơ cấu lại, và 60% cho các mục đích ưu tiên), Indonesia (thiết lập tỷ lệ 80% nguồn vốn cho Quỹ BHTG dùng cho mục đích chi trả, thanh lý và tái cơ cấu và 20% cho Quỹ dự trữ), BHTGVN có thể thiết lập tỷ lệ vốn phân bổ phù hợp cho Quỹ tái cơ cấu theo thực trạng riêng của Việt Nam và điều kiện của BHTGVN.
Trong khi Luật BHTG đang chờ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật số 17 và Thông tư số 20; nếu NHNN quyết định BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ A và/hoặc B…, BHTGVN sẽ căn cứ vào tỷ lệ phân bổ vốn trong kế hoạch năm đã xây dựng và được NHNN phê duyệt, đặc biệt là trên cơ sở nguồn tiền nhàn rỗi sẵn có tại thời điểm mua. Trường hợp những điều kiện thực tế không đủ đáp ứng việc mua trái phiếu dài hạn, BHTGVNsẽ báo cáo NHNN. Việc sử dụng nguồn vốn của BHTGVN để mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ khi có quyết định của NHNN và đáp ứng các điều kiện thực tiễn có thể thực hiện theo các phương án đề xuất cụ thể sau:
1/ BHTGVN sẽ tạm thời chỉ mua trái phiếu dài hạn do TCTD hỗ trợ phát hành cho mục đích hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD yếu kém (ưu tiên số 1);
2/ Trong giai đoạn xây dựng phương án phục hồi đối với TCTD được KSĐB, BHTGVN đề xuất ưu tiên hỗ trợ về vốn – phù hợp với hướng dẫn của NHNN tại Công văn số 2166 về việc BHTGVN có thể đề xuất cụ thể, chi tiết nội dung liên quan đến mua trái phiếu dài hạn. Vì ngoài nhiệm vụ tham gia cơ cấu lại thông qua mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, BHTGVN còn phải duy trì hoạt động của tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ theo Luật BHTG và đảm bảo hài hòa mục tiêu các kế hoạch (kinh doanh, lao động - tiền lương, tài chính) theo quy định pháp luật hiện nay, góp phần tăng cường năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong tương lai khi Luật BHTG được sửa đổi, bổ sung phù hợp;
3/ Về lãi suất mua trái phiếu dài hạn, BHTGVN sẽ tham chiếu lãi suất thị trường TPCP cùng kỳ hạn tại thời điểm mua nhằm đảm bảo lãi suất mua không thấp hơn lãi suất TPCP. Ngoài ra, BHTGVN cũng căn cứ vào tình hình hoạt động của TCTD phát hành, đề nghị của NHNN và nội dung phương án phục hồi đã được phê duyệt;
4/ Về kỳ hạn mua trái phiếu dài hạn, BHTGVN sẽ thực hiện mua theo kỳ hạn tối đa của phương án phục hồi và loại trái phiếu tăng vốn thông thường của TCTD hỗ trợ là NHTM; trường hợp khác, BHTGVN đề nghị NHNN quyết định;
5/ Về khối lượng, với khả năng tài chính đã đề cập, BHTGVN có khả năng đáp ứng ngay các yêu cầu về hỗ trợ các QTDND được KSĐB; đối với NHTM được KSĐB, BHTGVN sẽ giới hạn phân bổ nguồn lực để hỗ trợ TCTD hỗ trợ tham gia cơ cấu lại trên cơ sở cân đối vốn nhàn rỗi sẵn có với tỷ lệ phân bổ phù hợp nhất. Các trường hợp khác do NHNN quyết định.
Một số đề xuất và kiến nghị
Để đảm bảo tính bền vững của giải pháp BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ nhằm tham gia cơ cấu lại phù hợp với quy định hiện hành, một số đề xuất và kiến nghị sau đây cần sớm được các bên liên quan xem xét, trong đó:
- Quốc hội cần sớm đưa kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật BHTG vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG để đảm bảo không quá hạn nhiều với khung lộ trình thời gian đề xuất; chỉ đạo rà soát đánh giá triển khai Luật BHTG để kịp thời đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và các luật liên quan; chỉ đạo cơ quan, bộ, ngành liên quan trình nội dung sửa đổi bổ sung các văn bản dưới luật phù hợp với Luật BHTG sửa đổi.
- Bộ Tài chính cần sớm nghiên cứu phương án sửa đổi Thông tư số 20 phù hợp với Luật BHTG sửa đổi; đảm bảo chế độ tài chính của BHTGVN phù hợp với Chiến lược phát triển BHTG và Luật BHTG.
- NHNN cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật số 17 và/hoặc ban hành khẩn trương văn bản hướng dẫn việc BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sụng Luật BHTG và các luật liên quan; chủ trì xây dựng và trình Chính phủ văn bản hướng dẫn Luật BHTG sửa đổi khi được yêu cầu; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi để hoàn thiện Luật số 17 theo nội dung đề xuất của BHTGVN.
- BHTGVN cần tham vấn các cơ quan chức năng để kịp thời hoàn thiện nội dung đề xuất sửa đổi Luật BHTG báo cáo NHNN trình Chính phủ và Quốc hội; cập nhật tình hình phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG. Trong bối cảnh chờ NHNN ban hành hướng dẫn thực hiện việc mua trái phiếu dài hạn, BHTGVN cần sớm ban hành Quy chế mua bán trái phiếu dài hạn theo đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra, phổ biến nội dung Quy chế và báo cáo NHNN. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo có tính thực tiễn cao về tham gia KSĐB, mua trái phiếu dài hạn cũng như thực hiện tuyên truyền chính sách về BHTG đối với vai trò mới của BHTGVN trong tham gia cơ cấu lại TCTD được KSĐB.