Theo Bộ Tài chính, tính đến 30/9/2017, cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ BLTD, tổng số vốn điều lệ của các Quỹ BLTD ước khoảng 1.579 tỷ đồng. Doanh số bảo lãnh của các Quỹ BLTD lũy kế từ năm 2002 đến 30/9/2017 ước khoảng trên 4.126 tỷ đồng với khoảng trên 2000 DNNVV được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Số dư bảo lãnh đến 30/9/2017 của các Quỹ BLTD ước đạt trên 411 tỷ đồng, số trả nợ thay đạt khoảng 83 tỷ đồng.
Thực tế triển khai hoạt động bảo lãnh tín dụng qua Quỹ BLTD địa phương, Bộ Tài chính cho biết, khó khăn, vướng mắc của các Quỹ hiện nay tập trung chủ yếu ở các vấn đề:
- Năng lực tài chính của Quỹ BLTD tại các địa phương còn hạn chế, vốn hoạt động bảo lãnh tín dụng thấp, một số Quỹ chưa đáp ứng đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành; quy mô còn nhỏ, số dư trích lập dự phòng rủi ro của Quỹ thấp chưa đảm bảo bù đắp chi phí khi có rủi ro xảy ra, nguồn thu từ phí bảo lãnh thấp không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ, trong khi rủi ro bảo lãnh cao nên hoạt động của Quỹ còn gặp nhiều khó khăn.
- Một số TCTD, DNNVV và Quỹ BLTD chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, vai trò của người cho vay, người sử dụng vốn vay và người bảo lãnh trong hoạt động cấp bảo lãnh tín dụng; công tác phối hợp giữa các bên liên quan còn hạn chế trong quá trình thẩm định hồ sơ, cấp bảo lãnh, giải ngân, kiểm soát sử dụng vốn vay...
- Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong hoạt động cấp bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là cán bộ thẩm định của các Quỹ gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quỹ.
- Trong quá trình thực hiện hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã phát sinh tranh chấp giữa các bên (chủ yếu giữa Quỹ BLTD và Ngân hàng thương mại) và đã phải đưa ra Tòa án để giải quyết, xử lý.
- Việc tham gia góp vốn điều lệ của tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật đối với Quỹ chưa cao, có một số TCTD tham gia góp vốn điều lệ nhưng với số vốn góp còn rất khiêm tốn.
- Về mô hình hoạt động của Quỹ (mô hình độc lập, ủy thác hoặc giao cho Quỹ tài chính địa phương, trong đó, chủ yếu là Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện nhiệm vụ) còn phát sinh vướng mắc.
- Việc phối hợp giữa Quỹ và TCTD trong quá trình cấp bảo lãnh tín dụng, cho vay, thu hồi nợ… còn chưa được các bên quan tâm và triển khai, phối hợp thường xuyên.
Trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và bài học về xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Bộ Tài chính giải trình sự cần thiết ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đánh giá chung của các doanh nghiệp cho thấy, khó khăn nhất vẫn là tiếp cận vốn tín dụng vì các DNNVV thường không đáp ứng được yêu cầu về tài sản bảo đảm tiền vay. Vì vậy, để Quỹ BLTD hoạt động có hiệu quả, thực sự trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các DNNVV, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Quỹ BLTD hiện nay là yêu cầu có tính cấp thiết.
Mặt khác, việc ban hành Nghị định là phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu bảo lãnh của DNNVV ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy hoạt động bảo lãnh tín dụng có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn tới.
Hoạt động bảo lãnh tín dụng mang lại lợi ích cho các bên tham gia: (i) đối với các DNNVV: Dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, giảm áp lực về lãi suất vay, nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng nhu cầu đầu tư dài hạn; (ii) đối với các ngân hàng: Đây là hình thức bảo đảm vốn vay đáng tin cậy (bảo lãnh của bên thứ 3), tham gia vào thị trường nợ mới, nâng cao hiệu quả hệ số sử dụng vốn, mở rộng thị trường hoạt động; (iii) đối với Chính phủ: nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo ra công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, tạo ra mạng lưới an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Nghị định được ban hành góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng, nhà nước về các chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy, phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Từ năm 2001-2016, chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001 về ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ BLTD cho DNNVV (Quyết định số 193), Quyết định số 115/2004/QĐ-TTg ngày 25/6/2004 về sửa đổi, bổ sung quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ BLTD cho DNNVV (Quyết định số 115), Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 (về ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ BLTD cho DNNVV (Quyết định số 58) thay thế Quyết định số 193 và Quyết định số 115) (Hướng dẫn Quyết định số 58/2013/QĐ–TTg, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 147/2014/TT-BTC ngày 8/10/2014 về hướng dẫn một số Điều của Quyết định số 58/2013/QĐ–TTg, Ngân hàng nhà nước Việt Nam banh hành Thông tư số 05/2015/TT-NHNN ngày 4/5/2015 về hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay có bảo lãnh). Về cơ bản, chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV quy định tại Quyết định số 58 đã được quy định phù hợp với các văn bản hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng, khung pháp lý chung về bảo lãnh tín dụng tại các Quỹ BLTD, phân định khá chi tiết cụ thể quyền và trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện bảo lãnh, quy trình bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh, chứng thư bảo lãnh... |