Theo đó, tính đến cuối năm 2014, tổng tiền gửi được bảo hiểm đạt 18,3 nghìn tỷ rúp (khoảng 321 tỷ USD), tăng 1,5 nghìn tỷ rúp (khoảng 26,32 tỷ USD và tương đương 9%) so với năm 2013. Quy mô của Quỹ BHTG bắt buộc hiện là 83,6 tỷ rúp ( tương đương 1,47 tỷ USD).
Tháng 4/2014, Luật Liên bang chính thức có hiệu lực, cho phép DIA vay từ Ngân hàng Liên Bang phục vụ việc chi trả tiền gửi. Theo tính toán của DIA, quy mô Quỹ BHTG trong năm 2015 có thể bảo vệ tất cả các khoản tiền gửi tại ngân hàng. Năm 2014, một loạt chính sách mới của DIA được thông qua như: Hạn mức chi trả bảo hiểm tối đa tăng lên gấp đôi - 1,4 triệu rúp (tương đương 24.565 USD); tài khoản ký quỹ trong giao dịch mua bán bất động sản sẽ được bảo hiểm riêng với hạn mức bảo hiểm tối đa là 10 triệu rúp (có hiệu lực từ ngày 02/4/20152015); cơ chế thu phí phân biệt đối với các tổ chức tham gia BHTG sẽ phát huy hiệu lực từ 01/7/2015. Ngoài ra, trong tháng 12/2014, DIA được Chính phủ tăng cường 1000 tỷ rúp (khoảng 17,55 tỷ USD) từ trái phiếu Liên bang để bổ sung vốn cho các ngân hàng Nga.
Trong năm, có sự gia tăng đáng kể trong việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm tại 61 tổ chức tham gia BHTG bị thu hồi giấy phép. Tổng số tiền DIA đã chi trả cho người gửi tiền là 189,8 tỷ rúp (khoảng 3,33 tỷ USD) cho 1,18 triệu người gửi tiền. Tính từ thời điểm thành lập năm 2004 đến nay, DIA đã xử lý 218 sự vụ đổ vỡ và thực hiện chi trả lên tới 390 tỷ rúp (khoảng 6,8 tỷ USD). Đầu năm 2014, có 12.100 doanh nghiệp được DIA bồi thường với tổng số tiền 967.300.000 rúp (khoảng 16,97 triệu USD).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã chấp nhận các đề xuất xử lý đối với 14 ngân hàng có nguy cơ phá sản với các phương thức khác nhau. Quy định tạm thời về ngăn chặn phá sản ngân hàng đã được chính thức hóa theo Luật nhằm tăng cường hiệu quả của các cơ chế hiện hành. Hiện DIA quản lý việc thanh lý tài sản của 71 tổ chức tham gia BHTG bị giải thể. Cuối năm 2014, DIA đã thanh lý thành công 180 ngân hàng; trong đó 153 đã phá sản và 27 đơn vị giải thể bắt buộc.
Như vậy, lượng tiền thu được từ bán và thu hồi tài sản, dư nợ cho vay trong năm tăng gấp ba lần so với năm 2013. Thủ tục thanh lý trong kỳ báo cáo được hoàn thành ở mức 39,5%, cao hơn 1,7 lần so với mức là 23,1% mà DIA đề ra cho cả thời kỳ.
Kể từ năm 2014, DIA đã thực hiện chức năng ủy thác thu hồi sau phá sản đối với các quỹ hưu trí tư nhân. Kết thúc năm 2014, cơ quan đã thanh lý 5 quỹ; giải quyết khiếu nại của 1632 chủ nợ với tổng số tiền 758.500.000 rúp (khoảng 13,31 triệu USD).
Để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền của ngân hàng Ucraina trên lãnh thổ Crưm, phù hợp với Luật Liên bang số 39-FZ; ngày 02/4/2014, DIA đã thành lập Quỹ Bảo vệ người gửi tiền - một tổ chức tự trị phi thương mại. Theo đó, 188.000 người gửi tiền trên lãnh thổ Crưm đã liên hệ với ngân hàng đại lý và được chi trả 24,9 tỷ rúp (tương đương 436,9 triệu USD).
Về cơ chế tương tác với người gửi tiền tại ngân hàng phá sản, trong năm 2014, một Hội đồng Công chúng đã được thành lập để liên hệ với các chủ nợ của các tổ chức tài chính được thanh lý, và một trong những thành quả đầu tiên của Hội là việc sửa đổi pháp luật về bảo vệ chủ nợ.