Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) ban hành một số tài liệu Hướng dẫn và nghiên cứu
Trong quý 3/2021, IADI đã ban hành 01 tài liệu hướng dẫn và 01 báo cáo nghiên cứu tóm tắt. Cụ thể, ngày 12/7/2021 IADI phối hợp cùng Hội đồng Dịch vụ Tài chính Hồi giáo (IFSB) ban hành Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG Hồi giáo hiệu quả(sau đây gọi tắt là “Bộ nguyên tắc”). Bộ nguyên tắc bao gồm 17 nguyên tắc cơ bản được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế được nêu tại Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của IADI (tháng 11/2014) và điều chỉnh nội dung phù hợp với các đặc điểm riêng của các ngân hàng Hồi giáo cũng như các cam kết tuân thủ Luật Hồi giáo. Bộ nguyên tắc đóng vai trò như một khung tiêu chuẩn quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hệ thống BHTG Hồi giáo hiệu quả.
Ngoài ra, trong tháng 9/2021, IADI ban hành Báo cáo tóm tắt chính sách về “5 yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động BHTG”. 5 yếu tố đó bao gồm: biến đổi khí hậu, công nghệ tài chính (fintech), hệ quả của chính sách Covid-19, vai trò của các tổ chức BHTG trong quá trình xử lý và các vấn đề xuyên biên giới. Báo cáo phân tích tác động của 5 yếu tố trên đến hoạt động của tổ chức BHTG và khuyến nghị các giải pháp ứng phó với các tác động đó.
Nhiều quốc gia sửa đổi quy định về BHTG nhằm nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức BHTG
Tại khu vực châu Mỹ, Tổng công ty BHTG liên bang Mỹ (FDIC) sửa đổi quy định về việc lập kế hoạch xử lý, trong đó yêu cầu các tổ chức nhận tiền gửi được bảo hiểm có tổng tài sản từ 100 tỷ USD trở lên phải nộp kế hoạch xử lý cho FDIC. Các quy định được sửa đổi bao gồm việc giãn tần suất nộp kế hoạch xử lý từ chu kỳ 2 năm/lần thành 3 năm/lần và quy định chi tiết về các cam kết dự kiến của FDIC đối với các tổ chức bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng và các yêu cầu của FDIC trong việc kiểm tra năng lực hoạt động đối với tổ chức được yêu cầu nộp kế hoạch xử lý. Đối với các tổ chức nhận tiền gửi có tổng tài sản dưới 100 tỷ đô la Mỹ tiếp tục tuân theo lệnh tạm hoãn nộp kế hoạch xử lý do FDIC thông báo tháng 11/2018.
Tại Canada, Luật thực thi Ngân sách 2021 được thông qua cuối tháng 6/2021 có một số nội dung thay đổi quan trọng liên quan đến chính sách BHTG như: (i) tăng cường tính thực thi của các điều khoản áp dụng cho các hợp đồng tài chính có tính chất xuyên biên giới, giúp cải thiện khả năng xử lý của Tổng công ty BHTG Canada (CDIC) đối với tổ chức thành viên có hoạt động xuyên biên giới; (ii) cung cấp quy định pháp luật rõ ràng để đảm bảo người thụ hưởng tiền gửi tín thác tiếp tục được bảo vệ khi các yêu cầu mới liên quan đến tiền gửi tín thác có hiệu lực; (iii) kéo dài thời hạn kiểm soát đối với ngân hàng đổ vỡ từ 6 tháng lên 18 tháng để CDIC có đủ thời gian hoàn tất việc bán hoặc tái cơ cấu ngân hàng. Những thay đổi này sẽ giúp nâng cao vai trò của CDIC trong việc bảo vệ người gửi tiền, thúc đẩy sự ổn định tài chính và xử lý các tổ chức có vấn đề thuộc mọi quy mô ở Canada.
Đối với các tổ chức BHTG khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong tháng 8/2021, Quốc hội Philippines tiến hành sửa đổi Điều lệ hoạt động của PDIC (hay còn gọi là Luật Cộng hòa số 3591) với một số thay đổi lớn, trong đó có việc PDIC sẽ trở thành cơ quan trực thuộc NHTW Philippines thay vì trực thuộc Bộ Tài chính như trước đây. Việc sửa đổi giúp loại bỏ các chức năng, nhiệm vụ chồng chéo giữa các cơ quan quản lý trong ngành và giúp hai cơ quan phối hợp thực hiện chính sách tốt hơn, đồng thời giúp tăng cường và củng cố hơn nữa chức năng và nhiệm vụ của PDIC.
Cũng trong tháng 8/2021, Ấn Độ thông qua Luật Tổng công ty BHTG và Bảo lãnh tín dụng (DICGC) sửa đổi. Luật này quy định người gửi tiền tại ngân hàng bị NHTW Ấn Độ (RBI) đưa vào diện tạm ngừng hoạt động có thể nhận được khoản tiền gửi được bảo hiểm trong thời hạn 90 ngày mà không cần chờ đến khi ngân hàng đó được thanh lý (Trước khi Luật DICGC sửa đổi được thông qua, người gửi tiền chỉ có thể nhận được tiền gửi được bảo hiểm khi ngân hàng được thanh lý, thông thường từ khi ngân hàng gặp vấn đề cho đến khi hoàn tất thanh lý khoảng 8-10 năm). DICGC có thể áp dụng hệ thống phí phân biệt trên cơ sở rủi ro đối với các tổ chức tham gia BHTG với mức phí tối đa được quy định là 0,15%/năm (DICGC đang thu phí đồng hạng ở mức 0,12%/năm). DICGC có thể áp dụng phí phạt cao hơn lãi suất chiết khấu do RBI quy định tối đa 2% đối với số tiền mà cơ quan thanh lý phải hoàn trả cho DICGC nếu cơ quan thanh lý trì hoãn việc hoàn trả số tiền DICGC đã chi trả cho người gửi tiền quá thời gian quy định của Hội đồng quản trị DICGC đưa ra (Luật DICGC trước đây không quy định cơ chế phạt khi cơ quan thanh lý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả).
Một số chính sách BHTG mới nhằm bảo vệ người gửi tiền tốt hơn trong đại dịch và theo kịp xu hướng tài chính công nghệ
Đầu tháng 8/2021, NHTW Nigeria đã ban hành các hướng dẫn mới đối với đơn vị điều hành dịch vụ thanh toán di động (Mobile Money Operator – MMO) tại nước này. Hướng dẫn mới quy định các MMO được phép cung cấp ví tiết kiệm kết hợp với các ngân hàng thanh toán. Các khoản tiền gửi được giữ trong các ví này được bảo hiểm bởi Tổng công ty BHTG Nigeria (NDIC) thông qua một thỏa thuận bảo hiểm. Như vậy, trong trường hợp ngân hàng thanh toán bị NHTW Nigeria rút giấy phép, NDIC sẽ bảo hiểm với hạn mức tối đa 500.000 Naira (tương đương hơn 1.200 USD) cho mỗi người đăng ký. Trong trường hợp MMO bị thu hồi giấy phép hoặc bị dừng hoạt động, NHTW Nigeria đảm bảo các khoản nợ tiền gửi của người đăng ký sẽ do một MMO khác hoặc một tổ chức tài chính khác đảm nhận theo quy định của Luật Ngân hàng và Các tổ chức tài chính khác.
Tại Mỹ, ngày 15/6/2021, FDIC đã chính thức phê duyệt chính sách dành cho tổ chức nhận tiền gửi thiểu số (MDI) với mục đích khuyến khích và phát triển MDI. Chính sách mới sẽ cập nhật các quy định mới, tăng cường và làm rõ vai trò của FDIC trong việc quản lý MDI. Cụ thể, FDIC sẽ có trách nhiệm trong việc duy trì và phát triển hệ thống MDI, tăng cường trao đổi thông tin giữa FDIC và MDI. Chính sách mới cũng đưa ra các quy định liên quan đến hoạt động đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận công chúng dành cho MDI. Mở đầu cho việc triển khai chính sách này, ngày 16/9/2021, FDIC đã ra mắt “Quỹ Định hướng Sứ mệnh Ngân hàng”, một quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ tổ chức nhận tiền gửi thiểu số và tổ chức tài chính phát triển cộng đồng. Theo đó, Quỹ chỉ đầu tư, hỗ trợ cho các ngân hàng phục vụ cộng đồng da màu thiểu số, những người có thu nhập thấp hoặc ở khu vực nông thôn và giúp các ngân hàng này giải quyết tình trạng thiếu vốn dài hạn. Việc Quỹ tập trung đầu tư nguồn vốn dài hạn giúp các ngân hàng linh hoạt trong việc cung cấp vốn vay và tạo ra lợi nhuận, từ đó gián tiếp giúp hạn chế sự bất bình đẳng kinh tế do phân biệt chủng tộc gây ra.
Các tổ chức BHTG tăng cường hợp tác
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các tổ chức BHTG trên thế giới có xu hướng tăng cường hợp tác giữa các tổ chức BHTG, các cơ quan trong mạng an toàn tài chính và các tổ chức liên quan khác.
Cụ thể, giữa tháng 6/2021, Quỹ bảo vệ tiền gửi Uganda ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chính thức với Tổng công ty BHTG Nigeria, đánh dấu cột mốc quan trọng, hợp thức hóa mối quan hệ lâu dài giữa hai bên. Biên bản ghi nhớ đưa ra cam kết hợp tác giữa NDIC và DPF trong các lĩnh vực hợp tác song phương, chia sẻ thông tin; các vấn đề khác như trao đổi nhân sự, trách nhiệm của các bên, cam kết bảo mật và cơ chế giải quyết tranh chấp.
Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Philippines đã chính thức thành lập Hội đồng điều phối ổn định tài chính - FSCC (Hội đồng liên ngành gồm NHTW Philippines, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán & Giao dịch và Tổng công ty BHTG Philippines). Mục tiêu hoạt động của FSCC nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan trong mạng an toàn tài chính và góp phần giảm thiểu rủi ro hệ thống thông qua các can thiệp chính sách an toàn vĩ mô một cách kịp thời. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, tài chính Philippines nói riêng và thế giới nói chung, việc Chính phủ Philippines hợp thức hóa FSCC là một hành động kịp thời giúp nâng cao niềm tin cho các nhà đầu tư và góp phần ổn định hệ thống tài chính.
Cuối tháng 8/2021, Cơ quan BHTG Nga (DIA) chính thức tham gia Diễn đàn quốc tế về cơ chế bảo đảm bảo hiểm (IFIGS – sau đây gọi tắt là Diễn đàn) với tư cách thành viên liên kết. IFIGS là diễn đàn quốc tế phi lợi nhuận dành cho các cơ chế bảo vệ bảo hiểm đối với loại hình bảo hiểm nhân thọ và các loại hình bảo hiểm khác, hoạt động với mục tiêu thúc đẩy chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về cơ chế bảo đảm bảo hiểm giữa các quốc gia. Từ đó giúp DIA có điều kiện để nghiên cứu sâu hơn về kinh nghiệm của các quốc gia trong việc phát triển các chương trình bảo đảm bảo hiểm.
Nằm trong xu hướng đó, cuối tháng 10/2021 vừa qua, BHTGVN cũng chính thức tham gia Diễn đàn IFIGS với tư cách Quan sát viên. Trong bối cảnh lĩnh vực tài chính – ngân hàng – BHTG liên tục có sự thay đổi và phát triển, việc gia nhập Diễn đàn IFIGS với tư cách Quan sát viên sẽ mang lại cho BHTGVN cơ hội giao lưu, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm quý giá, thiết thực của các tổ chức tài chính – ngân hàng và BHTG trên toàn thế giới. Ngoài ra, BHTGVN cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG nhằm củng cố cơ sở pháp lý và nâng cao năng lực hoạt động của BHTGVN nói riêng và chính sách BHTG nói chung, từ đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia BHTG và sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng.