Việc mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Thống đốc cũng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các TCTD yên tâm hơn khi cấp tín dụng.
Nới tín dụng ảnh hưởng không đáng kể đến lạm phát
Theo TS Cấn Văn Lực, có ba lý do chính khiến NHNN quyết định cấp tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng 1,5 – 2% lúc này. Thứ nhất, đến thời điểm này, bối cảnh, áp lực bên ngoài về lạm phát, lãi suất và tỷ giá đã dịu bớt khá nhiều. Trong nước, lạm phát được kiểm soát khá tốt, áp lực tăng lãi suất và tỷ giá cũng dịu dần. Thứ hai, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên với việc tiền gửi của dân cư tăng trở lại. Thứ ba, nhu cầu vốn để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh, để đáp ứng nhu cầu thanh khoản cuối năm của doanh nghiệp và người dân là rất lớn.
“Lạm phát năm tới cơ bản trong tầm kiểm soát 4%-4,5%; áp lực thanh khoản hệ thống được cải thiện, người dân tiếp tục quay lại gửi tiền; áp lực lãi suất, tỷ giá giảm nhiệt tương đối trong bối cảnh nhiều NHTW (trong đó có FED) sẽ giảm dần tốc độ tăng lãi suất, thậm chí họ sẽ dừng lại tăng lãi suất. Có thể đầu quý 2 của năm tới, hoặc cuối năm 2023 họ sẽ cân nhắc giảm nhẹ lãi suất” – TS. Cấn Văn Lực phân tích thêm.
Hơn nữa, việc nới thêm 1,5 - 2% hạn mức tín dụng chỉ xấp xỉ khoảng 200.000 tỷ đồng nên sẽ không ảnh hưởng lên tình hình lạm phát hiện nay. Thời gian qua, lạm phát trên thế giới tăng nóng, trong khi lạm phát ở Việt Nam đang ở mức 4,5%. Tính từ năm 2013 đến nay, lạm phát của Việt Nam trung bình là 5%, nghĩa là vẫn đang dưới mức trung bình.
“Cho dù có bơm ra thêm 1,5 - 2% tín dụng thì cũng không ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát. Về cơ bản, một điểm tích cực về lạm phát trong thời gian vừa qua là giá hàng hoá đang có xu hướng hạ nhiệt trên thế giới, đặc biệt là giá dầu. Do đó, không cần lo ngại về vấn đề lạm phát khi nới thêm room tín dụng” - chuyên gia cho biết thêm.
Lý giải vì sao NHNN lại nới từ 1,5 – 2%, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận: “Tôi hiểu là NHNN đã phải cân đong đo đếm nhiều việc. Nếu tăng nhiều quá thì sẽ có độ trễ, tác động lạm phát trong năm tới. Thứ hai, tùy thuộc vào mức độ thanh khoản của các ngân hàng. Đến nay, tín dụng đã tăng khoảng trên dưới 12% nhưng huy động vốn vào hệ thống ngân hàng mới khoảng 5%. Mức chênh lệch này lớn hơn so với mọi năm. Do đó, vấn đề thanh khoản phải được đảm bảo, điều này vô cùng quan trọng. Thứ ba, nếu cho tăng nhiều quá thì các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tăng huy động vốn đầu vào, sẽ chạy đua lãi suất, làm mặt bằng lãi suất tăng cao, kéo theo lãi suất cho vay tăng khiến doanh nghiệp càng khó khăn. Tiếp theo, NHNN đưa ra một dung lượng và cũng phải đảm bảo tính hiệu quả của nó, chứ không phải tăng lấy được. Cuối cùng, tôi cho rằng, NHNN mong muốn các kênh dẫn vốn khác như đầu tư công, trái phiếu doanh nghiệp cũng phải đồng bộ phát huy để có nhiều vốn hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là vốn trung dài hạn”.
Đánh giá chủ trương điều hành tín dụng trên quan điểm cởi mở của NHNN cho thấy sự cầu thị và biết lắng nghe phản hồi từ thị trường, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định việc các NHTM được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội.
“Tăng room cũng không làm gia tăng lạm phát, không phải "bung" tín dụng là sẽ gây ra lạm phát, quan trọng là tín dụng rót vào lĩnh vực nào. Nếu sử dụng vào các lĩnh vực hiệu quả, tăng tín dụng sẽ không "kích" lạm phát lên”- TS Nghĩa nói thêm.
Việc NHNN nới room tín dụng vào thời điểm thanh khoản nền kinh tế khô cạn được giới chuyên gia đánh giá cao. Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo các TCTD về vấn đề nguồn vốn huy động, đảm bảo thanh khoản. Theo đó, để giải quyết tình trạng nghẽn vốn của nền kinh tế cần thêm các giải pháp từ thị trường trái phiếu và đầu tư công chứ không chỉ dựa vào tín dụng.
Đảm bảo dòng tiền đi vào sản xuất kinh doanh
NHNN đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD theo hướng các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Theo TS Cấn Văn Lực, khi cấp thêm tín dụng, NHNN đã có yêu cầu chỉ đạo các TCTD: một là tự lo cân đối nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản, hai là đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đặc biệt đối tượng ưu tiên. Ông cho rằng, thời gian vừa qua đã có sẵn các khoản vay sẵn sàng cho giải ngân và khả năng hấp thụ tương đối tốt, chủ yếu là các khoản vay cho sản xuất kinh doanh, xăng dầu, xuất khẩu, nông nghiệp, kể cả những những mua nhà đang dở dang…
Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, việc nới room tín dụng giúp giải quyết nhu cầu vốn cho lĩnh vực ưu tiên liên quan đến nông nghiệp, thương mại, sản xuất dịch vụ, hàng hóa, không phải hướng tới các lĩnh vực không ưu tiên như chứng khoán, bất động sản.
Mặc dù vậy, ông Bảo Ngọc cũng cho rằng, nới room là động thái kịp thời để giải quyết vấn đề thanh khoản, gồm thanh khoản của ngân hàng và thanh khoản của cả nền kinh tế giai đoạn từ nay cho tới cuối năm, giúp ngân hàng có thêm dư địa cho vay, cải thiện lợi nhuận quý IV/2022; giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn ngân hàng.
Ngoài ra, cùng với việc nới room tín dụng, NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các TCTD yên tâm hơn khi cấp tín dụng. Từ đó, nhà đầu tư trên thị trường sẽ không còn quá lo lắng về vấn đề thanh khoản của hệ thống, của nền kinh tế từ nay tới cuối năm.
Theo NHNN, từ đầu năm 2022, lạm phát thế giới tăng nhanh do giá nhiều hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới leo thang bắt nguồn từ xung đột Nga-Ukraine và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu tác động đến cuộc sống người dân và nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô tại nhiều quốc gia, khiến hầu hết các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Ở trong nước, với thực tiễn nhu cầu đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc lớn vào tín dụng của hệ thống ngân hàng, nên để điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trong những năm qua, NHNN đã nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng hàng năm và điều chỉnh theo tình hình thực tiễn, qua đó đã góp phần đắc lực vào kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Theo đánh giá của WB, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn.
Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2022, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, lạm phát bình quân khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 (Chỉ thị 01), NHNN tiếp tục điều hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Theo đó, NHNN đã thông báo tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng TCTD trên cơ sở: (i) Kết quả xếp hạng từng TCTD theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về việc xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (ii) Xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro,…
Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.