Theo đó, trong những tháng đầu năm, để hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN thực hiện chào mua giấy tờ có giá với khối lượng, kỳ hạn phù hợp. Từ giữa tháng 6/2022, trước những diễn biến bất lợi của thị trường quốc tế, NHNN đã phải kiểm soát chặt chẽ tiền tệ để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối thông qua việc phát hành tín phiếu NHNN và kiểm soát chặt chẽ khối lượng chào mua qua nghiệp vụ thị trường mở.
Về điều hành lãi suất, trong các tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Mặc dù chịu nhiều tác động tổng hợp từ diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước, mặt bằng lãi cho vay đến cuối tháng 7/2022 chỉ tăng nhẹ.
Về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, NHNN cho biết từ đầu năm 2022 đến nay (đặc biệt là từ giai đoạn tháng 3), tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những diễn biến phức tạp, khó lường trên thị trường quốc tế (Fed đẩy mạnh lộ trình thắt CSTT, tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao, đồng USD quốc tế tăng đến 14%, xung đột Nga-Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn làm giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao,…). Cân đối cung – cầu trên thị trường ngoại tệ trong nước khó khăn, hệ thống TCTD bán ròng ngoại tệ cho khách hàng.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường, ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế nhập khẩu lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, tỷ giá USD/VND chỉ tăng khoảng 3,2% so với cuối năm 2021, trong khi đồng tiền của nhiều nền kinh tế khác mất giá mạnh. Thanh khoản thị trường tiếp tục thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
NHNN cũng thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành về điều hành CSTT, thực hiện tốt vai trò của thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước trong việc phối hợp kiểm soát giá một số hàng hóa dịch vụ… nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Kết quả là lạm phát 8 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, trong đó lạm phát CPI bình quân là 2,58%; lạm phát cơ bản bình quân là 1,64%, góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng là cơ sở quan trọng để tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam” - Báo cáo cho biết.
Cùng với đó, NHNN cũng điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng.
Cụ thể, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức; Tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; Phát triển mạng lưới TCTD, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân; Tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục tài chính trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân về các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, đến ngày 7/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,93% so với cuối năm 2021 và tăng 16,76% so với cùng kỳ năm 2021 do cầu tín dụng tăng ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.
Trong đó: (i) Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP; (ii) Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, cao hơn cùng kỳ năm trước, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung; (iii) Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Trong nội dung đề xuất đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, NHNN cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ CSTT, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thích ứng kịp thời với thị trường trong nước và ngoài nước.
Đồng thời, điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với diễn biến vĩ mô, tình hình lạm phát. Chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tăng cường triển khai các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.