Góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% - vượt mục tiêu đề ra (6,7%) là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là đối với các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định đã được duy trì trong suốt những năm vừa qua tạo niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp và hộ gia đình trong mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Đại diện lãnh đạo NHNN khẳng định: Trong bối cảnh đó, kết quả nói trên cũng có một phần đóng góp tích cực từ điều hành CSTT.
Có thể thấy, CSTT đã góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi, giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, cụ thể: Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53% - thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Đáng chú ý là điều hành CSTT đã giúp đảm bảo duy trì lạm phát cơ bản bình quân cả năm 1,41%, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý. Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm 0,5-1%/năm; dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng kỷ lục giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường vĩ mô Việt Nam.
Bên cạnh đó, CSTT đã đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đầu năm, căn cứ mục tiêu tăng trưởng và lạm phát, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm tăng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, trong điều hành, NHNN đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng thực tế đạt 18,17%, phù hợp với định hướng đầu năm, đặc biệt trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn thì tín dụng đã tăng ngay từ tháng đầu năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kể từ quý II/2017.
Ngoài ra, tín dụng mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), nhất là lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, đến tháng 11/2017, tín dụng đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,93%; tín dụng đối với ngành bán buôn và bán lẻ tăng 23% và chiếm tỷ trọng 17,8% (cùng kỳ năm 2016 là 14,02% và 16,46%). Đặc biệt, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như: tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 22,1%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,53%; tín dụng đối với ngành công nghiệp ưu tiên phát triển tăng khá mạnh với tốc độ ước đạt 22,13%; cho vay ứng dụng công nghệ cao ước tăng 20%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03%...
Đồng thời, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro được kiểm soát chặt chẽ: Đến tháng 11/2017, tỷ trọng tín dụng cho các ngành có tính rủi ro cao có chiều hướng giảm, như tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản giảm từ 7,71% năm 2016 xuống 6,53% tổng dư nợ, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán chỉ chiếm khoảng 0,17% tổng dư nợ.
Như vậy, với việc định hướng dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, tăng trưởng tín dụng đã đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế và thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế.
Định hướng điều hành CSTT năm 2018
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2018, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo có yếu tố thuận lợi nhưng cũng đan xen những khó khăn, thách thức. Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và đánh giá kinh tế vĩ mô, tiền tệ, năm 2018 NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại tệ.
Trong đó, trọng tâm là: (i) Điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình vốn khả dụng của TCTD để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu CSTT; (ii) Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, điều hành các công cụ CSTT hỗ trợ TCTD thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính; (iii) Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; (iv) Điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; (v) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.
Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được NHNN xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, để nâng cao tính lan tỏa trong việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng chủ động truyền thông trên trang thông tin điện tử chính thức của ngân hàng mình ngay sau khi điều chỉnh giảm lãi suất. Đồng thời, ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/1/2018 chỉ đạo toàn hệ thống các TCTD triển khai nhiệm vụ kế hoạch ngành Ngân hàng; trong đó chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Phó Thống đốc cho hay, thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ CSTT hỗ trợ TCTD thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.