Tăng lãi suất giúp ngân hàng thu hút thêm nguồn tiền gửi
Trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi từ cả thị trường trong nước và quốc tế, để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN đã điều chỉnh tăng đồng bộ các mức lãi suất, cụ thể: (i) tăng 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2% và 2 lần lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng (TCTD) (ngày 23/9 và ngày 25/10/2022) với mức tăng 0,8-2%/năm; (ii) tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25/10/2022).
Về điều hành lãi suất của NHNN, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: Trong bối cảnh hầu hết các nước đều tăng lãi suất, thị trường ngoại hối biến động mạnh, việc điều hành lãi suất, tỷ giá đã được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng. 9 tháng đầu năm 2022, NHNN đã cố gắng giữ nguyên lãi suất điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, cuối tháng 9/2022, NHNN đã quyết định tăng lãi suất điều hành dựa trên 4 yếu tố sau:
Thứ nhất, xu hướng đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất nhanh và mạnh của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đối phó với lạm phát cao.
Thứ hai, trong nước, lạm phát chung trong tầm kiểm soát, nhưng chỉ dấu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ là lạm phát cơ bản so với cùng kỳ đã tăng từ mức 0,66% tháng 1 lên 3,82% tháng 9, buộc NHNN phải tăng lãi suất; xu hướng lạm phát cơ bản tiếp tục tăng mạnh trong tháng 10 và 11, hiện đã là 4.81%.
Thứ ba, đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực mất giá lên hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Trong nước, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực từ đầu năm, đặc biệt trong 2 tuần cuối tháng 10. Để giữ cho VND không bị mất giá quá lớn, gây bất ổn vĩ mô, NHNN đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND, hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Thứ tư, ngay từ đầu năm, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, các TCTD đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng rất chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản do thiếu vốn. Do đó, việc tăng lãi suất giúp TCTD thu hút thêm nguồn tiền gửi. Từ đó, giúp các ngân hàng có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
NHNN cho rằng, mức tăng 2 lần, mỗi lần 1% như các bước điều chỉnh trước đây, đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch là phù hợp với xu hướng toàn cầu. Trong khi đó, ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 6 lần trong năm 2022 với tổng mức tăng là 3,75%, đưa lãi suất về gấp đôi mức trước dịch. Như vậy, lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Ông Phạm Như Ánh - Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) nhận định, điều hành của NHNN là rất đúng và trúng; đặc biệt tháng 10, NHNN tăng lãi suất đã góp phần giải tỏa áp lực đối với thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Thực tế hiện nay, hệ thống ngân hàng cũng đối mặt với những khó khăn do tác động của thế giới và trong nước.
Ngân hàng giảm lãi suất cho vay chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Ngân hàng với doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, với tinh thần đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng ACB đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ giúp khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như giảm lãi vay, chuẩn bị sẵn sàng hạn mức tín dụng và các ưu đãi về phí.
Cụ thể, từ 6/12/2022 đến 31/1/2023, đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp hiện đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ACB (bao gồm giao dịch tài khoản, thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế và bảo lãnh) sẽ được giảm 1%/năm cho lãi vay.
Mức giảm lãi suất vay này cũng được áp dụng cho khách hàng đang có khoản vay đến kỳ tái định lãi suất và khoản vay giải ngân mới.
Đối với khách hàng mới chọn ACB làm ngân hàng giao dịch chính trong hoạt động kinh doanh và đang có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh thời điểm cuối năm, ACB cũng chuẩn bị một hạn mức tín dụng 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm để giải ngân cho các khoản vay phù hợp với yêu cầu và quy định của ngân hàng.
Trước đó, HDBank dành 120 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay VND cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh.
Đối với khách hàng cá nhân, HDBank thực hiện giảm lãi suất cho khách hàng vay sản xuất kinh doanh và kinh tế nông nghiệp nông thôn với mức lãi suất giảm: 0,5 - 3,5%/năm. HDBank ước tính, sẽ có 38.000 khách hàng cá nhân trên cả nước với 45.000 khoản vay được giảm lãi suất.
Còn với khách hàng doanh nghiệp, HDBank giảm lãi suất từ 0,5-2,5%/năm với khách hàng thuộc các lĩnh vực: xuất nhập khẩu; tại các khu chế xuất - khu công nghiệp; nông nghiệp; giao thông vận tải; khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; siêu nhỏ; công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, giáo dục - đào tạo; dịch vụ thông tin; lưu trú ăn uống.
Theo đó, có hơn 5.000 khách hàng doanh nghiệp trên cả nước với gần 10.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất. Như vậy, có hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất với số tiền lên tới 120 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HDBank miễn, giảm các loại phí kèm theo như phí cam kết rút vốn, phí trả nợ trước hạn cho khách hàng.
Mới đây, HD SAISON - công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc HDBank cũng đã ký kết cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy trên cả nước.
Đáng chú ý hơn, với khối ngân hàng có vốn nhà nước như Agribank giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, đối với dư nợ phát sinh từ 01/12/2022 đến 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực. Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.
Chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, năm 2022, Agribank chủ động triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, khách hàng doanh nghiệp lớn, SMEs với tổng quy mô 160.000 tỷ đồng. Cùng với đó là chính sách miễn phí thanh toán trong nước với tất cả khách hàng; dành 600 tỷ đồng triển khai các hoạt động an sinh xã hội trong cả nước.
Ước tính trong năm 2022, Agribank tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho 2,2 triệu khách hàng.
Trong khi đó, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12/2022.
Lãnh đạo Vietcombank cho hay, trong năm 2020 và 2021, để hỗ trợ và chia sẻ cùng khách hàng trước những khó khăn của dịch Covid-19, ngân hàng đã đi đầu trong việc thực hiện các chính sách giảm lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ dành cho khách hàng tổ chức và khách hàng cá nhân.
Năm 2022, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế, Vietcombank thông báo triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Đợt giảm lãi suất cho vay lần này tới 1%, quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng là đợt giảm lãi suất quy mô dư nợ lớn nhất của Vietcombank.
Đối với tất cả khách hàng thoả mãn điều kiện chính sách ưu đãi lãi suất, Vietcombank đã chủ động thực hiện việc giảm lãi mà khách hàng không cần bất cứ hồ sơ chứng minh nào với ngân hàng.
Đây là hành động thiết thực, kịp thời mà các ngân hàng hỗ trợ khách hàng nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, tác động bất lợi đến kinh tế trong nước, trong khi đó, lãi suất tăng cao, áp lực lạm phát, tỷ giá đang là bài toán khó với doanh nghiệp, việc NHTM giảm lãi suất giống như phao cứu sinh với doanh nhiệp.
Ông Masataka Sato - Giám đốc kế hoạch và Chiến lược Tập Đoàn Kangaroo nhìn nhận, hiện nay không chỉ Việt Nam mà các nước khác trên thế giới đều đang phải đối mặt với tình trạng lãi suất vốn vay liên tục tăng, lạm phát cao. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc huy động vốn. “Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ và hợp tác với ngân hàng, chúng tôi luôn nhận được sự giải ngân vốn kịp thời, đúng thời điểm. Nguồn vốn vay trên chúng tôi luôn sử dụng hiệu quả để đầu tư cho các lĩnh vực kinh doanh hiện có và lĩnh vực kinh doanh mới của tập đoàn, đầu tư cho việc phát triển sản phẩm mới, mua nguyên vật liệu, đầu tư nhà máy mới cũng như các trang thiết bị khác...” – ông nói.
Đáng chú ý, động thái giảm lãi suất cho vay của các NHTM diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động tăng cao. Mặt bằng lãi suất huy động hiện đã lên vùng cao mới và đã tăng khoảng 3-4%/năm tại nhiều ngân hàng kể từ đầu năm đến nay. Hiện đã có một số ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao nhất trên mức 10%/năm.
Cụ thể, Tại Saigonbank, ngân hàng đã tăng lãi suất cao nhất lên mức 10,5%/năm, áp dụng cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn 13 tháng. Ngoài ra, khách hàng gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại nhà băng này sẽ có lãi suất 10%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất là 9,6%/năm khi gửi online.
Khách hàng gửi tiết kiệm tại DongABank với số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng sẽ có lãi suất 10,95%/năm. Với số tiền nhỏ hơn, lãi suất cao nhất là 10,7%/năm (tiền gửi từ 1 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng). Thậm chí, với kỳ hạn 6 tháng, khách hàng của nhà băng này có thể được áp dụng mức lãi lên tới 10,05-10,2%/năm.
VPBank từng niêm yết lãi suất cao nhất 11,1%/năm, tuy nhiên chỉ áp dụng cho tháng đầu tiên khi khách hàng gửi tiết kiệm Prime Savings kỳ hạn 36 tháng, các tháng sau có lãi suất 9,25%/năm. Tuy nhiên, trong đợt điều chỉnh ngày 29/11 vừa qua, VPBank đã bỏ mức lãi suất trên 11% và áp dụng chung một mức 9,25%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Trước đó, Oceanbank cũng có lãi suất lên tới 10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, tuy nhiên chương trình ưu đãi này đã kết thúc vào ngày 29/11 vừa qua. Hiện theo biểu lãi suất niêm yết, lãi suất cao nhất của OceanBank là 9,5%/năm (gửi kỳ hạn 18 tháng trở lên theo hình thức online).
Như vậy, hiện chỉ có một số ngân hàng còn niêm yết lãi suất trên 10%/năm, trong khi mức 9,8-9,9%/năm có khá nhiều lựa chọn, có thể kể đến Sacombank, VIB, SCB, Kienlongbank,…