Theo quyết định được NHNN công bố vào tối 24/10, NHNN chính thức tăng trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 0,5%/năm lên 1%/năm; đồng thời tăng trần lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm.
NHNN cho biết, bám sát nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 05 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu ( federal funds target rate ) lên mức 3-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25/10/2022. Cụ thể như sau:
Quyết định số 1809/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD. Theo đó, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.
Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Quyết định số 1813/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.
Trước đó, ngày 23/9/2022, NHNN điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành; tăng 0,3-1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND tại TCTD; giữ nguyên trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên.
Ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá
Các chuyên gia nhận định, quyết định tăng lãi suất của NHNN là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá. Các động thái liên tiếp trong thời gian gần đây của NHNN đang cho thấy, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang phát huy sự chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.
Sự phối hợp đồng bộ giữa các công cụ chính sách tiền tệ góp phần đạt được 2 mục tiêu quan trọng: bảo đảm giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát. Để tránh cho giá cả hàng hóa thực phẩm tăng cao, tăng lãi suất là một trong những biện pháp góp phần kiểm soát lạm phát. GS.TS Trần Thọ Đạt, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết: "Lãi suất tăng lên sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư trong nền kinh tế, các doanh nghiệp phải cân nhắc hơn trong nhu cầu đầu tư, nó không tạo ra sức ép với tổng cầu trên phương diện là các doanh nghiệp phải tăng đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh".
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định: "Nếu không tăng lãi suất thì đồng nghĩa là tự phá giá đồng tiền của mình, điều này ảnh hưởng tới giá nhập khẩu của chúng ta, vì thế, Ngân hàng Trung ương buộc phải tăng lãi suất để tương thích với giá USD, đây là xu hướng chung của các Ngân hàng Trung ương thế giới". Quan trọng hơn, việc NHNN tăng lãi suất là để tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong điều hành so với mặt bằng chung xu hướng của nhiều quốc gia lớn trên thế giới, từ đó, giúp giữ chân các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đồng quan điểm, TS. Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành thời điểm này là phù hợp. NHNN quyết định tăng lãi suất trong khi lạm phát của Việt Nam vẫn được coi là ở mức thấp - là biện pháp phòng thủ từ xa cần thiết trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn về địa chính trị, kinh tế và cả dịch bệnh.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam – cho rằng, việc NHNN tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm là một ví dụ cho thấy, Chính phủ sẵn sàng đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết để duy trì ổn định tiền tệ, trong bối cảnh lần lượt các ngân hàng trung ương lớn của thế giới như Fed, ECB và một loạt các ngân hàng trung ương trong khu vực đều đã tăng lãi suất. Giám đốc ADB tại Việt Nam đánh giá, việc tăng một loạt lãi suất điều hành của NHNN là một trong những bước đi cần thiết để giữ ổn định tỷ giá của đồng nội tệ (đồng Việt Nam -VND) với đồng USD có thể làm tăng chi phí tài chính. Đây là điều tuy khó khăn nhưng cần phải làm.
Trên thế giới, kiềm chế lạm phát đang là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trung ương. Theo các chuyên gia, hành động quyết liệt vào lúc này là hết sức cần thiết, bởi điều này sẽ đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong dài hạn.
Thống kê từ Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho thấy, tính chung cả năm 2021, thế giới có 113 lượt tăng lãi suất. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, có tổng cộng 262 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu. Nhiều NHTW điều chỉnh tăng nhanh và mạnh lãi suất điều hành, như Fed (5 lượt lãi suất liên tiếp lên mức 3-3.250%), ECB (tăng 2 lượt với mức tăng 0,5% và 0,75%/năm), BoE, Canada, Hàn Quốc, Australia, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi; Chi-lê; Mê-xi-cô; Séc; Hungary; Ba-lan… để kiểm soát lạm phát. Trong khối ASEAN, Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái lan đã liên tục tăng lãi suất điều hành.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính sách của các ngân hàng trung ương đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát. Tổ chức này kêu gọi các thể chế tài chính cần phải kiên trì cho đến khi tình hình thực sự được cải thiện.
Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận định: "Chúng ta cần các ngân hàng trung ương phải hành động một cách quyết liệt bởi lạm phát sẽ rất dai dẳng. Nếu không bị ngăn chặn, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và tác động tiêu cực đến người nghèo".
Người gửi tiền tiếp tục hưởng lãi suất thực dương
Thực tế, trần lãi suất huy động được nới lên giúp lãi suất thực tiếp tục dương, . Một cách đơn giản nhất, có thể hiểu lãi suất thực dương là mức lãi suất đủ bù đắp sự mất giá của đồng tiền và có lãi thực ở một mức độ nào đó. Nói khác đi, lãi suất tiền gửi ngân hàng phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát. Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.
Khi lãi suất thực dương sẽ khuyến khích người dân tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, qua đó giúp hệ thống ngân hàng đảm bảo được nguồn vốn trong khi tỷ lệ dư nợ tín dụng/tiền gửi bằng Việt Nam đồng đã ở mức cao ngay từ đầu tháng có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản. Đồng thời, nhờ tiếp tục huy động được nguồn vốn, hệ thống ngân hàng có đủ nguồn vốn để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.
Sau khi NHNN tăng một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, nhiều ngân hàng đến chiều ngày 25/10 đã bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động.
Theo biểu lãi suất áp dụng từ 13h chiều ngày 25/10, Sacombank tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 5,6-6%/năm từ mức 4,1-4,6%/năm niêm yết hồi đầu tháng, tương đương mức tăng 1,4-1,5%/năm. Trong đó, kỳ hạn 5 tháng lãnh lãi cuối kỳ tăng lên kịch trần 6%/năm, còn kỳ hạn 4 tháng lãi suất cũng tăng lên mức 5,9%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng cũng tăng từ mức 5,8-6,3%/năm lên 7-7,25%/năm.
Đối với tiền gửi trực tuyến, lãi suất Sacombank áp dụng đối với các kỳ hạn 1-5 tháng đều ở mức trần 6%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng được điều chỉnh tăng mạnh so với biểu lãi suất trước đó và cao hơn khoảng 0,5%/năm so với hình thức tiết kiệm truyền thống. Trong đó, mức lãi suất cao nhất đối với hình thức gửi tiền này tại Sacombank là 8%/năm, dành cho kỳ hạn 24 và 36 tháng.
Ngoài hai sản phẩm trên, Sacombank cũng triển khai nhiều sản phẩm tiền gửi khác với lãi suất cao nhất hiện đã lên tới 8,15%.
VPBank cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động từ ngày 26/10. So với biểu lãi suất niêm yết hồi đầu tháng, lãi suất huy động cao nhất dành cho các kỳ hạn dưới 6 tháng của VPBank đã tăng thêm khoảng 1 – 1,6%/năm. Với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động đã tăng thêm khoảng 1%.
Trong khi đó, tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, cao nhất mới chỉ khoảng 4,4%/năm, còn cách khá xa mức trần 6% được phép. Ngân hàng này cũng đang cân nhắc điều chỉnh, tuy nhiên sẽ tính toán cân đối, nhằm đảm bảo mặt bằng lãi suất hợp lý, cho cả tiền gửi và tiền vay.
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết: "Bên cạnh tăng lãi suất huy động thì việc bình ổn lãi suất cho vay vẫn là mục tiêu đặt ra, các kế hoạch kinh doanh đã vượt nên sẽ triển khai một loạt các giải pháp tiết kiệm chi phí, kiểm soát nợ trích lập dự phòng và triển khai các chính sách hỗ trợ cho vay trong thời gian tới".
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết: "Các kỳ hạn trên 12 tháng đã tăng lên và có cách biệt khá lớn với kỳ hạn dưới 6 tháng, nên việc NHNN điều chỉnh kỳ hạn duối 6 tháng thì chỉ cho phù hợp với mặt bằng, trước mắt sẽ không ảnh hưởng quá lớn trên thị trường tiền tệ và nó cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới mặt bằng lãi suất hay chạy đua lãi suất".
Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tiếp tục góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.