Tiếp tục “hóa giải” những thách thức
Năm 2025 được dự báo tiếp tục là một năm thách thức khi kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều yếu tố bất định và tiềm ẩn rủi ro. Lạm phát toàn cầu giảm nhưng chưa bền vững và tiềm ẩn rủi ro áp lực tăng trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn; giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp do tác động của diễn biến địa chính trị phức tạp, xu hướng gia tăng về an ninh lương thực tại các quốc gia, tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan,...
Ở trong nước, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu cho năm 2025, đó là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8%) trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (bình quân khoảng 4,5%), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung cao độ cho việc bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; cải cách, tinh gọn bộ máy, thủ tục hành chính; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số,... đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.Bên cạnh các yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (như quyết tâm của Chính phủ thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 2021-2025, đầu tư công và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tiếp tục được đẩy mạnh triển khai...), kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ yếu tố bên ngoài (triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới bấp bênh, đặc biệt là tại các nước đối tác lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc; xu hướng bảo hộ thương mại và biến động dòng vốn,…).
Trong khi đó, sức ép cung ứng vốn của hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế vẫn còn lớn, kể cả vốn trung dài hạn trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn). Bên cạnh đó, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Một số chương trình tín dụng đã được ban hành nhưng chưa được bố trí nguồn vốn ổn định để thực hiện...
Bối cảnh quốc tế và trong nước đặt ra không ít những khó khăn, thách thức đối với ngành Ngân hàng nói chung và công tác điều hành CSTT của NHNN nói riêng trong năm 2025.
Đầu năm 2025, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN, ngày 20/1/2025 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025. Trong đó, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là TCTD) thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2025 góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát cụ thể như sau:
Tập trung rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD. Tiếp tục đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng. Dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ. Đề xuất giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong bối cảnh mới.
Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng trên tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khơi thông mọi nguồn lực.
Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu của Đề án; chỉ đạo các TCTD triển khai nghiêm túc, hiệu quả Đề án đã được phê duyệt. Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại và thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém.
Triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tập trung triển khai hoàn thành các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh TTKDTM, chuyển đổi số hoạt động ngân hàng và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm và niêm tin của người dân.
Tiếp tục triển khai/giám sát có hiệu quả việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các Chương trình, Kế hoạch, Đề án đã ban hành; tổ chức sơ kết việc thực hiện 02 Chiến lược.
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 20/01/2025, Thống đốc NHNN cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc NHNN trung ương, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các TCTD.
Đảm bảo tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Trong đó, Thủ tướng có yêu cầu các ngân hàng thương mại cần tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân; tập trung tín dụng, góp phần làm mới 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; có các gói tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho các ngành mũi nhọn giải quyết nhiều công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; tín dụng cho các dự án BOT, hợp tác công tư; tín dụng tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản…
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN, các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống, nhà ở cho những đối tượng khó khăn; tích cực góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.
Liên quan đến điều hành tín dụng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 ngay từ đầu năm cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, ngày 30/12/2024, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện. Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TCTD căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng. Theo đó, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu TCTD thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động; tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để có dư địa tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Trong năm 2025, NHNN cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bám sát tình hình để hệ thống TCTD cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống, gắn với ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. NHNN sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để tạo điều kiện cho TCTD cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế mà TCTD không cần có văn bản đề nghị.
Đồng thời, NHNN tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động ngân hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, cần những chính sách vĩ mô cũng như các giải pháp đồng bộ khác trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, cần hoàn thiện thể chế pháp luật; đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đối với thị trường vốn, cần tháo gỡ vướng mắc, khơi thông các thị trường quan trọng bao gồm thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…
Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN +3 (AMRO) nhận định, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện rất hạn hẹp, vì thế, khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thanh Thủy