Khi xây dựng các văn bản pháp luật, cần lưu ý đến những nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động của DIV trong mối tương quan với hệ thống tài chính, điều kiện kinh tế vĩ mô của đất nước và nền kinh tế thế giới trong thời kỳ hội nhập, cụ thể: khuôn khổ pháp lý, điều kiện kinh tế vĩ mô, cấu trúc hệ thống tài chính, công tác giám sát và điều tiết an toàn, chế độ kế toán - kiểm toán và hệ thống công bố thông tin. Đây cũng là những tác nhân quan trọng đối với khả năng hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức BHTG, qua đó quyết định tính hiệu quả trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và duy trì ổn định hệ thống tài chính quốc gia.
Theo kinh nghiệm quốc tế, khuôn khổ pháp lý cần cho phép tổ chức BHTG có thẩm quyền buộc các tổ chức tham gia BHTG tuân thủ các quy định về nghĩa vụ với tổ chức BHTG, hay trao quyền mạnh mẽ cho các TCTD là chủ nợ có quyền xiết nợ, thanh lý (bán) tài sản đảm bảo vô điều kiện để thu hồi nợ. Bên cạnh đó, cần có luật riêng về phá sản ngân hàng, tách biệt khỏi các luật về phá sản doanh nghiệp nói chung. Luật này cho phép việc thế quyền của tổ chức BHTG đối với các khoản yêu cầu thanh toán của người gửi tiền mà tổ chức BHTG đã trả cho họ. Theo đó, các cổ đông và chủ nợ vẫn có thể tiến hành các thủ tục pháp lý và cơ hội để tòa xem xét lại phán quyết; tuy nhiên việc kháng cáo nếu thành công cũng chỉ giới hạn ở đền bù tiền và không thể làm đảo ngược hành động của các cơ quan xử lý hoặc giám sát. Hệ thống pháp lý có thể có một số điểm yếu, gây ra hạn chế trong tính hiệu quả hay khó khăn về tài chính, dẫn tới sự cố lây lan trong hệ thống hoặc đấu tranh giữa các chủ nợ.
Điểm yếu trong khuôn khổ luật pháp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của mạng an toàn nói chung và hệ thống BHTG nói riêng, cụ thể: sự chậm trễ trong việc ra quyết định, sự bất trắc về tính dứt khoát của các quyết định, và giải quyết xung đột không chính thức, dẫn tới việc thu hồi từ tài sản thanh lý sẽ không đạt hiệu quả tối ưu, tăng tổn thất, chi phí đối với hệ thống BHTG. Vì vậy một khuôn khổ pháp lý hiệu quả và vững mạnh là yếu tố cần thiết để giảm thiểu rủi ro đạo đức.
Đối với điều kiện kinh tế vĩ mô, đây là nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả của các thị trường. Trong thời kỳ bất ổn kinh tế, biến động của thị trường có thể dẫn đến việc rút vốn gây mất ổn định tài chính của người cho vay và người gửi tiền. Khi tình trạng này kéo dài, hệ thống BHTG sẽ cần hỗ trợ cho người gửi tiền thông qua nâng cao năng lực nguồn quỹ dự phòng, các giải pháp cấp vốn khẩn cấp, tăng cường phối hợp với các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính để ổn định thị trường tài chính. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu cẩn trọng để bảo vệ cho tổ chức, cá nhân ra quyết định, tránh nguy cơ thất bại và mất uy tín của TCTD và làm suy giảm niềm tin của người gửi tiền.
Khi xây dựng các thiết chế hoạt động cho hệ thống BHTG, cần xem xét cả tình trạng lành mạnh và cấu trúc của hệ thống tài chính, và các yêu cầu có thể xảy ra của hệ thống tài chính đối với tổ chức BHTG, bao gồm: đánh giá năng lực hoạt động của các TCTD trên cơ sở mức đủ vốn, khả năng thanh khoản, chất lượng tín dụng; các nguồn lực của tổ chức BHTG, khả năng của tổ chức trong việc xác định các nguy cơ xuất hiện và mối quan hệ với các thành viên mạng an toàn tài chính. Tương tự, sự phân bổ hoặc cơ cấu các loại tiền gửi, các quy định về phạm vi bảo hiểm và chi trả sẽ ảnh hưởng đến cách thức tổ chức BHTG duy trì các nguồn lực.
Đánh giá về hệ thống tài chính có thể từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng những thông tin cụ thể về các TCTD của các cơ quan chức năng (đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước) cũng phải từng bước được công khai mới có thể bảo vệ tốt nhất cho người gửi tiền.
Bên cạnh các yếu tố nêu trên, việc đảm bảo điều tiết, giám sát an toàn và cơ chế xử lý đủ mạnh có ảnh hưởng đến các chức năng và hiệu quả của hệ thống BHTG, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro đạo đức. Ngược lại, khi không có sự điều tiết và giám sát vững mạnh, rủi ro đối với tổ chức BHTG sẽ không được nhận thức đầy đủ, gây khó khăn cho việc kiểm soát hay giảm thiểu rủi ro. Việc can thiệp vào các ngân hàng yếu kém bị chậm trễ có thể làm tăng chi phí xử lý và tăng chi phí phát sinh cho tổ chức BHTG. Do đó, cơ chế điều tiết, giám sát an toàn và xử lý cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế nhằm xây dựng hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả, qua đó góp phần duy trì ổn định mạng an toàn tài chính.
Một chế độ kế toán kiểm toán và cung cấp thông tin chuẩn là điều kiện cần thiết để hệ thống giám sát và BHTG đánh giá rủi ro hiệu quả, bao gồm các nguyên tắc kế toán, kiểm toán được định nghĩa rõ ràng, toàn diện và các quy định theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống kiểm toán độc lập giúp người sử dụng các báo cáo tài chính xác nhận rằng các tài khoản kế toán phản ánh một cách trung thực và công bằng tình hình tài chính của các tổ chức; đồng thời đảm bảo các báo cáo được chuẩn bị theo đúng nguyên tắc kế toán và các kiểm toán viên sẽ chịu trách nhiệm về công việc của mình. Thiếu cơ chế trong cung cấp thông tin minh bạch sẽ gây cản trở cho việc phát hiện rủi ro, chính vì vậy, các cơ quan giám sát, cơ quan quản lý và tổ chức BHTG cần được tiếp cận thông tin kịp thời để tham gia hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu.