Cuộc khảo sát điều tra được tiến hành với 269 ngân hàng châu Âu vào tháng 11 và 12/2012 cho thấy 37% số ngân hàng châu Âu hy vọng hoạt động kinh doanh sẽ cải thiện trong 6 tháng tới, trong khi 24% dự báo các hoạt động sẽ đi xuống và 39% nhận định tình hình sẽ không có gì thay đổi.
Sự lạc quan của các ngân hàng có sự khác nhau giữa các nước cũng như khu vực, với các con số ngân hàng Anh, Italy, Scandinavia (các nước Bắc Âu) và Tây Ban Nha tiên đoán về sự cải thiện lần lượt là 59%, 51%, 45% và 37%.
Tại Pháp, 30% số ngân hàng lạc quan về triển vọng kinh doanh, trong khi 30% có suy đoán ngược lại.
Tại Đức, nơi nền kinh tế giảm 0,5% trong quý 4/2012, chỉ 25% số ngân hàng lạc quan, còn 39% bi quan.
Nhìn chung, 41% số ngân hàng cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm mạnh hơn trong 6 tháng tới, trong khi 19% hy vọng về sự khởi sắc. Riêng các ngân hàng Italy và Tây Ban Nha cho rằng kinh tế đất nước đã qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng nợ và hoạt động kinh doanh sẽ tốt hơn. Trên cơ sở nhận định như vậy, 45% số ngân hàng có kế hoạch giảm quy mô lực lượng lao động, đặc biệt là trong các hoạt động nghiệp vụ.
Trong năm 2012, các biện pháp khẩn cấp mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã áp dụng đã giúp các ngân hàng giảm bớt khó khăn.
Holger Schmieding, nhà kinh tế chủ chốt của ngân hàng Berenberg Bank (Đức) vừa nhận định rằng cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) phần lớn sẽ qua đi vào cuối năm 2013 nhờ những tiến bộ mà khu vực này đạt được, chủ yếu từ chương trình mua trái phiếu mới có tên gọi là Giao dịch Tiền tệ Công khai (OMT) của ECB.
Trong khuôn khổ chương trình OMT, ECB đã cam kết mua không giới hạn trái phiếu của một số nước Eurozone đang mắc nợ lớn trong trường hợp những nước này chính thức đề nghị sự giúp đỡ từ cơ chế cứu trợ này.
Mặc dù chưa nước Eurozone nào đưa ra đề nghị này và bản thân ECB chưa phải ra tay can thiệp, nhưng chương trình OMT đang hoạt động tốt hơn những gì người ta chờ đợi.
Theo ông Schmieding, lòng tin của các nhà đầu tư và các điều kiện kinh doanh trong khu vực bắt đầu hồi phục. Các chỉ số dự báo kinh tế trong thời gian tới đều chỉ ra rằng Eurozone sẽ tăng trưởng nhẹ trong mùa Xuân này sau khi rơi vào suy thoái hồi cuối năm 2012.
Một số nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng nợ cũng có dấu hiệu cải thiện. Ireland đã vượt qua giai đoạn khó khăn, Italy có thể thoát khỏi tình trạng suy thoái vào mùa Xuân này, kinh tế Bồ Đào Nha có thể sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại từ giữa năm 2013 và kinh tế Tây Ban Nha sẽ "nhìn thấy" tăng trưởng quay về vào mùa Thu năm nay.
Eurozone đã đạt được tiến bộ lớn về mặt giảm thâm hụt tài chính, được thể hiện qua việc thâm hụt tài chính của khu vực này đã giảm từ mức 4,1% GDP năm 2011 xuống ước khoảng 3,4% GDP năm 2012.