Nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, Điều 18 Luật BHTG đã quy định rõ đối tượng được bảo hiểm là “tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các TCTD”. Theo hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) hiện nay, các loại tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm có thể hiểu là tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn (không bao gồm tiền gửi ký quỹ), tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn và các loại giấy tờ có giá có ghi danh do tổ chức tham gia BHTG phát hành (bao gồm cả trái phiếu chuyển đổi ghi danh).
Đối tượng không được bảo hiểm cũng được quy định rõ ràng hơn và chặt chẽ hơn tại Điều 19 Luật BHTG, đó là tiền gửi của cá nhân: (i) là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đóso với quy định trước đây là người sở hữu trên 10% vốn điều lệ. Việc giảm tỷ lệ % sở hữu vốn điều lệ của những cá nhân không được bảo hiểm nhằm hạn chế rủi ro đạo đức đối với những cá nhân có gửi tiền và có thể can thiệp đến hoạt động của chính tổ chức tín dụng đó; (ii) là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; (iii) tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; (iv) mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành, khác với quy định trước đây (không bảo hiểm đối với tiền mua các giấy tờ có giá, trừ một số giấy tờ có giá theo hướng dẫn của NHNN).
Việc quy định rõ ràng các đối tượng được bảo hiểm và không được bảo hiểm giúp các tổ chức tham gia BHTG có thể xác định chính xác hơn đối tượng được bảo hiểm để tính và nộp phí đảm bảo đúng và đủ theo quy định. Những đối tượng được bảo hiểm sẽ được chi trả tại thời điểm phát sinh nghĩa vụ chi trả. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp có sự chuyển đổi từ đối tượng được bảo hiểm sang đối tượng không được bảo hiểm và ngược lại trong thời điểm TCTD đang bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt có thể phát sinh nghĩa vụ chi trả BHTG. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến mục tiêu hoạt động của chính sách BHTG trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Có thể kể ra đây các trường hợp chuyện đổi như sau:
Thứ nhất, những đối tượng cá nhân là Thành viên Hội đồng Thành viên, Thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của tổ chức tham gia BHTG có tiền gửi tại chính tổ chức đó. Tuy nhiên, vì lý do nào đó các cá nhân này không còn đảm nhiệm các chức vụ tại thời điểm phát sinh nghĩa vụ chi trả (loại trừ việc cá nhân có sai phạm ảnh hưởng đến hoạt động của TCTD) thì tiền gửi của các các nhân này có phải là đối tượng được bảo hiểm hay không, có được chi trả như những cá nhân gửi tiền khác hay không? Tương tự, những người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính TCTD, nếu đến thời điểm phát sinh nghĩa vụ chi trả không còn sở hữu hoặc sở hữu không trên 5% vốn điều lệ của TCTD đó thì tiền gửi của họ có được tính là đối tượng được bảo hiểm hay không?
Thứ hai, những cá nhân có gửi tiền đang là đối tượng được bảo hiểm, nếu trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt được Đại hội bầu ra hoặc được NHNN chỉ định là một trong các chức danh Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của tổ chức tham gia BHTG thì số tiền của họ có được tiếp tục là đối tượng được bảo hiểm và quyền lợi của họ có được đảm bảo khi phát sinh nghĩa vụ chi trả?Những cá nhân sở hữu chưa trên 5% vốn điều lệ có tiền gửi được bảo hiểm theo quy định, tuy nhiên trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt, có thể họ tham gia góp thêm vốn để tham gia tái cơ cấu, khắc phục hoạt động của chính TCTD đó, dẫn đến việc vốn sở hữu của họ trên 5% vốn điều lệ. Như vậy, số tiền gửi của họ tại TCTD có được là đối tượng BHTG tại thời điểm phát sinh nghĩa vụ chi trả hay không?
Thiết nghĩ, những trường hợp nêu trên cần được NHNN và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xem xét, nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Đăng Khoa
Chi nhánh BHTGVN KV ĐBSCL
Tài liệu tham khảo:
- Luật Bảo hiểm tiền gửi06/2012/QH13
- Công văn số 2145/NHNN-TTGSNH ngày 30/3/2017 V/v tính phí bảo hiểm tiền gửi.
- Công văn số 2146/NHNN-TTGSNH ngày 30/3/2017 V/v tính phí BHTG đối với trái phiếu chuyển đổi ghi danh.