Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG. Đề án truyền thông chính sách BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được ban hành để cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ đó. Vì vậy, BHTGVN cần đánh giá thực trạng, đặt ra các giải pháp để đổi mới hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người gửi tiền.
Thực trạng hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG tại Việt Nam
Hiện nay, BHTGVN tập trung tuyên truyền về các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG như: Phạm vi tiền gửi được bảo hiểm; Tổ chức tham gia BHTG;
Phí bảo hiểm tiền gửi; Hạn mức trả tiền bảo hiểm; Chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền; Tổ chức BHTG; Các vấn đề chung về chính sách BHTG tùy theo từng thời điểm và mức độ nhận thức của mỗi đối tượng công chúng, phù hợp với mục tiêu truyền thông của BHTGVN.
Các sản phẩm tuyên truyền như tờ thông tin, tờ rơi, poster, standee, website, bản tin, vật phẩm tuyên truyền…liên tục được sản xuất, cập nhật, đạt được độ phủ sóng nhất định và được cấp phát tới nhóm công chúng mục tiêu phù hợp. Ngoài ra, BHTGVN đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền về chính sách BHTG cũng như hoạt động của BHTGVN bằng các kênh tuyên truyền như phát thanh, truyền hình; báo in và báo điện tử; sự kiện, cuộc thi tìm hiểu về chính sách BHTG; hệ thống Bưu điện Việt Nam (VNPOST); phối hợp với các cơ quan trong ngành ngân hàng v.v. Thông qua các kênh tuyên truyền, phạm vi tiếp cận thông tin của công chúng ngày càng được mở rộng, hiểu biết của người gửi tiền và công chúng nói chung về BHTG ngày càng được nâng lên, từ đó tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội đối với chính sách BHTG và hoạt động của BHTGVN cũng như gia tăng niềm tin của người dân vào chính sách an sinh của Nhà nước ta.
Về thực trạng mức độ nhận thức của người gửi tiền, năm 2023, BHTGVN đã phối hợp với Viện tâm lý học – Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tiến hành khảo sát trên mẫu định lượng gồm 1880 người đang có tiền gửi tại tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật. Địa điểm khảo sát gồm sáu tỉnh/ thành phố đại diện cho các vùng kinh tế trọng điểm: Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ. Khảo sát đã lựa chọn một số khái niệm về BHTG, mục tiêu của BHTG, quyền và nghĩa vụ của người gửi tiền để xác định mức độ nhận thức chung của người gửi tiền về chính sách BHTG.
Theo đó, nhận thức chung của người gửi tiền về BHTG ở mức khá. Số người trả lời đúng tất cả 10 câu hỏi về nhận thức chung chiếm 37,4%. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người gửi tiền hoàn toàn không nắm bắt được bất cứ thông tin gì (14%) hoặc nắm bắt chưa đầy đủ các thông tin này. Trong đó, nhận thức về mục tiêu của BHTG là tốt nhất, tiếp theo là nhận thức về các khái niệm có liên quan, cuối cùng là nhận thức về quyền và nghĩa vụ của người gửi tiền. Đối với các nội dung cụ thể về chính sách BHTG, trừ thông tin về tổ chức trả tiền BHTG, đối tượng được bảo hiểm, đơn vị tiền tệ được bảo hiểm; còn lại không có nhiều người gửi tiền biết đầy đủ các thông tin cụ thể khác về chính sách BHTG. Trong đó, nhận thức về một số nội dung của chính sách còn ở mức thấp như: tổ chức tham gia BHTG, loại tiền gửi được BHTG, hạn mức trả tiền BHTG, thời hạn trả tiền BHTG. So với nhận thức chung, nhận thức của người gửi tiền về những nội dung cụ thể của chính sách BHTG còn hạn chế.
Một số nguồn thông tin được người gửi tiền lựa chọn để tìm hiểu về chính sách BHTG gồm: thông qua “Cán bộ tổ chức tín dụng giới thiệu”; “Truyền hình”; “Bạn bè/người quen”; “Qua mạng xã hội”, “Trang web của BHTGVN”… Người gửi tiền đều mong muốn được cung cấp thêm thông tin về tất cả các nội dung của chính sách BHTG với thứ tự ưu tiên lần lượt là Hạn mức trả tiền BHTG (đây cũng là nội dung hiện nay người gửi tiền đang có mức độ nhận thức thấp nhất), Tiền gửi được bảo hiểm, Thời hạn trả tiền bảo hiểm, Đối tượng được bảo hiểm tiền gửi và Thông tin về hoạt động ngân hàng có liên quan.
Giải pháp đổi mới hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG và nâng cao nhận thức của người gửi tiền
Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG. Việc nâng cao nhận thức công chúng về chính sách BHTG nhằm góp phần bảo vệ người gửi tiền và đóng góp vào sự ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng, đảm bảo công chúng liên tục được thông tin đầy đủ về lợi ích và hạn chế của hệ thống BHTG.
Giải pháp về cơ sở pháp lý: Bổ sung việc “Tổ chức tham gia BHTG có nghĩa vụ phối hợp tuyên truyền về chính sách BHTG” và “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG được tuyên truyền về hình ảnh, hoạt động của tổ chức BHTG”.
Trên thực tế, việc tuyên truyền chính sách BHTG là góp phần tạo dựng lòng tin của người gửi tiền đối với các tổ chức tín dụng cũng như duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Như vậy, có thể hiểu rằng các tổ chức tín dụng cũng là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ việc tuyên truyền về chính sách BHTG, vì người dân có tin thì mới gửi tiền vào các tổ chức tín dụng. Luật BHTG cần quy định trách nhiệm cụ thể của tổ chức tham gia BHTG.
Việc phổ cập chính sách BHTG không chỉ dừng ở việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG, mà còn thể hiện qua nhận diện thương hiệu, hình ảnh của BHTGVN. Để BHTGVN triển khai tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG hiệu quả, cần thiết bổ sung quy định tuyên truyền về hình ảnh, hoạt động của tổ chức BHTG. Từ đó, tăng cường hiệu quả tuyên truyền chính sách BHTG đến công chúng, trong đó có hình ảnh và hoạt động của tổ chức BHTG là hạt nhân đóng vai trò thực thi chính sách.
Giải pháp tuyên truyền theo đặc điểm nhân khẩu học của người gửi tiền: Theo kết quả khảo sát năm 2023 của BHTGVN, mức độ nhận thức của người ở trình độ học vấn và thu nhập thấp là thấp nhất. Vì vậy, cần tập trung tuyên truyền đến đối tượng này. Đây cũng là đặc điểm của người gửi tiền nhỏ lẻ, ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc có ít điều kiện tiếp xúc với thông tin chính thức về tài chính - ngân hàng - BHTG. Đề xuất mô hình phối hợp tuyên truyền giữa BHTGVN và Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội nông dân Việt Nam để tiếp cận các đối tượng này thông qua trao đổi, ký kết Biên bản ghi nhớ hoặc Chương trình phối hợp tuyên truyền.
Giải pháp về kênh thông tin: BHTGVN cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tham gia BHTG trong việc tuyên truyền chính sách BHTG. Ngoài cụ thể hóa điều này trong Luật, Nhóm nghiên cứu đề xuất BHTGVN có thể ký kết các chương trình hợp tác riêng lẻ, đối tác chiến lược truyền thông với các tổ chức tham gia BHTG, thực hiện các chương trình đào tạo cho cán bộ, giao dịch viên của tổ chức tham gia BHTG. Việc đào tạo có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức như các cuộc thi, gameshow, các chương trình đào tạo trực tuyến, các học phần bổ sung trong chương trình đào tạo hàng năm cho cán bộ ngân hàng v.v.
Kênh thông tin quan trọng thứ 2 là truyền hình. Cần đổi mới hình thức tuyên truyền như có thể xây dựng các tiểu phẩm ngắn, các chương trình hỏi đáp vui v.v. để tạo sự cuốn hút với người xem. Xem xét quảng bá trên các gameshow truyền hình có độ lan tỏa lớn hoặc các khung giờ vàng như Thời sự, Dự báo thời tiết, Thể thao v.v.
Ngoài ra, cần tập trung xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể trên các kênh mạng xã hội với những hình thức theo xu thế hiện nay như các dạng video ngắn, trending, cập nhật kịp thời, nội dung sáng tạo, phong phú. Đây cũng là hình thức có thể dễ dàng đo lường hiệu quả tuyên truyền thông qua số liệu cụ thể về số lượt xem, lượt tương tác trên từng nền tảng, từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Trang thông tin điện tử của BHTGVN cũng là một lựa chọn của người gửi tiền vì đây là kênh thông tin chính thức của tổ chức BHTG, là địa chỉ tin cậy để người gửi tiền cập nhật thông tin cần thiết về chính sách BHTG.
Giải pháp về tăng cường tham gia chương trình tài chính toàn diện: BHTGVN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN và các bộ, ban, ngành liên quan nhằm triển khai hiệu quả tài chính toàn diện. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền đến đối tượng người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG quy mô nhỏ, ở vùng sâu vùng xa. Trong đó có thể tập trung vào mảng giáo dục tài chính, triển khai các hoạt động giáo dục tài chính đến người gửi tiền và các đối tượng công chúng khác như học sinh, sinh viên. Hướng tới phối hợp với các trường đại học để đưa nội dung về BHTG vào giáo trình giảng dạy chính thức, sách tham khảo cho sinh viên các khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng. Có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế của một số nước trong việc giáo dục tài chính cho người dân thông qua các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương.
Giải pháp về truyền thông nội bộ: Với mục tiêu “mỗi cán bộ BHTGVN là một tuyên truyền viên về BHTG”, việc đẩy mạnh truyền thông nội bộ là rất quan trọng. BHTGVN cần quan tâm thúc đẩy truyền thông nội bộ thông qua việc thường xuyên phổ biến các thông tin chính sách, nghiệp vụ BHTG tới toàn thể cán bộ trong hệ thống để nắm bắt được mục tiêu, quan điểm của tổ chức, Ban lãnh đạo BHTGVN; từ đó thống nhất trong nhận thức và hành động. Đồng thời, cần xây dựng ý thức của đội ngũ cán bộ BHTGVN trong việc gìn giữ hình ảnh của tổ chức thông qua hình ảnh, tác phong làm việc của mỗi cán bộ; xây dựng văn hóa công sở mang bản sắc BHTGVN. Theo đó, tuyên truyền để hình thành đội ngũ cán bộ BHTG có chuyên môn vững, tác phong làm việc chuyên nghiệp, đáng tin cậy.
Giải pháp về nguồn lực: Đề xuất tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về truyền thông cho đội ngũ cán bộ của tất cả các phòng, ban thuộc hệ thống BHTGVN để mỗi cán bộ BHTGVN là một tuyên truyền viên về chính sách BHTG.
BHTGVN cũng cần định kỳ tổ chức diễn tập ứng phó với các kịch bản diễn biến bất thường như: truyền thông khi phát sinh nghĩa vụ chi trả; khi xảy ra khủng hoảng tổ chức tín dụng ở quy mô nhỏ và khi có tác động dây chuyền; ứng phó khủng hoảng truyền thông của tổ chức BHTG; cũng như các kịch bản có thể diễn ra khác để đội ngũ cán bộ tuyên truyền cũng như các phòng, ban của BHTGVN được chuẩn bị sẵn sàng, kịp thời xử lý nếu có tình huống bất lợi về truyền thông diễn ra.
Hiện nay, công nghệ nói chung đang có bước phát triển vượt bậc, các kỹ thuật, nền tảng cũ nhanh chóng bị lỗi thời. Vì vậy, BHTGVN cần định kỳ đánh giá lại về cơ sở vật chất, kỹ thuật, qua đó nâng cấp, đổi mới phương tiện nghiệp vụ, máy móc (như máy ảnh, máy tính, máy chủ website…) cũng như khả năng ứng dụng các kỹ thuật mới (công nghệ theo dõi, lắng nghe trên mạng xã hội, phân tích dữ liệu …) vào hoạt động thông tin tuyên truyền.
Về điều kiện tài chính phục vụ công tác tuyên truyền, đề xuất đánh giá hiệu quả của việc sử dụng kinh phí tuyên truyền và có so sánh với các đơn vị, tổ chức tài chính Nhà nước và các tổ chức BHTG quốc tế trên cơ sở mục tiêu nhận thức đã đặt ra. Từ đó có đề xuất cụ thể về kinh phí cho hoạt động tuyên truyền nếu cần thiết.
Nhóm nghiên cứu