Vì sao NH muốn tự xử nợ xấu?
Dù không còn là vấn đề cấp bách khi nợ xấu toàn hệ thống xuống dưới 3%, nhưng xử lý nợ xấu (XLNX) vẫn tiếp tục được các NH đưa vào nhiệm vụ trọng tâm nhất trong năm 2017.
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, năm 2017, NH quyết tâm làm sạch danh mục nợ xấu bán cho VAMC, giảm nợ xấu toàn hệ thống xuống còn 1%. Ông Tùng thông tin thêm, nợ xấu nội bảng của NH này hiện tại là 1,5%. Nhưng theo tính toán của NHNN, cộng cả nợ xấu trên sổ sách với nợ VAMC thì nợ xấu của OCB hiện nay là 2,41%.
Vì vậy, năm 2017, OCB đặt mục tiêu sẽ “mua lại” toàn bộ số nợ xấu bán cho VAMC và quyết tâm xử lý hết số nợ này. Như vậy, OCB là NH tiếp theo trong năm nay cho biết sẽ xử lý triệt để các khoản nợ xấu bán cho VAMC.
Động thái một số NH lớn, nhỏ muốn mua lại nợ xấu từ VAMC được đánh giá rất tích cực, cho thấy hoạt động kinh doanh của các TCTD khả quan hơn, đủ tiềm lực trích lập dự phòng rủi ro (DPRR), mua nợ xấu từ VAMC để tự xử lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đặt vấn đề, tại sao các NH lại muốn tự xử lý? Nếu để tự các NH XLNX thì không biết đến khi nào xong?
Không phủ nhận vai trò của VAMC trong lúc nước sôi lửa bỏng đã mua một khối lượng nợ lớn cho các NHTM. Thậm chí có ý kiến cho rằng, VAMC ra đời như gỡ “kíp nổ” cho cả hệ thống. Bởi với khoản nợ xấu xấp xỉ 300.000 tỷ đồng, nếu để các NH tiếp tục tự xử lý thì rất khó khăn. Ngoài mua một lượng lớn nợ xấu, từ khi thành lập đến cuối năm 2016 VAMC cũng rất nỗ lực thu và xử lý được hơn 25 nghìn tỷ đồng nợ xấu. “VAMC đã hoàn thành được một phần sứ mệnh của mình trong giai đoạn vừa qua” - một chuyên gia nhận định.
Tất nhiên với con số 25 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý qua VAMC chưa thể thỏa mãn được kỳ vọng mà xã hội nói chung, ngành NH nói riêng đặt ra đối với đơn vị này. Sòng phẳng mà nói, đấy không phải “lỗi” của VAMC, một chuyên gia nhận xét và nhấn mạnh, được giao với sứ mệnh đặc biệt mà không cho VAMC công cụ đặc biệt thì họ có cố gắng đến mấy cũng không thể thực hiện được.
Là người trong cuộc, các NH rất thấu hiểu khó khăn này của VAMC. CEO một NH cho hay, trước đây chúng tôi hy vọng vai trò VAMC đủ lớn tác động ở dưới địa phương, công an… đẩy nhanh thu hồi tài sản bảo đảm, thu nợ cho NH. Nhưng quả thực, đến giờ, quá trình xử lý tài sản bảo đảm vẫn rất khó khăn. Do đó, nếu không có giải pháp tháo gỡ cho VAMC, theo một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thời gian tới nhiều NH sẽ mua nợ xấu về tự giải quyết. Như vậy, chắc chắn thời gian XLNX bị kéo dài. Hiển nhiên, càng “om” nợ xấu lâu thì chi phí nền kinh tế phải trả càng cao.
Tìm lực bẩy nợ xấu
Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông thừa nhận, hành lang pháp lý và năng lực của VAMC phải thực sự thay đổi. Theo kế hoạch NHNN giao cũng như nhu cầu thực tế, trong năm 2017, VAMC sẽ tập trung vào tái cơ cấu lại nợ, xử lý phân loại để phát mại tài sản và thu hồi khoảng 33 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Bên cạnh đó, VAMC sẽ phối hợp với các đơn vị trực thuộc NHNN để sớm trình Chính phủ và Quốc hội đề án cơ cấu và XLNX.
Theo chia sẻ của ông Đông, Đề án này sẽ tập trung vào nâng cao năng lực thực sự của VAMC, từ nguồn lực về vốn, công nghệ và con người để đảm bảo VAMC là trung tâm trong thị trường mua bán nợ, vì khối lượng nợ xấu hiện VAMC đang quản lý rất lớn.
Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý được là 224 nghìn tỷ đồng, một con số không hề nhỏ. Nhưng nếu những vướng mắc về pháp lý trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, XLNX của VAMC và các TCTD mà NHNN trình Thường trực Chính phủ được tháo gỡ, cùng với bổ sung cơ chế đặc thù, nguồn lực cũng như nỗ lực của VAMC… thì theo các chuyên gia NH, số nợ xấu VAMC được xử lý sẽ nhiều hơn con số 33 nghìn tỷ đồng mà cơ quan này đưa ra. Và quan trọng hơn, nợ xấu sẽ được xử lý triệt để và thực chất hơn.
Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, các chính sách mà NHNN đưa ra đều là nhằm giải quyết những điểm “cốt tử” nhất trong XLNX, như: quyền thu giữ tài sản trong hoạt động thu nợ của VAMC cũng như TCTD, quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, kê biên tài sản…
Vị này lấy ví dụ, nút thắt về quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Trong quá trình VAMC xử lý nợ, khách hàng vay đồng ý bổ sung thêm tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhưng theo các quy định tại Luật Đất đai 2013, VAMC không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất.
Tương tự, khi VAMC bán lại khoản nợ xấu đã mua cho bên mua nợ là các cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thì các cá nhân, tổ chức này cũng không được nhận tài sản thế chấp. Bất cập này của Luật Đất đai 2013 ảnh hưởng lớn đến hoạt động xử lý các khoản nợ xấu VAMC đã mua. “Nếu không giải quyết khó khăn pháp lý, đồng thời phát triển thị trường mua bán nợ, chắc chắn khó mà xử lý dứt điểm nợ xấu”, vị chuyên gia trên khẳng định.
Trước mắt, trong khi chờ đợi Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và XLNX, để kế hoạch bán nợ được thành công, ông Đông cho biết, VAMC quyết liệt mua bán nợ xấu với nhiều hình thức, gồm cả theo cơ chế thị trường. Theo đó, VAMC giao cho tất cả các phòng, ban phân loại dần những khoản nợ xấu để có hướng xử lý phù hợp đối với từng loại nợ; đồng thời hình thành một nhóm phân tích thực hiện tái cơ cấu lại những DN đang còn nợ xấu tại NH…
“Nghĩa là năm 2017, VAMC sẽ vận dụng hết công năng của mình để XLNX một cách hiệu quả nhất. Trong đó, có những nhiệm vụ thì quyết liệt hơn, có những nhiệm vụ thì thí điểm để lấy kinh nghiệm cho các năm tiếp theo”, lãnh đạo VAMC cho biết.