Kết thúc tháng 9, chỉ số US Dollar Index - vốn được dùng để đo lường giá trị của đồng USD so với một rổ ngoại tệ - đã tăng lên mức cao nhất trong hơn bốn năm.
Giới phân tích thị trường ngoại hối đều khẳng định đà tăng của đồng USD hiện nay là mạnh chưa từng có.
Thực ra trong thị trường ngoại hối, mục tiêu chính không phải là nhằm sinh lợi, và đồng USD lại càng không phải là mục tiêu để đầu tư sinh lợi. Giới đầu tư ngoại hối từ lâu xem đồng USD là một trong những “nơi trú ẩn” (Safe Heaven) khi thị trường biến động. Tiềm lực tài chính và uy tín của Mỹ là một trong những yếu tố hàng đầu đảm bảo đồng USD sẽ không bị mất giá quá nhiều so với các đồng tiền khác.
Tuy nhiên, các chỉ số vĩ mô khá tốt của Mỹ thời gian gần đây vẽ ra cho thị trường một niềm tin – mặc dù còn khá mong manh - rằng nền kinh tế Mỹ đang được cải thiện, đặc biệt khi đem so sánh với bức tranh kinh tế ảm đạm toàn cầu. Kinh tế Mỹ tốt lên cũng đồng nghĩa với khả năng FED sẽ phải tăng lãi suất trong thời gian gần, và điều này lại sẽ tiếp tục góp phần làm đồng USD mạnh thêm.
Một yếu tố khác không thể không kể đến là tình hình kinh tế khu vực EU không mấy khả quan do các vấn đề địa chính trị ở Ukraina và nguy cơ giảm phát ngày càng rõ nét. Điều này khiến Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tháng vừa rồi không thể ngồi yên và đã có những can thiệp vào thị trường, dẫn đến đồng EU phần nào yếu đi so với các đồng tiền khác.
Các nhà phân tích thị trường ngoại hối cho rằng đồng USD sẽ còn tiếp tục xu hướng tăng giá một thời gian nữa, đặc biệt là khi Fed đưa ra các tín hiệu rõ nét hơn về khả năng tăng lãi suất. Họ dự đoán rằng một đồng euro sẽ đổi được khoảng 1,15 USD vào cuối năm 2016, so với khoảng 1,27 USD bây giờ. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi đồng USD đã tăng hơn 8% so với đồng EUR chỉ trong sáu tháng qua.