“Việt Nam: Triển vọng tăng trưởng tốt, triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế vẫn tích cực, trong đó GDP thực tế dự kiến tăng khoảng 6,6% trong năm 2018 và lạm phát tiếp tục được kiểm soát nhưng cần tiếp tục tăng cường lành mạnh tài chính và ổn định tài khóa”.
Đây là thông điệp của Báo cáo tư vấn thường niên 2017 của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) vừa công bố tại Singapore sáng ngày 6/4/2018.
Ảnh minh họa |
Báo cáo tư vấn thường niên của AMRO được xây dựng dựa trên kết quả ban đầu của Đoàn tư vấn thường niên AMRO tới Việt Nam vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2017 và phân tích số liệu kinh tế cập nhật đến ngày 31/12/2017.
Báo cáo nhìn lại: Trong năm 2017, kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ với triển vọng tích cực trong ngắn hạn nhờ tăng trưởng toàn cầu được cải thiện và cầu nội địa tăng. Trong năm 2017, GDP thực tế của Việt Nam tăng 6,8%, cao hơn so với mức 6,2% của năm 2016.
Năm 2017, tiêu dùng, đầu tư nội địa và xuất khẩu tăng mạnh chính là các động lực cho đà tăng trưởng của Việt Nam. Lạm phát ở mức 3,5% và vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát của Chính phủ là 4%.
Báo cáo nhận định “Triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế vẫn tích cực, trong đó GDP thực tế dự kiến tăng khoảng 6,6% trong năm 2018 và lạm phát tiếp tục được kiểm soát”.
Vị thế trên thị trường quốc tế tiếp tục được củng cố nhờ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tiếp tục đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu nói chung và dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam cũng có xu hướng tăng. Đồng Việt Nam (VND) ổn định trong khi dự trữ ngoại hối tăng đáng kể.
Báo cáo chỉ ra mặt tích cực là tăng trưởng tín dụng tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế. Đến tháng 11/2017, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt khoảng 19,1% so với mục tiêu 18%. Đặc biệt, nhiều thay đổi về mặt thể chế được áp dụng nhằm tăng tốc quá trình cải cách lĩnh vực ngân hàng, bao gồm việc phê duyệt cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) và kế hoạch cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020.
Năm 2017, vị thế tài khóa tiếp tục được cải thiện nhờ các nỗ lực củng cố tài khóa. Thu ngân sách năm 2017 vượt kế hoạch nhờ vào tăng thu thuế và thu từ nhà, đất. Chi ngân sách giảm do chi thường xuyên giảm, trong khi chi đầu tư phát triển tăng. Do đó, thâm hụt tài khóa giảm từ mức 5,6% GDP năm 2016 xuống còn 3,5% trong năm 2017, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ. Nhờ vào vị thế tài khóa được cải thiện, nợ công giảm xuống mức 61,4% GDP trong năm 2017.
Báo cáo cũng chỉ ra những rủi ro xuất phát từ cả các cú sốc bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế nội tại của nền kinh tế. Vể rủi ro ngoại cảnh, báo cáo cho rằng bất ổn chính sách từ các nền kinh tế phát triển có thể gây ra biến động giá trị tài sản và chảy vốn ra nước ngoài ở các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Việc áp dụng các biện pháp bảo hộ tại Mỹ và các đối tác thương mại khác làm cầu thế giới giảm hơn so với mong đợi cũng có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam.
Về phía trong nước, báo cáo lưu ý, biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học và một khu vực doanh nghiệp nhà nước còn kém hiệu quả cũng đặt ra những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, nếu thúc đẩy tín dụng tăng trưởng cao hơn có thể làm suy yếu tiến trình củng cố hệ thống ngân hàng hiện vẫn còn yếu kém. Vì thế trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng chính sách tăng cường ổn định tài chính và tài khóa bền vững, báo cáo khuyến nghị.
Theo báo cáo này, tăng trưởng tín dụng trên mức 18% trong 3 năm qua và tỷ lệ tín dụng so với GDP tăng lên mức trên 120% GDP - tương đối cao so với các nước trong khu vực. Vì thế, việc thúc đẩy hơn nữa tín dụng trong nước có thể dẫn đến các hoạt động cho vay dưới chuẩn và gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của hệ thống tài chính. Những nỗ lực gần đây nhằm xúc tiến quá trình giải quyết nợ xấu và tái cấp vốn cho các ngân hàng đã có những kết quả nhất định nhưng cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.
Kế hoạch củng cố tài khoá trung hạn cần tiếp tục được triển khai và hỗ trợ bởi các biện pháp tăng thu và ưu tiên chi thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường hiệu quả chi. Các biện pháp chính sách nhằm giải quyết những thách thức trung và dài hạn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và phối hợp thực hiện hiệu quả giữa các đơn vị có liên quan.
AMRO được thành lập nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế và tài chính của khu vực ASEAN+3, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông), Nhật Bản và Hàn Quốc. Chức năng của AMRO là tiến hành giám sát kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên.
Báo cáo tư vấn thường niên được thực hiện theo chức năng giám sát kinh tế vĩ mô của AMRO. AMRO thực hiện giám sát, phân tích và báo cáo cho các nước thành viên về tình hình kinh tế vĩ mô và tính bền vững tài chính. Bên cạnh đó, AMRO cũng cảnh báo những rủi ro, bất ổn và hỗ trợ các nước thành viên nếu có yêu cầu, đưa ra những khuyến nghị chính sách nhằm giảm thiểu những rủi ro.