Vay đặc biệt với lãi suất 0% từ BHTGVN và các TCTD hỗ trợ
Tại lần sửa đổi này, Luật Các TCTD đề ra mục tiêu: Sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của NHNN, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; có quy định để kịp thời xử lý khi TCTD gặp rủi ro thanh khoản cũng như các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt...
Đáng chú ý, một trong những điểm mới tại dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi lần này là bổ sung quy định TCTD bị rút tiền hàng loạt được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ ở Điều 148.
Cụ thể, các biện pháp hỗ trợ gồm: TCTD sẽ không bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm thiếu dự trữ bắt buộc và không tuân thủ tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định trong giai đoạn bị rút tiền hàng loạt.
Ngoài ra, TCTD bị rút tiền hàng loạt có thể được vay đặc biệt NHNN, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và TCTD khác theo quy định luật này.
Trong đó, công ty tài chính được vay đặc biệt với lãi suất 0% của BHTGVN từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ; TCTD được kiểm soát đặc biệt là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt với lãi suất 0% của BHTGVN từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ. BHTGVN được hạch toán giảm Quỹ dự phòng nghiệp vụ để xử lý số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được.
NHNN sẽ xem xét, quyết định thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh khoản riêng với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt gồm: Mua giấy tờ có giá của TCTD trên nghiệp vụ thị trường mở; thực hiện các giao dịch ngoại tệ với TCTD; tái cấp vốn với TCTD.
Ngân hàng Nhà nước được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với các khoản phải thu không thu hồi được phát sinh từ các biện pháp xử lý khi TCTD bị rút tiền hàng loạt.
Riêng khoản vay đặc biệt để TCTD giải quyết, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt, dự thảo luật quy định lãi suất mà NHNN cho vay là 0%/năm.
Theo dự thảo, TCTD cho vay đặc biệt được áp dụng các biện pháp hỗ trợ cụ thể như được vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, thời hạn tương ứng với thời hạn cho vay đặc biệt TCTD khác, được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc; không phải thực hiện tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; các khoản cho vay đặc biệt được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn…
Trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định trật tự an toàn xã hội, NHNN được chỉ định cho vay đặc biệt với lãi suất 0%.
Bên cạnh đó, TCTD cho vay đặc biệt được phát hành trái phiếu dài hạn cho BHTGVN; được nhận tiền gửi dài hạn của BHTGVN với lãi suất ưu đãi theo quyết định của NHNN.
Tăng cường quản lý nhà nước, xử lý “từ sớm từ xa” TCTD yếu kém
Nội dung đáng chú ý khác là dự thảo đưa ra quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của NHNN tại giai đoạn can thiệp sớm.
Theo đó, NHNN được quyền hạn chế quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của TCTD có hành vi vi phạm pháp luật tùy theo mức độ vi phạm của người quản lý, người điều hành.
Điều này, nhằm tăng cường kiểm soát, quản lý Nhà nước đối với quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng tổ chức tín dụng - theo tờ trình của Chính phủ.
Dự thảo luật còn quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm, cho phép xử lý “từ sớm, từ xa” khi tình trạng yếu kém của TCTD chưa đến mức nghiêm trọng.
Tương ứng với nội dung sửa đổi, bổ sung tại phần can thiệp sớm, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp kiểm soát đặc biệt, điều chỉnh phương án xử lý tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt, bao gồm phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt và phương án phá sản.
Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá tổng thể thực trạng TCTD được kiểm soát đặc biệt, theo đó thuê tổ chức kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại. Trường họp không thuê được tổ chức kiểm toán độc lập thì Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại theo đề nghị của NHNN.
Giảm tỷ lệ sở hữu vốn
Liên quan đến hỗ trợ thanh khoản, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, để xử lý các khủng hoảng tài chính có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống, pháp luật một số quốc gia đều có các cơ chế này.
Tờ trình dự án luật của Chính phủ dẫn kinh nghiệm của một số nước. Như, tại Thụy Sỹ có quy định Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ thực hiện vai trò người cho vay cuối cùng. Với chức năng này, Ngân hàng Trung ương cung cấp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho 1 hoặc nhiều ngân hàng nội địa nếu các ngân hàng này không còn đủ khả năng cấp vốn cho các hoạt động của mình trên thị trường.
Đối với các vấn đề như siết sở hữu chéo, sân sau và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông nhà băng, dự thảo đưa ra quy định. Cụ thể, một cá nhân dự kiến không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ một TCTD (quy định hiện nay là 5%). Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện nay là 15%).
Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% (giảm 5% so với quy định hiện nay) vốn điều lệ của một TCTD. Cổ đông lớn của một ngân hàng và người có liên quan được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ của nhà băng khác.
Dư nợ cấp tín dụng tối đa với một khách hàng cũng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tối đa 15% vốn tự có (giảm so với quy định là 25%).
Theo dự thảo, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn vay trong trường hợp đặc biệt khi khả năng hợp vốn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng đủ.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, dự thảo luật hóa cụ thể quy định tại Nghị quyết 42 nhưng bổ sung quy định về mua, bán nợ xấu. Theo đó, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hoạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của ngân hàng; được thỏa thuận với ngân hàng để phân chia phần giá trị còn lại (nếu có) của số tiền thu hồi từ khoản nợ xấu, sau khi trừ giá mua, các chi phí xử lý.