Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc ban hành dự án Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; để sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật các TCTD và để luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình tại phiên họp
Minh bạch trong hoạt động ngân hàng
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về TCTD; luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng hướng đến bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của NHNN, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Về quan điểm xây dựng Luật, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) bám sát quan điểm của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại TCTD bảo đảm an toàn hệ thống, tăng cường tính minh bạch, công khai và phù hợp với nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế tốt nhất, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Đồng thời, khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp chiến lược phát triển ngành Ngân hàng.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Các TCTD hiện hành và bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ.
Thống đốc nêu rõ, dự thảo Luật về cơ bản kế thừa các quy định tại Luật Các TCTD hiện hành, có điều chỉnh một số nội dung như sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng luật hóa các quy định mang tính nguyên tắc áp dụng chung cho các ngân hàng chính sách…
Mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân
Với mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, dự thảo Luật Các TCTD đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, trong đó đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống; tạo lập hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; bổ sung quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng; quy định về yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng...
Về hoạt động của ngân hàng thương mại, dự thảo Luật làm rõ bản chất của thư tín dụng, bổ sung hoạt động dịch vụ ngân quỹ, giao đại lý trong lĩnh vực thanh toán…
Về hoạt động của TCTD là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô, để tạo cơ sở pháp lý giúp khách hàng của các tổ chức tài chính vi mô, QTDND được tiếp cận với những dịch vụ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, dự thảo Luật bổ sung quy định về hoạt động làm đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng của QTDND, tổ chức tài chính vi mô. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng hợp tác xã để nâng cao vai trò của ngân hàng hợp tác xã đối với hệ thống các QTDND.
Đối với các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định điều chỉnh giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD nhằm tăng cường tính đại chúng trong hoạt động của TCTD...