Xác định hạn mức - nhìn từ quốc tế
Theo báo cáo của NHNN gửi tới QH, đến nay hệ thống ngân hàng đã xử lý được 22 tổ chức tín dụng. Tổng tài sản của hệ thống tín dụng đã lên đến 9 triệu tỷ đồng, trong đó tổng tài sản của các ngân hàng là hơn 8 triệu tỷ đồng. Riêng tiền gửi của dân cư chiếm khoảng 4 triệu tỷ đồng. |
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là công cụ cốt lõi để tổ chức BHTG thực thi kỷ luật thị trường, qua đó hỗ trợ các cơ quan quản lý, giám sát thực hiện mục tiêu duy trì ổn định hệ thống tài chính. Mỗi quốc gia có cách xác định hạn mức BHTG khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm, hoàn cảnh và năng lực tài chính riêng của từng nước. Hạn mức BHTG cần được xem xét lại một cách thường xuyên để có thể điều chỉnh khi cần thiết.
Tại Mỹ, Tổng công ty BHTG liên bang (FDIC) được thành lập từ năm 1933 - sớm nhất thế giới. Đến tháng 10.2008, để cứu đất nước khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Hạ viện Mỹ đã thông qua Luật Ổn định kinh tế khẩn cấp, cho phép nâng hạn mức BHTG tạm thời từ 100.000 USD lên 250.000 USD/người gửi tiền và giữ nguyên từ đó đến nay. Ngoài ra, trong thời gian từ cuối năm 2010 đến hết năm 2012, Luật Cải cách tài chính phố Wall ban hành năm 2010 cho phép tất cả các tài khoản giao dịch không hưởng lãi sẽ được bảo hiểm toàn bộ.
Còn tại Malaysia, hạn mức BHTG được Tổng công ty BHTG Malaysia (MDIC) hai lần chuyển sang cơ chế bảo đảm toàn bộ (vào các năm 1988 và 2008 khi các cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và toàn cầu nổ ra). Trong cơ chế bảo đảm toàn bộ được áp dụng trong cuộc khủng hoảng 2008, MDIC chịu trách nhiệm trong hạn mức, tối đa là 60.000 ringgit (khoảng 17.400 USD) và Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ tài chính nếu phát sinh các khoản chi trả vượt hạn mức nói trên. Đổi lại, Chính phủ Malaysia thu một khoản phí bổ sung cho việc bảo đảm toàn bộ và MDIC chịu trách nhiệm thu hộ Chính phủ. Năm 2010, nước này đã rút lui chương trình bảo đảm toàn bộ và áp dụng hạn mức 250.000 ringgit (tương đương với khoảng 80.000 USD). Hạn mức này hiện vẫn đang được duy trì và bảo vệ toàn bộ cho khoảng 99% số người gửi tiền tại Malaysia.Tại Philippines, Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) được thành lập vào năm 1963. Đây là tổ chức BHTG đầu tiên của khu vực châu Á, bảo hiểm cả nội tệ và ngoại tệ. Kể từ khi thành lập, với mức BHTG ban đầu là 10.000 peso, qua 6 lần điều chỉnh, hạn mức này lên tới 500.000 peso (tương đương 11.600 USD) vào năm 2009 và áp dụng từ đó tới nay và tương đương 5,7 lần GDP bình quân đầu người tại thời điểm áp dụng.
Từ thực tiễn của Mỹ, Malaysia hay Philippines cho thấy, việc đánh giá và điều chỉnh hạn mức BHTG cần chủ động và linh hoạt, phù hợp với diễn biến và tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế của từng quốc gia. Trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng, một số quốc gia có thể áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ nhằm duy trì ổn định hệ thống ngân hàng và tăng cường niềm tin của người gửi tiền. Tuy nhiên, xét tới tác động tiêu cực đến kỷ luật thị trường và rủi ro đạo đức của việc điều chỉnh hạn mức, các quốc gia phải có kế hoạch chuẩn bị chu đáo cho việc quay lại cơ chế bảo hiểm có hạn mức ngay khi có thể.
… và thực tiễn tại Việt Nam
QH đang xem xét thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD. Điểm mới của Dự thảo là sẽ chuyển giao bắt buộc khi ngân hàng yếu kém được nhà đầu tư nhận mua và ngược lại, nếu không có nơi nhận mua thì sẽ cho phá sản. Tuy nhiên, dù là phương án nào thì theo nhiều ĐBQH, cần bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền nhất là trong trường hợp tiền gửi vượt hạn mức bảo hiểm 75 triệu đồng.
Tại phiên thảo luận sáng 26.10, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) cho rằng, quyền lợi của người gửi tiền vẫn chưa được thể hiện rõ trong dự luật. Mức BHTG tối đa 75 triệu đồng như hiện nay là quá thấp. “Không thể người gửi 100 tỷ đồng và người gửi 100 triệu cũng đều nhận số tiền đền bù cào bằng như nhau, mà họ phải được nhận lại số tiền ứng với số đã gửi” - đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ nói. Quan điểm trên được nhiều ĐBQH đồng tình. ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, để tránh hiệu ứng domino rút tiền hàng loạt, gây đổ vỡ hệ thống thì phải trả cả tiền gốc, lãi cho người dân khi ngân hàng phá sản.
Nhìn ở góc độ khác, hạn mức 75 triệu đồng được cho là tương đối hợp lý, bảo đảm bảo vệ được phần lớn người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin về hoạt động ngân hàng, vừa bảo đảm duy trì kỷ luật thị trường và ổn định hệ thống tài chính. Hạn mức này cũng phù hợp với khả năng, nguồn lực của ngân sách nhà nước và cơ quan bảo hiểm tiền gửi. Đây cũng là nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc góp phần duy trì ổn định hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Tuy nhiên, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và đặc biệt là khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), hạn mức BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải bảo đảm có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo vệ nhằm duy trì kỷ luật thị trường và giảm thiểu rủi ro đạo đức. Điều này có nghĩa, hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp phải thỏa mãn đồng thời hai yếu tố: Trước hết, hạn mức phải đủ cao để bảo vệ đại đa số người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ lẻ, có hiểu biết hạn chế. Tiếp theo, hạn mức phải đủ thấp để hạn chế những rủi ro đạo đức xảy ra khi người gửi tiền chỉ muốn đem tiền của mình gửi vào những ngân hàng có lãi suất cao mà không quan tâm đến rủi ro của ngân hàng, trong khi đó các ngân hàng chạy đua lãi suất bất chấp rủi ro để thu hút người gửi tiền.