Khi Trung Quốc và nhiều nước phát triển tăng mạnh dự trữ tiền tệ và tỷ lệ đóng góp của kinh tế Mỹ vào kinh tế toàn cầu ngày một giảm, đồng USD đang mất dần đi vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới.
Việc kinh tế Mỹ để mất đi tầm quan trọng trong kinh tế toàn cầu đóng vai trò không nhỏ khiến đồng USD mất vị thế, ngoài ra còn phải kể đến việc thế giới nhận ra kinh tế Mỹ đương đầu với quá nhiều vấn đề mang tính cấu trúc.
Năm 2001, kinh tế Mỹ đóng góp 32,2% GDP, đến hiện nay, con số này chỉ còn lại 23,7% GDP.
Ở thời điểm cuối tháng 6/2011, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo về dự trữ ngoại hối toàn cầu do 138 Ngân hàng Trung ương các nước phát triển và mới nổi nắm giữ.
Tổng giá trị dự trữ ngoại hối của thế giới tính đến cuối quý 1/2011 đạt 9,694 nghìn tỷ USD, mức cao kỷ lục trong lịch sử và cao hơn 1,4 nghìn tỷ USD so với con số công bố vào năm 2010.
Dự trữ của Trung Quốc chiếm hơn 30% trong tổng dự trữ của toàn thế giới.
Trong khi đó vào năm 2000, dự trữ của Trung Quốc tương đương chưa đầy 10%.
Phần lớn dự trữ của thế giới hiện nay thuộc về nhóm nước mới nổi, tương đương khoảng 64,7%, tức 6,53 nghìn tỷ USD.
Ấn tượng nhất là mức tăng của dự trữ ngoại tệ. Từ đầu năm 2000, dự trữ chính thức của nhóm nước đang phát triển tăng khoảng 5,87 nghìn tỷ USD tương đương khoảng 890%. Nguyên nhân chính khiến dự trữ tăng là hoạt động thương mại và đầu tư trong nhóm nước đang phát triển tăng cao trong 10 năm qua.
Nhóm nước mới đang chiếm khoảng 30% GDP của thế giới, cao hơn nhiều so với con số 20% vào năm 1999.