Bộ trưởng tài chính Đức Olaf Scholz
“Nhu cầu mở rộng và hoàn thiện liên minh ngân hàng châu Âu là không thể phủ nhận. Sau nhiều năm thảo luận, chúng ta phải chấm dứt sự bế tắc”- ông Scholz phát biểu trên tờ Financial Times.
Ông Scholz cũng cho rằng, với sự kiện Brexit, khối EU đã không còn trung tâm tài chính lớn nhất khu vực tại London. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đã đến lúc khối này thúc đẩy sự hội nhập các ngân hàng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu và các nhà lãnh đạo EU tại Brussels từ lâu đã kêu gọi các chính phủ chấm dứt sự bất đồng về quan điểm chính trị đối với liên minh ngân hàng phát triển sâu hơn. Họ lập luận rằng đây là kế hoạch quan trọng để đảm bảo các ngân hàng phá sản có thể xảy ra một cách êm thấm và an toàn mà không cần đến cứu trợ từ ngân sách, cũng như giúp khu vực Châu Âu trở nên kiên cường hơn trước những cú sốc kinh tế.
Đáng ngạc nhiên nhất trong các đề xuất của ông Scholz, là kế hoạch triển khai cơ chế BHTG chung Châu Âu nhằm bảo vệ người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Nước Đức trước đây đã phản đối quan điểm này trong bối cảnh người dân phản đối khả năng sử dụng ngân sách từ tiền thuế cho việc cứu trợ ngân hàng yếu kém ở các quốc gia khác trong khu vực.
Cơ chế BHTG chung sẽ đóng vai trò là điểm tựa cho các quỹ BHTG quốc gia, giúp đảm bảo rằng các chính phủ tôn trọng nghĩa vụ bảo vệ người gửi tiền với hạn mức 100.000 Euro trong trường hợp đổ vỡ tổ chức nhận tiền gửi.
“Chấp nhận cơ chế BHTG chung châu Âu là một bước tiến không nhỏ đối với nền tài chính Đức” - ông Scholz cho biết.
Tuy nhiên, các đề xuất của ông đi kèm với những điều kiện chặt chẽ mà chắc chắn sẽ gây lo ngại cho các quốc gia thành viên EU có tình hình tài chính yếu hơn hoặc các ngân hàng yếu kém hơn.
Đây cũng là ý tưởng sẽ gây tranh cãi trong nội bộ nước Đức. Giới chức Berlin nhấn mạnh rằng sáng kiến này chỉ mới dành để thảo luận - là của riêng ông Scholz và chưa được thủ tướng Đức Angela Merkel thông qua. Và bà Merkel không chắc sẽ ủng hộ kế hoạch này.
Những nỗ lực trong quá khứ để đi đến một thỏa thuận cho kế hoạch này ở Đức đã bị ngăn trở bởi phe bảo thủ trong Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel, cũng như các Sparkassen (ngân hàng tiết kiệm).
“Châu Âu sẽ không xích lại gần nhau hơn bằng cách chuyển gánh nặng từ nước này sang nước khác. Đây không phải là thời điểm thích hợp để cộng đồng hóa cơ chế BHTG” - Chủ tịch của Hiệp hội các ngân hàng tiết kiệm Đức (DSGV) phát biểu hồi tháng 9 vừa qua.
Tuy nhiên, đã có dấu hiệu của một sự thay đổi trong quan điểm của Bộ Tài chính Đức về kế hoạch liên minh ngân hàng hiện đang đình trệ.
Ông Scholz nói rằng Brexit và nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ đã buộc EU phải thay đổi.
Ông đã kết hợp đề xuất của mình về cơ chế BHTG với các yêu cầu cải cách cứng rắn để giúp duy trì kỷ luật trong giám sát và xử lý ngân hàng, giảm thiểu rủi ro mà Đức có thể phải gánh chịu cho chi phí đổ vỡ ngân hàng ở những quốc gia Châu Âu khác, đặc biệt là những nước có hệ thống ngân hàng yếu như Italy.
Những điều kiện này có thể không phổ biến ở nhiều nước EU khác, đặc biệt là những nước có hệ thống ngân hàng yếu hơn như Ý.
Đề xuất ông bao gồm sửa đổi các quy định về vốn của EU để loại bỏ các ưu đãi cho các ngân hàng trong việc mua số lượng lớn nợ công; những hành động tiếp theo để giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng EU; và thiết lập các quy tắc chung của châu Âu về tính toán lợi nhuận doanh nghiệp chịu thuế.
Ông Scholz cũng hi vọng, EU sẽ hài hòa được pháp luật về khả năng thanh toán của ngân hàng, khi mà sự chắp vá trong luật pháp các nước làm suy yếu nỗ lực của EU để đảm bảo các chủ nợ ưu tiên cũng phải chịu một phần chi phí xử lý ngân hàng đổ vỡ.