Tự do lãi suất: Con dao hai lưỡi
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) dự định sẽ thả nổi lãi suất tiền gửi ngân hàng trong vòng 2 năm tới. Một trong những động thái chưa từng có khiến các ngân hàng buộc phải cạnh tranh để thu hút khách hàng bằng những điều khoản tốt nhất của mình.
Trung Quốc dần nới lỏng kiểm soát lãi suất là một phần của chính sách mở rộng tự do hóa nền kinh tế, trong đó bao gồm cả việc mang lại cho thị trường một tiếng nói lớn hơn trong việc định giá đồng nhân dân tệ (NDT) và cho phép người nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc.
“Tự do hóa lãi suất huy động là một trong những mục quan trọng trong chương trình cải cách", Nicholas Lardy, một học giả Trung Quốc làm việc tại Viện Peterson về kinh tế quốc tế ở Washington nhận xét.
Nhưng, trong lịch sử, một số nước đã gặp nhiều rắc rối trong việc chuyển đổi hệ thống tài chính có liên quan với việc thả nổi lãi suất, trong đó có Mỹ. Trong những năm 1980, nguyên tắc lãi suất cho vay cố định của Mỹ được nới lỏng, dẫn đến sự tăng trưởng mạnh và sau đó là sự sụp đổ của nhiều các tổ chức huy động tiết kiệm và cho vay.
PBoC đang nỗ lực cải thiện nền kinh tế, vì vậy thể chế này dựa nhiều hơn vào nhu cầu tiêu dùng trong nước, chứ không phải là xuất khẩu hoặc các ngành công nghiệp thâm dụng vốn trong nước. Do vậy, cạnh tranh lãi suất tiền gửi ngân hàng nên mang đến cho người dân bình thường nhiều tiền hơn.
Mặt khác, bằng cách nâng cao chi phí vốn vay ngân hàng, các nhà phân tích nói rằng, động thái này cũng có thể khiến người cho vay phân tích rủi ro tốt hơn và phân bổ nguồn vốn nhiều hơn cho các công ty tư nhân sẵn sàng trả lãi suất cao hơn.
"Hiện nguồn vốn là một vấn đề nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ", ông Châu Đức Văn (Zhou Dewen) - người đứng đầu Hiệp hội Xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Ôn Châu cho biết, "Tự do hóa lãi suất là chìa khóa để giải quyết vấn đề".
Nhưng tự do hóa tiền gửi ngân hàng đôi khi dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính khi các ngân hàng cạnh tranh nguồn vốn, làm tăng rủi ro tiền gửi. Trong cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay của Mỹ, các tổ chức tự do cạnh tranh tiền gửi đã khiến ngành bất động sản chao đảo. Nhiều nhà kinh doanh bất động sản đã không thể hoàn trả vốn vay do mức lãi suất tăng cao.
Cuộc khủng hoảng này dẫn đến hơn 1.600 ngân hàng phải đóng cửa với khoản thiệt hại lên tới 160 tỷ USD.
Trong trường hợp của Trung Quốc, tăng lãi suất có thể gây thêm áp lực đối với chính quyền địa phương, các nhà kinh doanh bất động sản và các công ty khác đang phải vật lộn để trả nợ. Dư nợ ngân hàng và nợ trái phiếu của các công ty phi tài chính tại Trung Quốc đạt khoảng 12 nghìn tỷ USD vào cuối năm ngoái, tương đương 120% GDP của Trung Quốc, theo Standard & Poor.
Trong nhiều trường hợp, các ngân hàng Trung Quốc phải hợp tác với các công ty tín thác để thu hút người gửi tiết kiệm thông qua sản phẩm đầu tư sinh lời cao và cho những lĩnh vực rủi ro cao vay tiền bao gồm cả các nhà kinh doanh bất động sản và chính quyền địa phương thiếu tiền mặt mà không đưa các khoản vay trên bảng cân đối của họ.
Những hoạt động "ngân hàng bóng tối" như kiểu này trong vài năm qua dẫn đến những lo ngại về lỗ hổng tài chính của đất nước khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
"Sự phát triển quá nhanh của ngân hàng bóng tối, bao gồm cả ngân hàng Internet, trên thực tế là tự do hóa lãi suất", nhà phân tích kinh tế Wang Tao làm việc tại UBS AG cho biết.
Sử dụng vốn tín dụng sẽ hiệu quả hơn
Các quan chức cho biết, họ hy vọng sự “thả nổi lãi suất” sẽ mang lại lợi ích cho những người gửi tiền tiết kiệm, buộc các ngân hàng đánh giá rủi ro một cách cẩn thận hơn đồng thời cho các công ty tư nhân vay trực tiếp - điều mà các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc thường bỏ qua.
Theo các ngân hàng và nhà phân tích, việc cho phép các ngân hàng cạnh tranh về lãi suất sẽ làm tăng lãi suất cho vay, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Đó là bởi vì các ngân hàng sẽ buộc phải cạnh tranh nhau giành khách hàng bằng cách đưa ra lãi suất tiền gửi cao hơn và ngược lại cũng phải nâng lãi suất cho vay.
Ngay cả như vậy, điều đó có thể tốt cho nền kinh tế nói chung, bởi vì điều này sẽ buộc các ngân hàng đánh giá một cách cẩn thận hơn đối với khách hàng của họ về khả năng chi trả, chứ không phải là từ ảnh hưởng chính trị. Điều này có thể giúp các công ty tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ cao vay nhiều tiền hơn.
Tại cuộc họp báo ngày 11/3/2014, ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc PBoC cho biết, “Chúng tôi sẽ để thị trường thể hiện vai trò xứng đáng trong việc tự do hóa lãi suất. Lãi suất tiền gửi sẽ được nới lỏng trong vòng 1 hoặc 2 năm tới”. Tuyên bố của ông Chu Tiểu Xuyên đã đặt một thời gian cụ thể xung quanh cam kết mơ hồ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây về việc cho phép các ngân hàng cạnh tranh trong việc định ra lãi suất tiền gửi.
Theo đó, PBoC đang chịu áp lực trong việc thay đổi một hệ thống mà thường bị các nhóm lợi ích cản trở. Các ngân hàng lớn hưởng lợi nhiều năm nay bởi chỉ phải trả lãi suất tiền gửi thấp trong khi cho các công ty nhà nước vay mượn những khoản tiền lớn bởi được coi là những khách hàng vay tiền không rủi ro.
PBoC đã làm việc với IMF về việc làm thế nào để tự do hóa lãi suất huy động một cách an toàn và IMF đã kêu gọi PBoC tiến hành một "chuỗi " thay đổi. Đầu tiên là việc đưa ra một hệ thống bảo hiểm tiền gửi ngân hàng và một cơ chế để xử lý các ngân hàng bị phá sản sau khi được tự do cạnh tranh tiền gửi thông qua mức lãi suất cao hơn. T
rong một báo cáo đọc trước các nhà lập pháp vào tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết sẽ tiến hành cả hai biện pháp. Như vậy vẫn còn một quãng đường khá xa để việc tự do hóa lãi suất có hiệu lực
Hiện nay, các ngân hàng được phép quyết định lãi suất cho vay cao hơn 10% so với lãi suất huy động chuẩn, hiện là 3%/năm. Có khả năng phạm vi này sẽ được nới rộng lên 30%. Một khả năng khác là cho phép tự do hóa hoàn toàn tiền gửi dài hạn. "Trong ngắn hạn, tự do hóa tiền gửi có thể làm lãi suất tăng. Nhưng cuối cùng, lãi suất sẽ được xác định bởi các lực lượng thị trường”, Thống đốc PBoC cho biết tại cuộc họp báo.