Báo cáo trình bày kết quả đánh giá 135 bài kiểm tra sức chịu đựng của 32 tổ chức BHTG tại 27 quốc gia thành viên EU. Theo đó, EBA đã nêu rõ những thiếu sót và đưa ra những chỉ dẫn để cải thiện và nâng cao khuôn khổ về BHTG.
Tổ chức BHTG tại các quốc gia thành viên EU bắt buộc phải trải qua các bài kiểm tra sức chịu đựng cho toàn hệ thống. Năm 2016, EBA đã ban hành hướng dẫn về kiểm tra sức chịu đựng của Chương trình BHTG và đặt ra phạm vi, yêu cầu dựa trên nguyên tắc và danh sách bốn "thử nghiệm ưu tiên" mà tổ chức BHTG phải thực hiện.
Ngược lại, Chỉ thị EU về BHTG cũng yêu cầu EBA sử dụng các báo cáo để tiến hành đánh giá đồng đẳng về các tổ chức BHTG trên toàn Châu Âu, ít nhất 5 năm 1 lần. Các thử nghiệm ưu tiên bao gồm vấn đề về hoạt động và nguồn vốn của tổ chức BHTG, các hồ sơ khách hàng (SCV) của các TCTD có chứa thông tin người gửi tiền để phục vụ chi trả BHTG, và hợp tác xuyên biên giới giữa các tổ chức BHTG. EBA cho rằng, kiểm tra sức chịu đựng là một công cụ được thiết lập để chuẩn bị cho việc can thiệp vào TCTD.
Theo EBA, mức đánh giá theo hệ thống đánh giá xếp loại về sức chịu đựng và khả năng phục hồi của tổ chức BHTG tại Châu Âu đạt mức “khá”, chỉ xếp sau mức cao nhất là “tối ưu”. Điều này có nghĩa là các tổ chức BHTG dễ dàng khoanh vùng hoặc giải quyết các vấn đề thiếu sót tại thời điểm đổ vỡ và không gây ảnh hưởng đến khả năng vận hành của các tổ chức BHTG.
Báo cáo chỉ rõ, thông lệ tốt đã được triển khai bởi một số tổ chức BHTG và có thể là bài học cho các tổ chức BHTG còn lại. EBA cũng nhấn mạnh những thiếu sót nhất định và đưa ra chỉ dẫn sớm về cách cải thiện và nâng cao khuôn khổ BHTG. Cụ thể, EBA nhận thấy rằng sự khác biệt trong loại thử nghiệm được thực hiện và phương pháp báo cáo kết quả gây khó khăn khi so sánh các bài kiểm tra của các tổ chức BHTG, ảnh hưởng đến sự nhất quán. Vì vậy, EBA cung cấp các chỉ dẫn về tăng cường khả năng so sánh cho các đánh giá ngang hàng trong tương lai. Đây cũng là dữ liệu đầu vào cho việc sửa đổi hướng dẫn về các bài kiểm tra sức chịu đựng của tổ chức BHTG.
Việc đánh giá ngang hàng của EBA là một trong những nội dung được yêu cầu trong Chỉ thị chung Châu Âu về BHTG. Đồng thời, báo cáo đánh giá lần này cũng xét đến bối cảnh bùng phát của đại dịch COVID-19, trình bày sơ lược những bài học rút ra từ quốc gia thành viên khi ứng phó với đại dịch.
Liên quan đến đại dịch Covid-19, báo cáo đưa ra chỉ dẫn sớm về cách cải thiện khuôn khổ, khuyến khích các tổ chức BHTG thực hiện các thử nghiệm đặc biệt để đánh giá các kịch bản khi gặp vấn đề gây ảnh hưởng tới hoạt động thường xuyên hoặc gián đoạn hoạt động trong thời gian ngắn.