Nếu ECB nhận thấy rằng cắt giảm lãi suất là chưa đủ, ECB sẽ phải áp dụng chương trình nới lỏng định lượng, mua vào một lượng lớn tài sản giống như Fed đang làm hiện nay.
Sau nhiều trì hoãn và tranh cãi, cuối cùng thì NTHW châu Âu (ECB) đã đưa ra hành động đối phó với tình trạng lạm phát ở mức thấp đến đáng lo ngại trong eurozone. Chỉ hai ngày sau khi số liệu chính thức cho thấy lạm phát giảm xuống mức 0,5% trong tháng 5, ECB đã đưa ra tới 3 biện pháp mới nhằm đẩy lạm phát đến gần hơn với mức mục tiêu 2%.
Thứ nhất, ECB đã đi vào lịch sử khi trở thành NHTW lớn đầu tiên áp dụng chính sách lãi suất âm. Không chỉ hạ lãi suất cơ bản từ 0,25 xuống 0,15%, lãi suất gửi tiền bị hạ xuống -0,1%, tức là người gửi tiền phải chịu phí.
Chính sách lãi suất âm của ECB hướng đến hai mục tiêu chính: kiềm chế đà tăng của đồng euro (cũng là nhân tố làm giảm lạm phát) và buộc các ngân hàng ở phía Bắc phải cho các ngân hàng phía Nam vay tiền, đẩy mạnh đà phục hồi. Tuy nhiên, rủi ro ở đây là các ngân hàng có thể nâng lãi suất cho vay để bù đắp.
Thứ hai, ECB đang cố gắng giúp các doanh nghiệp “khát” tín dụng ở Nam Âu bằng cách cung cấp nguồn vốn giá rẻ dài hạn cho các ngân hàng cho các doanh nghiệp này vay tiền. ECB sẽ triển khai hai chương trình cho vay kỳ hạn 4 năm (vào tháng 9 và tháng 12 năm nay), đồng thời cung cấp nhiều vốn hơn nữa trong thời kỳ tháng 3/2015 – tháng 6/2016. Tất cả các khoản vay này sẽ đáo hạn vào tháng 9/2018.
Đây không phải là lần đầu tiên ECB cung cấp tín dụng giá rẻ dài hạn. Mùa đông 2011 – 12, ECB đã giải ngân cho các ngân hàng tổng cộng 1.000 tỷ euro (tương đương 1.350 tỷ USD). Phần lớn trong số này được sử dụng để mua trái phiếu chính phủ. Lần này, mục đích của những đợt cho vay mới là để hỗ trợ nền kinh tế thực.
Thứ ba, ECB đang hỗ trợ thanh khoản và kéo dài thời gian mà các ngân hàng có thể vay bao nhiêu tiền từ NHTW tùy thích. Các ngân hàng sẽ có thể vay tiền từ ECB thông qua các chương trình hàng tuần và hàng quý, miễn là đáp ứng được các yêu cầu về tài sản thế chấp. Chương trình kéo dài đến cuối năm 2016 thay vì giữa năm 2015.
Nhu cầu thêm kích thích càng tăng lên sau những số liệu gần đây. Nền kinh tế eurozone hồi phục một cách yếu ớt trong khi lạm phát cũng ngày càng giảm. GDP eurozone chỉ tăng 0,2% trong quý I, thậm chí đã tăng trưởng âm nếu như kinh tế Đức tăng trưởng yếu hơn. Lạm phát giảm từ mức 0,7% của tháng 4 xuống còn 0,5% trong tháng 5, trong khi cách đây 1 năm là 1,4%.
Một trong những lý do quyết định của ECB chỉ được đưa ra sau cuộc họp tháng 5 là bởi như vậy ECB sẽ có trong tay một vài dự báo mới về nền kinh tế (từ chính ECB và từ NHTW các nước). Những báo cáo này cho thấy lạm phát kỳ vọng ở mức thấp hơn rất nhiều so với dự báo được đưa ra hồi tháng 3.
Những quyết định vừa được ECB đưa ra có tính đột phá cao, nhưng có vẻ như vẫn chưa đủ để đánh bại cụm từ "lạm phát thấp". Tuy nhiên, rõ ràng là cắt giảm lãi suất là biện pháp cuối cùng mà ECB có thể thực hiện.
ECB sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể hoàn thành chính sách thúc đẩy cho vay đối với các doanh nghiệp ở Nam Âu. Hiện nay, lãi suất được đưa ra khá thấp (năm nay sẽ cung cấp khoản vay kỳ hạn 4 năm với lãi suất chỉ ở mức 0,25%). Tuy nhiên, nếu các ngân hàng vẫn cố gắng thu hẹp bảng cân đối kế toán của họ, những ưu đãi này không phù hợp.
Chính sách thứ ba - đẩy mạnh và duy trì thanh khoản - sẽ không đem lại nhiều khác biệt trong bối cảnh áp lực giảm phát quá cao như hiện nay.
Nếu ECB nhận thấy rằng gói kích thích này không hiệu quả, châu Âu sẽ phải áp dụng chương trình nới lỏng định lượng, mua vào một lượng lớn tài sản giống như Fed đang làm hiện nay. Mối lo ngại ở đây là đã quá muộn để làm như vậy.