Trong khi hạn mức Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) do EU quy định vẫn là 100.000 Euro, các quy tắc mới sẽ giúp phối hợp tốt hơn cách thức mà chính phủ dàn xếp cho việc trả tiền bảo hiểm. Hiện tại, cơ chế BHTG của nhiều nước hoặc có nguồn quỹ hạn hẹp hoặc không được cấp vốn, đòi hỏi phải có sự đóng góp của các ngân hàng sau khi tiến hành chi trả.
Ngài Peter Simon, nhà thương lượng hàng đầu của Nghị viện châu Âu cho biết “Đây là điều tốt lành cho người nộp thuế và cho cả người gửi tiền. Chúng ta đã tách bạch rõ ràng hơn mối liên hệ giữa người nộp thuế và ngân hàng. Điều này cũng có nghĩa người gửi tiền có thể nhận được tiền chi trả nhanh hơn.”
Ngài Michael Barnier, Uỷ viên Uỷ ban châu Âu nhận định “Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc hoàn thành cẩm nang quy tắc chung về quản trị rủi ro cho các tổ chức tín dụng ở EU”. Theo thỏa thuận này, về nguyên tắc, các nước sẽ cần gây dựng một quỹ cho BHTG trong thập niên tới, mà có thể đạt mức 53 tỷ euro. Luật yêu cầu khoản tiền đóng góp của các ngân hàng này phải sẵn sàng trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng. Một số nước chọn cách để riêng khoản quỹ này, và thường là đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Với sự thông qua của Uỷ ban châu Âu, mục tiêu gây quỹ có thể giảm từ 0,8% xuống còn 0,5% tiền gửi được bảo hiểm trong “các lĩnh vực ngân hàng tập trung” – một điều kiện có lợi cho Pháp.
Cũng theo thỏa thuận này, các ngân hàng tham gia vào các hoạt động “rủi ro” được yêu cầu trả một mức phí tương đối cao hơn. Có đến 30% nguồn quỹ này có thể ở dưới dạng “những cam kết thanh toán”.
Thời hạn chi trả được giảm dần từ 20 đến 7 ngày làm việc vào năm 2024. Tối thiểu 70% khoản tiền bồi thường này phải được thanh toán ngay bằng tiền mặt, số còn lại có thể được trì hoãn sau 1 năm.