Mục tiêu của CRD IV là thực hiện thỏa thuận Basel 3 tại EU, bao gồm nâng cao chất lượng và tỉ lệ vốn tự có, yêu cầu cơ bản về thanh khoản và đòn bẩy tài chính, qui định về rủi ro đối tác, các tiêu chí kinh tế vĩ mô thận trọng (bao gồm vốn đệm chống biến động chu kỳ và vốn đệm đối với những định chế lớn). Bao gồm những qui định cơ bản sau đây:
1. Các qui định phù hợp với Basel 3
EU chấp nhận các yêu cầu mới về vốn của Basel 3, đó là vốn tự có cấp 1 (CET1) tối thiểu bằng 4,5% tổng tài sản có rủi ro, vốn cấp 1 bổ sung là 1,5% tổng tài sản có rủi ro, vốn cấp 2 là 2% tổng tài sản có rủi ro. Đề xuất của EU cũng bao gồm ba loại vốn đệm là: vốn đệm để bảo toàn vốn ngân hàng (capital conservation buffer) bằng 2,5% vốn CET1 trên tổng tài sản có rủi ro. Theo đó, các cơ quan quản lý tài chính tại các nước thành viên có thể thiết lập vốn đệm chống biến động chu kỳ với tỉ lệ 0-2,5% tổng tài sản có rủi ro, và vốn đệm 1,0-3,5% đối với các định chế tài chính lớn.
2. Một số điểm khác với Basel 3
Basel 3 qui định tỉ lệ đòn bẩy là vốn cấp 1 trên tổng tài sản có rủi ro nói chung mà không phân biệt theo mức độ rủi ro của nguồn vốn, bao gồm tổng tài sản cộng với các khoản mục cân đối ngoại bảng. EU cũng quyết định tỉ lệ đòn bẩy tương tự, nhưng không nêu rõ tỉ lệ tối thiểu là bao nhiêu. Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra đề xuất pháp lý với tỉ lệ đòn bẩy tối thiểu là 3%, bắt đầu áp dụng từ năm 2018. Hơn nữa, EC sẽ cân nhắc xây dựng một số tỉ lệ đòn bẩy khác nhau tùy theo mô hình kinh doanh, mức độ rủi ro, và qui mô ngân hàng.
3. Điểm mới trong qui định của EU
EU có kế hoạch đưa ra 2 qui định mới, đó là vốn đệm để chống rủi ro hệ thống, được xác định bằng tỉ lệ vốn CET1 so tổng tài sản có rủi ro nhằm phòng ngừa rủi ro hệ thống và rủi ro kinh tế vĩ mô tại một nước thành viên, áp dụng bắt buộc trong toàn bộ khu vực tài chính hay từng phân nhóm trong khu vực tài chính. Đối với các định chế tài chính lớn, vốn đệm chống rủi ro hệ thống sẽ tương tự như tỉ lệ vốn đệm đối với các phân nhóm trong khu vực tài chính. Các cơ quan quản lý tài chính quốc gia có thể thiết lập qui định vốn đệm chống rủi ro kinh tế vĩ mô với tỉ lệ 0-3% cho đến cuối năm 2014. Sau đó, thiết lập qui định vốn đệm chống rủi ro hệ thống với tỉ lệ 0-5%.