Quyết tâm chống giảm phát
Cắt giảm lãi suất và tung ra các khoản vay giá rẻ cho DN là hai trong số các giải pháp được đưa ra lần này. Lo ngại về lạm phát quá thấp có thể “bóp chết” sự phục hồi vẫn đang yếu ớt của nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục là 0,15%. Đồng thời, ECB cũng cắt giảm lãi suất huy động từ mức 0% xuống âm 0,1%. Điều này có nghĩa là, ECB sẽ tính phí đối với tiền gửi mà các ngân hàng để tại NHTW. Về lý thuyết, điều này hàm ý là ECB khuyến khích các ngân hàng tích cực hơn trong việc cho vay nền kinh tế.
ECB cũng đưa ra một loạt các giải pháp khác nhằm tăng cường bơm vốn rẻ hơn cho khu vực đồng tiền chung Eurozone. Trong đó bao gồm giải pháp cung cấp một loạt các khoản vay dài hạn mới cho các ngân hàng nhằm thúc đẩy ngân hàng cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu vực. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, tổng giá trị các khoản vay này có thể lên tới gần 600 tỷ Euro. Kinh tế châu Âu dựa nhiều vào hàng nghìn các DNNVV, trong đó có rất nhiều DN không tiếp cận được với các nguồn tài chính khác.
ECB thực sự có lý do để quan ngại về tình hình kinh tế khu vực hiện nay. CPI của khu vực Eurozone chỉ tăng 0,5% trong tháng 5/2014. Lạm phát cả năm qua chỉ dưới mức 1%, trong đó một số nền kinh tế thành viên thực sự đã trải qua giảm phát. Mặc dù ECB đặt ra mục tiêu lạm phát ở mức sát 2% trong trung hạn nhưng mục tiêu này dường như khó đạt được. Trong dự báo mới nhất mà ECB đưa ra ngày 5/6, lạm phát của khu vực sẽ chỉ ở mức 1,4% vào năm 2016.
Nếu để giảm phát, hoặc thậm chí chỉ cần lạm phát thấp, chi phối sẽ kéo các hoạt động kinh tế của khu vực tiếp tục đi xuống. Giới phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến lạm phát thấp xuống là đồng Euro mạnh lên, khiến cho nhập khẩu rẻ đi. Kỳ vọng gần đây về khả năng ECB sẽ đưa ra các giải pháp kích thích kinh tế đã giúp hạ nhiệt đồng Euro khoảng 2% trong một tháng qua và điều này phần nào hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu trong khu vực.
“ECB đang làm tất cả mọi thứ trong ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế, và điều đó sẽ được phản ánh vào giá các tài sản nói chung tăng lên”, chuyên gia Kit Juckes thuộc Ngân hàng Societe Generale nhận định. Tuy nhiên, theo ông Draghi – Chủ tịch ECB, tác động của gói kích thích này sẽ có độ trễ. “Sẽ phải mất từ 9 đến 12 tháng để thấy được các tác động này”, ông Draghi nhìn nhận.
Chiều hướng giá cả đi ngang hoặc tiếp tục giảm xuống khiến các DN và người tiêu dùng gặp khó khăn hơn trong việc trả hết các khoản nợ còn lại từ cuộc khủng hoảng tài chính, đồng thời làm họ do dự hơn trong đầu tư và chi tiêu. ECB rất quan ngại điều này, bởi tấm gương Nhật Bản – nền kinh tế có thời 2 thập kỷ chìm trong đình trệ - luôn hiện hữu trước mắt. Sự phục hồi của Eurozone mới le lói dường như đã dừng lại. Và nếu khu vực này rơi vào một vòng xoáy giảm phát thì đây sẽ thực sự là một thảm họa.
Cần một mô hình tăng trưởng mới
Theo GS. David Woodruff, Trường London School of Economics and Political Science, những giải pháp mà ECB vừa đưa ra chưa chắc đã mang lại tác dụng. Bởi các giải pháp đưa ra mới chỉ nằm ở phía ECB và các ngân hàng. “Sẽ không có cách nào để đẩy tiền vào nền kinh tế trừ khi các DN và người tiêu dùng sẵn sàng vay mượn để đầu tư và chi tiêu” – GS. Woodruff nhìn nhận.
Các biện pháp hiện nay được thiết kế để khuyến khích các ngân hàng tích cực hơn trong việc tìm kiếm khách hàng vay. Điều này được thực hiện thông qua việc hạ thấp chi phí đi vay của các ngân hàng khi vay từ ECB với lãi suất thấp hơn trước, đồng thời sẽ tính phí đối với các khoản tiền mà các ngân hàng huy động về nhưng không cho vay ra.
Giới phân tích cho rằng, các ngân hàng đã thừa hiểu điều này. Nếu có các khách hàng tốt muốn vay thì các ngân hàng sẽ tự chủ động cho vay ra, chứ chẳng có nhu cầu để tiền huy động được ở kho làm gì. Nên thực sự, điều họ cần lúc này không phải là các khoản vay mới rẻ hơn từ ECB, mà là làm sao tìm được các khách hàng tốt để xử lý với các nguồn vốn hiện có.
“Điều cần làm lúc này không phải là các chính sách để giải quyết vấn đề của các bên cho vay là các ngân hàng mà làm sao để các khách hàng tiềm năng - tức DN và người tiêu dùng xóa bỏ được tâm lý quan ngại trước triển vọng ảm đạm của tăng trưởng khu vực hiện nay, từ đó mạnh dạn vay cho đầu tư và chi tiêu”, GS. Woodruff khuyến nghị.
Như vậy, một vấn đề rộng hơn được mở ra chứ không thuần nằm ở vấn đề đưa lãi suất thấp thêm xuống. Đó chính là làm sao phải xây dựng một mô hình tăng trưởng hợp lý hơn cho khu vực vốn luôn phải vật lộn với suy thoái kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu.
Bởi vậy, gánh nặng trên đôi vai ông Draghi hay các vị lãnh đạo khác của ECB là rất lớn. Chủ tịch đương nghiệm Draghi hay vị cựu Chủ tịch Jean-Claude Trichet đã làm được rất nhiều việc để giúp khu vực không suy thoái quá sâu. Những nỗ lực phối hợp giữa một CSTT nới lỏng và chính sách tài khóa (CSTK) thắt chặt trong suốt thời gian qua đã mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, nếu không có một mô hình tăng trưởng hợp lý hơn, e rằng có nỗ lực đến đâu thì kết quả cũng sẽ không mang lại những thay đổi lớn cho hiện trạng kinh tế khu vực hiện nay.
Theo GS. Woodruff, đã đến lúc phải hối thúc mạnh hơn các nước ngoại vi Eurozone phải trở thành các thực thể có tính cạnh tranh hơn thông qua cắt giảm chi phí và tạo động lực cho tăng trưởng thông qua xuất khẩu chứ không đơn thuần chỉ dựa vào nhu cầu trong nước. Về lâu dài, Eurozone cần từ bỏ ảo ảnh của sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như một vị cứu tinh.
Thay vào đó, cần những nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu bằng cách tăng chi tiêu chính phủ và thúc đẩy tăng trưởng tiền lương, từ đó tạo ra vòng xoáy đi lên của việc đi vay, cho vay và tăng trưởng. Một chính sách nghiêm túc để chống giảm phát đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa kích thích tiền tệ và kích thích tài khóa - một mô hình đang cho thấy những thành công bước đầu tại Nhật Bản.