Eurozone suy yếu
Khu vực đồng Euro (Eurozone) đang bị đình trệ, lạm phát thấp, thất nghiệp và nợ nần. Cuộc khủng hoảng có thể dễ dàng quay trở lại bởi vì khu vực châu Âu vẫn chưa sẵn sàng chịu đựng một cú sốc. Chúng ta không khó nhận ra rằng, một cú sốc như vậy có thể đến bất cứ lúc nào.
Quan hệ giữa phương Tây với Nga đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi vụ máy bay của Hãng hàng không Malaysia rơi tại Ukraine. Châu Âu và Mỹ ngày 29/7 đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và điều này cũng gây tổn thương cho châu Âu.
Eurozone cần phải có biện pháp để bảo đảm bản thân chống lại được các mối nguy hiểm: chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) làm tăng lạm phát; cải cách cơ cấu, đặc biệt không chỉ ở Pháp, Italy mà còn ở Đức và xu hướng nới lỏng ngân sách đang lan rộng.
Đầu tiên, hãy nhìn vào vấn đề. Thị trường tài chính đã tương đối yên tĩnh trong hai năm qua kể từ khi chủ tịch ECB - ông Mario Draghi cho biết, sẽ làm "bất cứ điều gì" để bảo vệ đồng Euro. Nhưng dường như khu vực châu Âu không tăng trưởng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 14/7 dự đoán rằng, tốc độ tăng trưởng khu vực trong năm nay sẽ thấp hơn 1%. Đó là một sự phục hồi đáng thương hại bởi suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một vài điểm sáng, Tây Ban Nha đang có sự phục hồi vừa phải, chủ yếu là kết quả của việc thực hiện cải cách triệt để thị trường lao động và hệ thống ngân hàng. Thậm chí Hy Lạp dường như trên con đường quay trở lại đỉnh cao vinh quang.
Nhưng về tổng thể, nền kinh tế của Eurozone vẫn chưa tốt. Năm nay, theo ước tính của IMF, tăng trưởng của Italy là 0,3%, Pháp là 0,7%, Đức tốt hơn khoảng 1,9%, nhưng có vẻ động cơ của Đức đang bị mất đà. Chỉ số tâm lý kinh doanh của Đức tính đến tháng 7 đã hạ 3 tháng liên tiếp.
Trong khi đó, lạm phát Eurozone là 0,5% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu trong gần 2% của ECB. Con số thấp như vậy sẽ gây ra hai hậu quả. Nó giúp giữ cho đồng euro mạnh, làm tổn hại đến triển vọng xuất khẩu và nó làm cho gánh nặng nợ trở nên khó chịu.
Giải pháp nào cho Eurozone?
Đáng lo ngại nhất là nợ của Italy, theo ước tính của Ủy ban châu Âu (EC), sẽ leo lên mức 135% GDP trong năm nay. Trừ khi sự tăng trưởng và lạm phát đi lên, các khoản vay của nước này không bền vững. Nếu nợ của Italy tăng lên đến 2.100 tỷ Euro (tương đương 2.800 tỷ USD) thì hậu quả mà rắc rối của nó gây ra sẽ rất khủng khiếp. Italy cần phải đẩy mạnh kế hoạch tư nhân hóa nhằm ngăn chặn những lo ngại rằng nợ của nước này có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Một số chính trị gia khu vực đồng Eurozone, đặc biệt là Pháp, dường như nghĩ rằng, giải pháp là nới lỏng cả chính sách tiền tệ và tài khóa.
Bây giờ lãi suất không thể giảm hơn nữa, ECB chắc chắn cần phải giới thiệu một chương trình nới lỏng định lượng - mua tài sản để tạo ra luồng tiền mới. Hiện thị trường vốn của Eurozone ở tình trạng kém phát triển. Điều này có nghĩa là cần phải mua trái phiếu chính phủ với số lượng lớn. Sẽ có hai lợi ích: Lạm phát sẽ tăng lên và tỷ giá sẽ giảm.
Đây cũng là trường hợp để Ủy ban châu Âu cung cấp thêm thời gian cho những quốc gia đang tham gia vào tiến trình cải tổ cơ cấu để đạt mục tiêu thâm hụt ngân sách. Cách tiếp cận này đã phát huy tác dụng đối với Tây Ban Nha. Nhưng ngay cả khi có thêm thời gian, điều này sẽ được sử dụng để tránh tăng thuế chứ không phải là để từ bỏ việc cắt giảm chi tiêu công cộng.
Hơn thế nữa, một chương trình chỉ dựa vào nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ lợi bất cập hại. Nó sẽ giảm áp lực đối với chính phủ trong việc tiến hành những thay đổi. Nguy cơ đối với sự phục hồi chỉ bị chậm lại chứ không chấm dứt. Và khi khủng hoảng lại quay trở lại nó sẽ gây hại hơn nữa.
Lo lắng lớn nhất là Pháp. Tổng thống François Hollande của Pháp đã làm quá ít để kiềm chế chi tiêu công hoặc tự do hóa thị trường lao động. Thủ tướng mới của Pháp, Manuel Valls đang cố gắng cải cách nền kinh tế nhưng ông lại thiếu sự hỗ trợ tận tình của tổng thống, Đảng Xã hội và người dân. Ít nhất là Italy biết được điều gì cần thay đổi và Thủ tướng Matteo Renzi đang cố gắng thực hiện điều này.
Ông Hollande bây giờ muốn đưa ông Pierre Moscovici, cựu Bộ trưởng Tài chính trở thành Chủ tịch mới của EC. Do cần phải giữ áp lực đối với Paris, điều này là một sai lầm khi để một người thợ săn trông coi khu rừng.
Ngược lại, ý tưởng đưa Luis De Guindos lên làm chủ tịch EC là một ý tưởng mới. Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha hiện đang ở một vị trí hoàn hảo để có thể giải thích cho đồng nghiệp giá trị của cải cách mang tính cơ cấu bởi Tây Ban Nha đang làm tốt điều này tại nước mình.
Bài học này là một cái gì đó Đức cũng nên ghi nhớ. Mặc dù từ đầu thế kỷ này, Berlin đã cải cách thị trường lao động và nước này đang ngủ quên trên vinh quang của mình. Điều quan trọng nhất là cần phải mở cửa thị trường dịch vụ lao động. Điều này sẽ mang đến thêm nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng Đức và mở cửa thị trường của Đức cho các nhà cung cấp từ các nước châu Âu khác, nhờ đó tăng tốc độ tăng trưởng của các quốc gia.
Nếu các chính phủ đang chuẩn bị để đẩy nhanh bánh xe cải cách cơ cấu, điều này không chỉ thúc đẩy EC nên gia hạn thêm thời gian cho những nước kiềm chế thâm hụt ngân sách của họ. ECB cũng nên giới thiệu thêm chính sách nới lỏng định lượng. Các nhà hoạch định chính sách nên sử dụng những ngày nghỉ hè để thống nhất về một hiệp ước bao gồm 3 yếu tố trên.