Ngày 25/11, dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Đức, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đệ trình một mô hình bảo hiểm tiền gửi (BHTG) chung (EDIS) cho toàn khu vực, đồng thời đề xuất các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng. EDIS được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố liên minh ngân hàng, qua đó bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và ổn định hệ thống tài chính.
Theo đó, EDIS sẽ được xây dựng và phát triển trong 3 giai đoạn: tái bảo hiểm mô hình BHTG quốc gia, sau đó chuyển sang đồng bảo hiểm và cuối cùng là bảo hiểm toàn bộ, dự kiến hoàn thành năm 2024. Mô hình này bao gồm các biện pháp xử lý cẩn trọng vấn đề “rủi ro đạo đức” và các rủi ro tiềm ẩn khác. Đặc biệt, một hệ thống BHTG quốc gia (DGS) chỉ có thể gia nhập EDIS nếu tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của EC.
Tái bảo hiểm: Theo đề nghị của EC, mô hình tái bảo hiểm sẽ kéo dài tới năm 2020. Trong giai đoạn này, các DGS chỉ có thể tiếp cận nguồn Quỹ của EDIS khi đã sử dụng hết nguồn lực, đồng thời tuân thủ các chỉ thị về BHTG. Trên cơ sở đó, EDIS sẽ xem xét trích Quỹ để cấp một lượng vốn nhất định hỗ trợ DGS. Việc sử dụng vốn từ EDIS sẽ được giám sát kỹ càng, trong trường hợp DGS sử dụng vốn không đúng mục đích sẽ phải hoàn trả EDIS.
Có thể nói, bước đầu tiên trong mô hình tái bảo hiểm sẽ làm suy yếu mối liên kết giữa các ngân hàng và chính phủ các quốc gia. Tuy nhiên, để đảm bảo tất cả tiền gửi cá nhân trong Liên minh ngân hàng được bảo vệ đồng đẳng, cần hướng đến bước tiếp theo – mô hình đồng bảo hiểm.
Đồng bảo hiểm: Sau 3 năm áp dụng mô hình tái bảo hiểm, đến 2020, EDIS sẽ dần tiến đến mô hình đồng bảo hiểm. Điểm khác biệt quan trọng của giai đoạn này là DGS sẽ không phải dùng hết nguồn quỹ trước khi được EDIS cấp vốn. Theo đó, EDIS sẵn sàng chia sẻ các chi phí phát sinh trong quá trình chi trả cho người gửi tiền. Đây cũng là một minh chứng về mức độ chia sẻ rủi ro cao giữa các DGS thông qua EDIS. Ban đầu, mức chia sẻ chi phí khởi điểm của EDIS sẽ tương đối thấp (20%) nhưng sẽ tăng dần trong 4 năm tiếp theo.
Bảo hiểm toàn bộ: Bằng việc dần dần tăng mức chia sẻ rủi ro lên tới 100%, EDIS sẽ có thể bảo hiểm cho toàn bộ hệ thống DGS đến năm 2024. Đây cũng là thời điểm Quỹ xử lý hợp nhất và các yêu cầu liên quan đến Chỉ thị về BHTG sẽ được triển khai đồng bộ.
Quỹ BHTG Châu Âu
Quỹ BHTG Châu Âu sẽ được xây dựng ngay từ đầu. Nguồn quỹ được hình thành từ việc đóng phí trực tiếp của các ngân hàng trên cơ sở rủi ro. Nhiệm vụ quản lý Quỹ sẽ được giao phó cho Hội đồng xử lý hợp nhất (SRB).
Các biện pháp giảm thiểu rủi ro
Song song với việc ra mắt EDIS và triển khai các đề xuất về mặt pháp lý, EC sẽ triển khai gói các biện pháp về giảm thiểu rủi ro để đảm bảo một sân chơi bình đẳng trong Liên minh ngân hàng, cụ thể:
- Cân nhắc áp dụng các nguyên tắc cẩn trọng để Cơ chế giám sát hợp nhất (SSM) có thể hoạt động một cách hiệu quả nhất.
- Hài hòa lợi ích giữa các hệ thống DGS quốc gia.
- Áp dụng các yếu tố trong khung pháp lý liên quan đến các ngân hàng trên phạm vi quốc tế, trong đó có hạn chế đòn bẩy ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn ổn định và tăng khả năng so sánh vốn điều chỉnh rủi ro, đặc biệt là thực hiện khuyến nghị của FSB về Khả năng chịu lỗ của các ngân hàng đến năm 2019 để có đủ các nguồn lực phù hợp đối phó với ngân hàng đổ vỡ mà không dùng đến thuế dân.
- Thi hành các quy định hiện hành về hạn chế sử dụng nguồn kinh phí công nhằm đảm bảo tính thanh khoản và tính đàn hồi trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.