Trong vòng 2 ngày, Voyager phải xóa bỏ mọi thông tin sai lệch về BHTG
Công văn liên tịch của FDIC và Fed chỉ rõ, một số lãnh đạo và người lao động của công ty Voyager đã truyền tải thông tin sai sự thật liên quan đến BHTG trong các tài liệu trực tuyến được đăng trên trang web, ứng dụng di động, các tài khoản mạng xã hội. Cụ thể là các thông tin nói rằng:
Voyager là tổ chức được bảo hiểm tiền gửi.
Nhà đầu tư tham gia vào các nền tảng đầu tư tiền mã hóa của Voyager sẽ được FDIC bảo hiểm theo hạn mức đối với mọi khoản tiền gửi.
Trong trường hợp Voyager bị phá sản, FDIC sẽ đứng ra trả tiền bảo hiểm cho khách hàng của công ty này.
Theo FDIC và Fed, những thông tin sai lệch này đã gây ra hiểu lầm đối với khách hàng, dẫn tới việc khi Voyager bị phá sản, khách hàng đã mất quyền kiểm soát đối với các tài sản và tiền của họ đặt tại công ty này.
Đạo luật Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang cấm bất kỳ cá nhân hoặc người đại diện tổ chức nào ngụ ý sai trái về việc một tài khoản tiền gửi được bảo hiểm, cố ý trình bày sai về mức độ và cách thức mà trách nhiệm tiền gửi, nghĩa vụ đối với trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi hoặc cổ phần được bảo hiểm. FDIC được ủy quyền thực thi lệnh cấm.
Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được công văn, Voyager phải trả lời bằng văn bản, xác nhận với FDIC và Hội đồng Thống đốc rằng công ty này đã tuân thủ đầy đủ mọi yêu cầu. Văn bản xác nhận của Voyager phải thể hiện chi tiết những nỗ lực được thực hiện để xác định các văn bản có nội dung vi phạm, hành động xóa bỏ nội dung vi phạm khỏi trang web hoặc nền tảng hiển thị. Nếu không đồng tình với yêu cầu nói trên, trong vòng 2 ngày, Voyager có quyền phản hồi để khẳng định sự đúng đắn của mình và phải cung cấp các dữ liệu, văn bản, bằng chứng nhằm bảo vệ tính chính xác đối với những nội dung mà Voyager đã đăng tải.
FDIC khuyến nghị các tổ chức tham gia BHTG trong việc liên kết với công ty tài sản mã hóa
Ngày 29/7, FDIC đã ban hành một văn bản khuyến nghị đối với các tổ chức tham gia BHTG có hoạt động liên kết hoặc liên quan tới các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài sản mã hóa. Theo đó, FDIC bày tỏ một số lo ngại về nguy cơ khách hàng có thể bị nhiễu loạn thông tin hoặc bị phương hại về quyền lợi khi các tài sản mã hóa được các công ty cung cấp có mối liên hệ với các tổ chức tham gia BHTG. Nguy cơ nhầm lẫn càng cao hơn trong trường hợp một tổ chức phi ngân hàng cung cấp dịch vụ hoặc tài sản mã hóa phục vụ những khách hàng chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, đồng thời cung cấp các sản phẩm tiền gửi liên kết ngân hàng – sản phẩm sẽ thuộc phạm vi bảo hiểm tiền gửi.
Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng tổ chức phi ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực tài sản mã hóa cung cấp những thông tin, diễn giải không chính xác về chính sách BHTG. Điều này khiến cho khách hàng bị nhầm lẫn, cho rằng mình được bảo vệ khỏi các thiệt hại trong trường hợp tổ chức phi ngân hàng đó phá sản. Đặc biệt, những khách hàng chưa từng sử dụng dịch vụ ngân hàng khó có thể hiểu được quan hệ giữa các ngân hàng – tổ chức tham gia BHTG với tổ chức phi ngân hàng trong vấn đề BHTG.
Theo FDIC, hai nội dung chính mà khách hàng của các công ty tài sản mã hóa có thể bị nhầm lẫn về thời điểm FDIC chi trả BHTG và những sản phẩm tiền gửi được FDIC bảo hiểm. Cơ quan này nhấn mạnh, FDIC chỉ chi trả BHTG trong trường hợp ngân hàng tham gia BHTG bị phá sản, song không thể bảo vệ các khách hàng của các tổ chức phi ngân hàng không tham gia BHTG trong trường hợp tổ chức này bị đổ vỡ. Hiện nay, đã xuất hiện những hình thái tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực tài sản điện tử, thực hiện những hoạt động gần như tương tự với ngân hàng và được gọi là “ngân hàng kiểu mới”, song hoàn toàn không phải là ngân hàng, không tham gia BHTG. Bên cạnh đó, FDIC cũng chỉ bảo hiểm cho các sản phẩm tiền gửi do tổ chức tham gia BHTG cung cấp cho khách hàng như tài khoản séc, tài khoản tiết kiệm. Cơ chế BHTG không áp dụng cho các sản phẩm khác như chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu, tài sản mã hóa…
FDIC lo ngại về tình huống ngân hàng đã tham gia BHTG có công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài sản mã hóa hoặc công ty đối tác của ngân hàng đưa ra thông tin sai lệch về BHTG. Đây là tình huống có thể dẫn tới những rủi ro pháp lý. Hơn thế, việc khách hàng nhận được thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn về BHTG có thể khiến họ rút tiền khỏi các ngân hàng, tạo ra nguy cơ về thanh khoản đối với các tổ chức tham gia BHTG.
Với những vấn đề nói trên, FDIC khuyến cáo các tổ chức tham gia BHTG cần chấn chỉnh hoạt động quản trị rủi ro và quá trình đưa ra quyết sách. Các ngân hàng cần phải nắm rõ cơ chế hoạt động của FDIC, đồng thời đánh giá, quản lý, kiểm soát các rủi ro phát sinh từ mối quan hệ với bên thứ ba, bao gồm các mối quan hệ với công ty tài sản mã hóa. Trong giao dịch giữa ngân hàng với công ty tài sản mã hóa, các ngân hàng cần giám sát và đảm bảo rằng các đối tác không diễn giải, truyền thông sai lệch về chính sách BHTG và cần có giải pháp nhằm giải quyết các thông tin sai lệch (nếu có).
Các ngân hàng cần đảm bảo thông tin về BHTG phải rõ ràng, dễ tiếp cận. Các tổ chức phi ngân hàng bao gồm cả các công ty tài sản mã hóa, khi phối hợp với ngân hàng để truyền thông, quảng cáo hoặc cung cấp các sản phẩm tiền gửi thuộc phạm vi bảo hiểm của FDIC cần hạn chế nhầm lẫn đối với khách hàng. Cụ thể, các công ty này cần tuyên bố rằng họ không phải là tổ chức tham gia BHTG, xác định rằng người gửi tiền được bảo hiểm khi họ sử dụng dịch vụ tiền gửi của ngân hàng đã tham gia BHTG, đồng thời thông báo rằng tài sản mã hóa không được FDIC bảo hiểm và có thể bị mất giá trị. Về phần mình, các ngân hàng có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các tài liệu tiếp thị của tổ chức phi ngân hàng có liên quan.
Để hoạt động an toàn và lành mạnh, các tổ chức tham gia BHTG cần có biện pháp quản lý rủi ro phù hợp thông qua các chính sách và quy trình để đảm bảo các khoản tiền gửi hay các dịch vụ khác liên quan tới các bên thứ ba, bao gồm cả công ty tài sản mã hóa, phải tuân thủ quy định của pháp luật.
FDIC cảnh báo, cơ quan liên bang này đã ban hành các quy định nhằm kiểm soát, xử lý việc truyền tải thông tin sai lệch về BHTG, trong đó có quảng cáo sai sự thật, diễn giải sai lệch về tiền gửi được bảo hiểm, sử dụng tên gọi hoặc nhận diện của FDIC sai mục đích. Các quy định nói trên không chỉ áp dụng với các tổ chức tham gia BHTG mà còn cả với các tổ chức phi ngân hàng, trong đó có các công ty tài sản mã hóa. Các ngân hàng có liên kết với bên thứ ba cần quản lý rủi ro liên quan tới việc tuân thủ quy định nói trên.
Bên cạnh việc cảnh báo các tổ chức tham gia BHTG, FDIC cũng đã phát hành một tài liệu tới công chúng với tiêu đề: Những điều cần biết về cơ chế BHTG và các công ty tài sản mã hóa. Trong tài liệu này, FDIC nhấn mạnh những thông tin cơ bản về phạm vi BHTG, các sản phẩm thuộc phạm vi này cũng như những rủi ro khi không nằm trong phạm vi BHTG. Qua đó, công chúng có thể nắm được nội dung chính sách BHTG, phân biệt sản phẩm tài chính mà mình đang sử dụng có được FDIC bảo vệ hay không.
Lý Sơn
Tài liệu tham khảo:
https://www.fdic.gov/news/press-releases/2022/pr22056.html
https://www.fdic.gov/news/press-releases/2022/pr22056a.pdf
https://www.fdic.gov/news/financial-institution-letters/2022/fil22035.html
https://www.fdic.gov/news/press-releases/2022/pr22056.html
https://www.fdic.gov/news/press-releases/2022/pr22058.html