Theo FDIC, các ngân hàng thương mại và tổ chức tiết kiệm là thành viên của FDIC đã đạt mức thu nhập ròng 35,3 tỷ USD, cao hơn nhiều so với giá trị 28,8 tỷ đô la cùng kỳ năm 2011. Đây là quý thứ 11 liên tiếp khối ngân hàng Mỹ do FDIC bảo hiểm có kết quả kinh doanh tăng trưởng dương với nhiều điểm sáng.
Ông Martin J. Gruenberg, Quyền Chủ tịch FDIC cho biết "điều kiện ngành ngân hàng tiếp tục được cải thiện. Các tổ chức tham gia BHTG đã đạt được những tiến bộ vững chắc trong việc giải quyết nợ xấu, cải thiện giá trị ròng và gia tăng lợi nhuận."
Số tổ chức thuộc diện “có vấn đề” đã giảm từ 813 trong quý 1 năm 2011 xuống còn 772 trong quý 1 năm 2012 (giảm 41 tổ chức). Đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009. Tổng tài sản của các tổ chức "có vấn đề" cũng giảm từ 319 tỷ USD xuống 292 tỷ USD. Trong ba tháng đầu năm 2012, chỉ có 16 tổ chức đổ vỡ và phần lớn là tổ chức nhỏ - mức thấp nhất trong một quý kể từ quý IV/2008. Kết thúc tháng 3/2012, giá trị ròng của Quỹ BHTG (DIF) tăng lên 15,3 tỷ USD từ mức 11,8 tỷ USD cuối năm 2011. Thu nhập từ nguồn thu phí BHTG tăng cùng với số vụ đổ vỡ ngân hàng giảm tiếp tục tạo đà tăng trưởng tích cực cho DIF. Dự phòng thua lỗ - vốn dùng để trang trải các chi phí đổ vỡ dự kiến cũng giảm xuống còn 5,3 tỷ USD so với mức dự phòng 6,5 tỷ trong quý I. Tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm ước tính tăng 0,7% trong quý I. Tỷ lệ dự phòng Quỹ DIF tính đến hết tháng 3/2012 là 0,22% - tiếp tục cải thiện từ đà tăng trưởng dương trong suốt ba quý trước.
Tuy nhiên, dòng tiền chảy vào tài khoản tiền gửi được bảo hiểm có xu hướng chậm lại. Trong quý 1, tiền gửi tăng 67,8 tỷ đô la (tức khoảng 0,8%), thấp hơn nhiều mức tăng trên 200 tỷ đô la/ quý trong giai đoạn ba quý trước. Cân đối tại các tài khoản giao dịch lớn không hưởng lãi có hạn mức BHTG tạm thời không giới hạn cũng giảm 77,3 tỷ USD. Ngược lại với xu hướng của ba quý trước, cân đối tại các tài khoản này tăng hơn 532 tỷ USD. Phần lớn mức giảm trong quý 1 năm 2012 xảy ra ở một số ngân hàng lớn trước đây chiếm tỷ lệ dòng tiền chảy vào rất cao. Cân đối tại các tài khoản tiền gửi hưởng lãi tăng 100,1 tỷ đô la.
Quyền Chủ tịch FDIC, Ông Gruenberg chia sẻ "Các chỉ số củng cố tài chính và chất lượng tài sản nhìn chung tiếp tục được cải thiện trong quý 1/2012. Rõ ràng, quá trình phục hồi vẫn đang diễn ra. Tuy vậy, điều kiện tài chính được cải thiện của ngành ngân hàng vẫn chưa chuyển biến theo hướng tăng trưởng tín dụng bền vững. FDIC vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ các chỉ số này."