Cụ thể, Báo cáo thường niên cung cấp tổng quan về các mục tiêu và chương trình hành động của FDIC trong năm qua, cũng như tình hình tài chính, quỹ BHTG, và các tổ chức tài chính tham gia bảo hiểm tiền gửi. Báo cáo nêu bật những kết quả nổi bật của FDIC trong năm qua, bao gồm:
Thứ nhất, nhận thấy đại dịch Covid-19 khiến cho việc mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của phần lớn người Mỹ dễ bị tổn thương nhất trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, trong năm 2021, FDIC đã triển khai một số chương trình nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính toàn diện như: Chương trình “Cuộc đua công nghệ” nhằm khám phá các công nghệ và kỹ thuật mới, giúp mở rộng khả năng đáp ứng các nhu cầu của các cá nhân và hộ gia đình chưa tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Trọng tâm của “cuộc đua” là nhằm xác định các biện pháp, dữ liệu, công cụ hoặc các khả năng giúp gia tăng hiểu biết về khả năng phục hồi thật sự của ngân hàng đối với bất kỳ rủi ro gián đoạn hoạt động. Những công cụ này cũng giúp các ngân hàng và đối tác xây dựng, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ hiệu quả và linh hoạt hơn. Chiến dịch nâng cao nhận thức công chúng có tên là #GetBanked tại Atlanta và Houston nhằm cung cấp thông tin cho khách hàng về những lợi ích của việc sử dụng dịch vụ ngân hàng; Tiếp tục phát triển chương trình giáo dục tài chính Money Smart trong suốt năm vừa qua với hơn 1.500 tổ chức đối tác tham gia “Liên minh Money Smart” nhằm trang bị cho khách hàng thông tin về quản lý tài chính cá nhân.
Thứ hai, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn trong bối cảnh công nghệ thay đổi với tốc độ nhanh chóng và nhu cầu của người tiêu dùng am hiểu công nghệ ngày càng tăng, FDIC đã phát động một cuộc cạnh tranh công nghệ với sự tham gia của hơn 30 công ty công nghệ với mục tiêu phát triển công cụ nhằm cung cấp số liệu kịp thời và chi tiết hơn cho FDIC về tình hình tài chính của các ngân hàng đồng thời qua đó giúp giảm gánh nặng báo cáo cho các ngân hàng. FDIC cũng đã tạo điều kiện phát triển tổ chức công/tư chuyên về xây dựng tiêu chuẩn để thiết lập những chuẩn mực nhằm giúp thẩm định các nhà cung cấp và công nghệ của họ.
Thứ ba, nhằm khuyến khích và phát triển các tổ chức nhận tiền gửi thiểu số (MDI), trong năm 2021, FDIC đã phê duyệt Chính sách riêng dành cho MDI và cho ra mắt “Quỹ Định hướng Sứ mệnh Ngân hàng”, một quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ tổ chức nhận tiền gửi của nhóm sắc tộc thiểu số và tổ chức tài chính phát triển cộng đồng. Theo đó, Quỹ chỉ đầu tư, hỗ trợ cho các ngân hàng phục vụ cộng đồng da màu thiểu số, những người có thu nhập thấp hoặc ở khu vực nông thôn và giúp các ngân hàng này giải quyết tình trạng thiếu vốn dài hạn. Việc Quỹ tập trung đầu tư nguồn vốn dài hạn giúp các ngân hàng linh hoạt trong việc cung cấp vốn vay và tạo ra lợi nhuận, từ đó gián tiếp giúp hạn chế sự bất bình đẳng kinh tế do phân biệt chủng tộc gây ra. Đây là một trong những biện pháp mang tính đổi mới, sáng tạo của FDIC trong việc tăng cường vai trò của hệ thống MDI trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sự công bằng, chống phân biệt chủng tộc tại quốc gia này.
Thứ tư, quỹ BHTG của FDIC đã tăng lên mức kỷ lục là 123,1 tỷ USD vào năm 2021, tăng 5,2 tỷ USD so với cuối năm 2020. Không có một tổ chức tài chính tham gia bảo hiểm tiền gửi nào bị đổ vỡ trong năm 2021.
Ngoài ra, cũng trong Quý 1/2022, FDIC cũng đã công bố 04 chính sách ưu tiên chính của FDIC trong năm 2022, bao gồm:
Thứ nhất, cải thiện và tăng cường Luật tái đầu tư vào cộng đồng. Theo đó, FDIC sẽ phối hợp cùng các cơ quan quản lý ngân hàng liên bang tiến hành sửa đổi các quy tắc để thực hiện luật này; đồng thời, lên kế hoạch về việc thông báo và lấy ý kiến công chúng đối với những quy định sửa đổi.
Thứ hai, ưu tiên xử lý các rủi ro tài chính do biến đổi khí hậu gây ra. Các hoạt động bao gồm: (i) lấy ý kiến công chúng về các hướng dẫn nhằm giúp ngân hàng quản lý những rủi ro này; (ii) thành lập nhóm làm việc liên liên bộ phận của FDIC nhằm nghiên cứu vấn đề rủi ro tài chính do biến đổi khí hậu và (iii) tham gia phối hợp với các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát quốc tế về xanh hóa hệ thống tài chính.
Thứ ba, rà soát và đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật sáp nhập ngân hàng bởi luật này chưa được đánh giá lại trong vòng 25 năm qua và việc sáp nhập ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xử lý và góp phần đảm bảo sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Thứ tư, đánh giá những rủi ro liên quan đến tài sản tiền điện tử hiện đang phát triển mạnh trong hệ thống tài chính nước này. Các cơ quan quản lý dự kiến cung cấp hướng dẫn cho các ngân hàng về quản lý rủi ro trong bảo vệ người gửi tiêu dùng và quy định an toàn đối với hoạt động liên quan đến loại tài sản này. Trong tháng 5/2022, FDIC đã phát hành thông báo yêu cầu các tổ chức tài chính do FDIC giám sát phải báo cáo cho FDIC nếu họ có ý định tham gia hoặc hiện đang tham gia các hoạt động liên quan đến “tiền điện tử”, đồng thời mô tả chi tiết hoạt động và đề xuất thời gian hoạt động.