Tuyên bố chính sách trong xây dựng, đánh giá các quy định quản lý
Từ lâu, FDIC đã có chính sách thực thi các quy định liên quan theo cách thức giảm gánh nặng và ảnh hưởng ở mức thấp nhất có thể, phù hợp với Tuyên bố chính sách của cơ quan này trong việc xây dựng và đánh giá các cơ sở pháp lý và cơ chế hiện hành liên quan đến lĩnh vực mà FDIC quản lý. Tuyên bố này được ghi rõ trong Quy định số 63 (năm 1998), theo đó thừa nhận hai điểm: FDIC cam kết giảm thiểu các gánh nặng thủ tục hành chính và loại bỏ các văn bản con không cần thiết và không phù hợp trong công tác quản lý công và hoạt động ngành ngân hàng; và FDIC đảm bảo rằng các quy định và chính sách liên quan phải đạt được mục tiêu quản lý hiệu quả.
Tuyên bố chính sách cũng khẳng định FDIC sẽ định kỳ thực hiện công tác đánh giá các văn bản pháp lý liên quan hiện hành và các cam kết chính sách nhằm đảm bảo những văn bản pháp lý hiện vẫn đang lưu hành, còn hiệu lực, có hiệu quả, và đáp ứng được các nguyên tắc mà Tuyên bố chính sách đề ra. Mục đích của của hoạt động đánh giá này tới đây là nhằm xác định cách thức sửa đổi các quy định theo hướng phù hợp với các nguyên tắc bổ sung, gắn chặt với những phân tích chi phí - lợi ích và những nội dung quan trọng khác; và để giảm gánh nặng và tránh chồng chéo trong công tác quản lý.
Đánh giá và cập nhật các quy định chịu sự điều chỉnh của Luật Dodd-Frank
Nằm một phần trong hoạt động thực hiện các quy định mới của Luật Cải cách Phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng tài chính mang tên Dodd-Frank ("Dodd-Frank Act"), FDIC đang tham gia vào các hoạt động đánh giá các văn bản hiện pháp lý hiện hành và các quy định mới chịu sự điều chỉnh của Luật Dodd-Frank. Hiện FDIC đang cập nhật, giản hóa hay bãi bỏ một số quy định liên quan sao cho phù hợp với những nội dung yêu cầu được nêu trong Luật Dodd-Frank. Theo yêu cầu về nội dung xây dựng các quy định chi tiết cho các điều khoản trong Dodd-Frank Act, FDIC đã phối hợp với các cơ quan quản lý tài chính khác để đảm bảo tính nhất quán và tránh sự lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Đặc biệt, FDIC luôn cầu thị thông qua việc tham vấn ý kiến công chúng trong mỗi giai đoạn của quá trình xây dựng các văn bản quy định pháp lý mới và ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết nội dung của Luật Dodd-Frank. Những nỗ lực này vẫn đang được tiếp tục thực hiện.
Đánh giá tác động đối với các ngân hàng cộng đồng
FDIC thực thi sáng kiến ngân hàng cộng đồng theo hướng việc đánh giá được thực hiện đối với cả quy trình giám sát và xây dựng văn bản pháp lý. Điều này cho phép nâng cao sự hiểu biết về những thách thức và cơ hội đối với các ngân hàng cộng đồng. Cơ quan này lên kế hoạch tổ chức hội nghị vào đầu năm 2012 với chủ đề “Tương lai của ngân hàng cộng đồng và củng cố sự tiến bộ của các ngân hàng cộng đồng trong vòng 20 năm qua”. FDIC lý giải những tiến bộ cần phải được liên tục cập nhật và củng cố, chẳng hạn những thay đổi trong các mô hình kinh doanh và các cơ cấu chi phí để từ đó đề xuất các bài học kinh nghiệm thu được. FDIC cũng đánh giá những thách thức chính mà các ngân hàng cộng đồng phải đối mặt, như vấn đề tăng vốn, đón đầu công nghệ, thu hút nhân tài, và khả năng đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ quản lý. Bên cạnh đó, FDIC đang tiến hành đánh giá các hoạt động quản lý rủi ro và các thông lệ giám sát tuân thủ để tìm ra cách thức hay giúp quy trình này được thực hiện hiệu quả hơn. FDIC có quá trình tiếp cận trực tiếp và một cơ chế đối thoại mở thông qua việc tổ chức hàng loạt các cuộc thảo luận bàn tròn với các ngân hàng cộng đồng trên khắp nước Mỹ để thu thập ý kiến đóng góp cho vấn đề này. Nỗ lực toàn diện này dành cho các ngân hàng cộng đồng sẽ là một ưu tiên lớn của FDIC trong năm 2012.
Giản hóa và minh bạch trong xây dựng văn bản, quy định liên quan
FDIC đã thực hiện một số bước đi quan trọng nhằm giảm gánh nặng và tăng cường tính minh bạch trong xây dựng các văn bản, quy định. Cụ thể, FDIC tiến hành một đợt đánh giá trong năm 2011 đối với các bản hỏi và các báo cáo do các ngân hàng nộp cho cơ quan này, từ đó đưa ra những thay đổi với mục tiêu giản hóa quy trình cung cấp thông tin, tăng cường áp dụng công nghệ và sử dụng tính năng tiếp nhận và xử lý thông tin tự động. Để các tổ chức nhỏ hơn dễ dàng hiểu được tác động của những thay đổi trong quản lý, FDIC đã bổ sung một tuyên bố đặt ở đầu mỗi Thư gửi các tổ chức tài chính (Financial Institution Letter) - một công cụ được sử dụng để thông báo cho các ngân hàng về sự thay đổi hay thông báo hướng dẫn mới liên quan đến công tác quản lý và giám sát). FDIC cũng áp dụng một số biện pháp nhằm thúc đẩy tính minh bạch trong quy trình xây dựng các quy định, bao gồm các cuộc thảo luận bàn tròn công khai về các vấn đề thực thi Luật Dodd-Frank qua webcast; thiết lập một hòm thư riêng để thu thập và đưa thông tin, ý kiến góp ý của công chúng lên trang web của FDIC…
Phân tích chi phí - lợi ích của quy trình xây dựng các quy định
Trong quy trình xây dựng quy định chung, FDIC tiếp tục tập trung vào vấn đề chi phí và lợi ích tiềm năng của các quy định mà cơ quan này đã thông qua. Một số quy định giúp đảm bảo rằng các cơ quan quản lý phải xem xét và thực hiện việc giảm gánh nặng trong khâu quản lý, chẳng hạn, Luật linh hoạt trong quản lý, Luật phát triển cộng đồng và cải thiện công tác quản lý, và Luật công bằng trong thực thi quản lý doanh nghiệp nhỏ. FDIC đặt ra yêu cầu bắt buộc phải phân tích tác động của một quy định mới được đề xuất đối với các tổ chức nhận tiền gửi, các khách hàng của các tổ chức nhận tiền gửi, một số tổ chức nhận tiền gửi quy mô nhỏ, và yếu tố cạnh tranh trong ngành. FDIC đang xem xét hiệu quả của các quy định liên quan đến cạnh tranh trong ngành ngân hàng và cụ thể sẽ phân tích tính hiệu quả đối với các ngân hàng cùng khả năng tăng vốn của họ. Hiện FDIC đang thực hiện ba dự án xây dựng dự thảo quy định. Kết quả báo cáo của thanh tra độc lập mới nhất khẳng định rằng FDIC đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý tài chính khác trong việc đảm bảo một nỗ lực chung trong quá trình xây dựng các quy định, thực hiện nghiêm túc các phân tích định lượng các dữ liệu liên quan, và xem xét các cách thức thay tế đối với các dự thảo quy định.
FDIC sẽ tiến hành đánh giá toàn diện các quy định hiện hành nhằm xác định những quy định đã lỗi thời, không phù hợp và tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp, tổ chức tài chính và khách hàng. Điều này, theo Luật pháp Mỹ, cũng được quy định cụ thể trong Luật tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu thủ tục giấy tờ trong quản lý (EGRPRA). Theo thông lệ và yêu cầu bắt buộc được ghi trong EGRPA, FDIC sẽ đánh giá toàn bộ các quy định hiện hành theo chu kỳ 10 năm một lần. Lần gần đây nhất được cơ quan này thực hiện vào năm 2006 và lần đánh giá tiếp sẽ phải được thực hiện trong năm 2016. Để chuẩn bị cho quá trình đánh giá toàn diện các cơ sở pháp lý hiện hành liên quan, FDIC sẽ thông báo công khai nội dung này với công chúng nhằm mục đích lấy ý kiến tham vấn vào đầu năm 2012. |