Dựa trên hệ thống này, vào cuối mỗi ngày làm việc, ngân hàng có thể tính toán chính xác số tài khoản tiền gửi được bảo hiểm và tài khoản tiền gửi không được bảo hiểm mà mình đang quản lý. Trong trường hợp đột ngột đổ vỡ, ngân hàng phải có khả năng cung cấp ngay lập tức dữ liệu tài khoản tiền gửi này cho FDIC.
Theo FDIC, ngân hàng được coi là lớn và chịu sự điều chỉnh của quy định này khi thỏa mãn ít nhất 1 trong số các tiêu chí sau
- Đang nắm giữ trên 2 triệu USD tiền gửi được bảo hiểm
- Đang nắm giữ trên 250 ngàn tài khoản tiền gửi
- Có tổng tài sản trên 20 tỷ USD
FDIC đặt mục tiêu chi trả BHTG sớm nhất có thể đối với những ngân hàng đổ vỡ
Luật BHTG Mỹ quy định, khi ngân hàng đổ vỡ, FDIC phải thực hiện chi trả tiền bảo hiểm “càng sớm càng tốt”, nhưng không chỉ ra một thời hạn cụ thể nào. Tuy nhiên, FDIC luôn cố gắng chi trả ngay trong ngày làm việc liền sau ngày vụ đổ vỡ xảy ra (trong trường hợp vụ đổ vỡ diễn ra vào thứ Sáu, FDIC sẽ sẵn sàng chi trả vào thứ Hai tuần tiếp theo). Triết lý trong việc chi trả nhanh chóng của FDIC là:
- Chi trả bảo hiểm nhanh chóng sẽ gia tăng niềm tin công chúng vào sự bảo vệ của FDIC cũng như niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.
- Kịp thời đáp ứng những nhu cầu tài chính của người gửi tiền
- Nếu trì hoãn chi trả tiền bảo hiểm – đặc biệt là trong trường hợp một trong những tổ chức tham gia BHTG lớn nhất bị đổ vỡ - sẽ gây ra hậu quả hệ thống và phương hại đến nền kinh tế.
- Chậm trễ chi trả BHTG sẽ làm giảm giá trị nhượng quyền thương mại của ngân hàng bị đổ vỡ, từ đó làm tăng chi phí FDIC phải bỏ ra khi xử lý ngân hàng.
Tuy nhiên, với những ngân hàng có số lượng tài khoản tiền gửi lớn, nếu dữ liệu tiền gửi của ngân hàng không rõ ràng hoặc không đầy đủ, FDIC có thể sẽ chậm trễ trong việc chi trả. Quy định đang được đề xuất này được kỳ vọng sẽ giúp FDIC tính toán và thực hiện chi trả bảo hiểm tiền gửi nhanh chóng, chính xác hơn.
Những yêu cầu của thực tế: FDIC cần những dữ liệu tốt hơn từ các ngân hàng lớn
Năm 2005, FDIC đánh giá: các tổ chức tín dụng ngày càng phình to, đặc biệt là qua quá trình sáp nhập, khiến chúng trở nên ngày một phức tạp hơn, nhiều tài khoản tiền gửi hơn, sự phân tán về địa lý ngày một rộng hơn, cùng với sự đa dạng của các hệ thống dữ liệu sau khi sáp nhập… Mùa hè năm 2008, FDIC đã đưa ra một quy định yêu cầu các ngân hàng lớn phải đưa ra những quy trình quản lý mới, nhằm giúp FDIC dễ dàng phân loại tài khoản tiền gửi.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính cùng làn sóng các ngân hàng đổ vỡ đã khiến FDIC nhận ra rằng chính sách này là chưa đủ hiệu quả nhằm giảm bớt sự phức tạp khi một ngân hàng lớn bị đổ vỡ. Nhóm các ngân hàng lớn nhất cần có nhiều cải thiện hơn nữa trong dự phòng những vụ đổ vỡ bất ngờ.
Theo số liệu FDIC đưa ra, từ đầu năm 2008 tới nay, hơn 500 ngân hàng tại Mỹ đã đổ vỡ, trong đó có cả những ngân hàng lớn, với tổng tài sản lên tới 696 tỷ USD. Trong vụ đổ vỡ đột ngột của hai ngân hàng lớn: Washington Mutual và Wachovia, FDIC có rất ít thời gian để chuẩn bị và phản ứng. Các chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy đến sẽ càng khắc nghiệt và khó vượt qua hơn. Trong khi đó, từ tháng 6/2008 tới tháng 12/2014, ngân hàng đang nắm giữ nhiều tài khoản tiền gửi nhất tại Mỹ đã tăng 42% số tài khoản tiền gửi, lên tới 84,5 triệu tài khoản; số lượng tài khoản tiền gửi tại của 10 ngân hàng lớn nhất cũng tăng 25%. FDIC cho rằng với việc các ngân hàng đang trở nên lớn hơn rất nhiều, cùng sự gia tăng nhanh chóng của số lượng cũng như độ phức tạp của các tài khoản tiền gửi, nếu có ngân hàng đổ vỡ, sẽ rất khó khăn để đưa ra một quyết định chi trả nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm độ chính xác cao.
Quan trọng hơn, cơ chế thông tin và dữ liệu hiện tại cũng bộc lộ những bất cập. Với dữ liệu từ các ngân hàng đang tuân thủ quy định đưa ra năm 2008, FDIC phát hiện ra một số số liệu không đầy đủ hoặc bị khuyết thiếu.
Về mặt kỹ thuật, sau khi ngân hàng bị đổ vỡ, một lượng thông tin rất lớn về các tài khoản tiền gửi sẽ cần phải chuyển từ hệ thống IT của ngân hàng tới hệ thống IT của FDIC, sau đó FDIC mới có thể xử lý dữ liệu. Đây có thể là một thách thức đối với mục tiêu thực hiện chi trả nhanh chóng, chính xác của FDIC. Tình thế có thể sẽ trở nên đặc biệt phức tạp nếu ngân hàng đổ vỡ có nhiều loại hình tiền gửi khác nhau, từ nhiều đối tượng gửi tiền khác nhau.
Các ngân hàng có thể sẽ phản đối đề xuất mới của FDIC
Trong văn bản đề xuất được đăng tải, FDIC yêu cầu các ngân hàng liệt kê chi tiết những khó khăn, thách thức mà họ phải đối mặt nếu áp dụng quy định mới, bao gồm các chi phí bổ sung cũng như phương án của các ngân hàng này nhằm giảm nhẹ các chi phí. Đây được cho là trở ngại lớn nhất đối với quy định mới. Một bài báo trên Reuters tin rằng đề xuất sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các ngân hàng lớn. Trước đây, các ngân hàng này cũng đã từng cũng như đã từng phản đối những quy định khiến chi phí mềm tăng lên và cho rằng như vậy là rút cạn nhựa sống của một trong những ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận nhiều nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Hiện, đề xuất này đã được công bố toàn văn để các ngân hàng thảo luận và phản hồi ý kiến. Sau thời hạn 90 ngày kể từ khi công bố, FDIC sẽ tổng hợp ý kiến của các ngân hàng và Ban lãnh đạo FDIC sẽ nhóm họp để bỏ phiếu quyết định có chính thức áp dụng quy định mới hay không. Dự kiến, nếu được thông qua, quy định này sẽ tác động tới 37 ngân hàng Mỹ cũng như nhiều ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Mỹ, trong khi các ngân hàng cộng đồng không nằm trong phạm vi điều chỉnh.
Tô Lịch
Tài liệu tham khảo:
https://www.fdic.gov/news/board/2015/2015-04-21_notice_dis_a_fr.pdf
http://www.nasdaq.com/article/fdic-to-propose-rule-to-help-big-banks-handle-failure-20150421-00861
http://ww2.cfo.com/cash-management/2015/04/fdic-wants-better-information-depositors/