Nội dung hồ sơ khởi kiện của FDIC cho biết, là 1 trong 9 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, BoA phải đánh giá rủi ro dựa trên hướng dẫn của FDIC. Tuy vậy, ngân hàng này đã không áp dụng đúng quy định, dẫn tới tính sai mức phí BHTG. Đây là lần đầu tiên trong hơn hai thập kỉ qua, FDIC khởi kiện một ngân hàng để truy thu phí bảo hiểm. Hồ sơ khởi kiện của FDIC cũng cho biết, tính tới ngày 30.9.2016 tổng Quỹ BHTG đáng lẽ phải đạt 82 tỉ đô-la Mỹ, nhưng do thiếu khoản phí BoA đáng ra phải nộp, Quỹ này chỉ đạt mức dưới 81 tỷ đô-la Mỹ.
Ngày 1.12.2016, BoA đã cung cấp cho FDIC các dữ liệu chính xác về rủi ro đối tác của mình. Dữ liệu này cho thấy, trong gần hai năm, ngân hàng BoA đã kê khai không đầy đủ phí BHTG phải nộp do chưa cộng tất cả rủi ro đối với 20 đối tác lớn nhất của mình. Theo tính toán, số phí BHTG mà ngân hàng BoA nộp thiếu cho FDIC là khoảng 542 triệu đô-la Mỹ.
Về phần mình, đại diện BoA khẳng định luôn tuân thủ đầy đủ các quy định và đây chỉ là một sự bất đồng về mặt kỹ thuật. Cụ thể, BoA phân trần, năm 2014, FDIC đã sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến việc đánh giá rủi ro, nhưng nay, cơ quan này lại cho rằng các nội dung không có gì khác biệt với quy định trước đây và phải áp dụng ngay từ đầu. Hiện BoA đã cập nhật cách tính phí BHTG chính xác hơn và mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hơn là qua con đường pháp lý.
Tại Mỹ, việc tính phí BHTG được thực hiện dựa trên mức độ rủi ro của mỗi tổ chức tham gia BHTG. Trong những năm gần đây, mức phí BHTG các ngân hàng lớn phải nộp cho FDIC đã tăng mạnh. Năm 2014, FDIC sửa đổi quy định về phương pháp tính phí, theo đó, các ngân hàng lớn phải đánh giá rủi ro giao dịch trên cơ sở tổng mức rủi ro với các đối tác là công ty mẹ chứ không chỉ tính riêng các công ty con. Ví dụ, Goldman Sachs phải kê khai tổng giao dịch với công ty mẹ Facebook thay vì chỉ liệt kê rủi ro giao dịch với công ty con mà Facebook sở hữu là Instagram và WhatsApp.
Đ.T.T