Theo các chuyên gia phân tích, xu hướng đổ vỡ ngân hàng tại Mỹ trong nửa đầu năm 2011 mang nhiều dấu hiệu tích cực. Số vụ đổ vỡ sáu tháng đầu năm 2011 là 46 vụ, thấp hơn con số 51 vụ của cùng kỳ năm 2010. Số tiền mà Quỹ DIF bỏ ra để xử lý các vụ đổ vỡ của sáu tháng năm nay chỉ bằng khoảng 1/6 lần cùng kỳ năm ngoái. Điểm đáng lưu ý là trong sáu tháng đầu năm 2011, không có vụ đổ vỡ quy mô lớn, nghiêm trọng và có ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng.
Thống kê đổ vỡ ngân hàng 6 tháng đầu năm 2011 tại Mỹ
Đơn vị: triệu USD
Số vụ | Số ngân hàng | Tổng giá trị tài sản | Tổng số dư tiền gửi | Chi phí Quỹ DIF |
46 | 48 | 19.725,6 | 17.488,1 | 3.826,5 |
FDIC cũng khẳng định, năm 2011, tình hình kinh doanh và doanh thu của các ngân hàng thành viên được cải thiện đáng kể, trong đó doanh thu hai quý đầu năm 2011 (và là hai quý thứ 6 và thứ 7 liên tiếp tăng trưởng dương) tiếp tục củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống bất chấp việc phục hồi kinh tế Mỹ vẫn còn rất mong manh. Theo FDIC, mục tiêu quỹc DIF đạt tăng trưởng dương (cân đối thu cao hơn chi) sẽ sớm trở thành hiện thực.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bước vào giai đoạn trầm kha, số vụ đổ vỡ ngân hàng liên tục gia tăng về cả quy mô số lượng và chất lượng. Vai trò của FDIC mang ý nghĩa lớn khi đứng ra giải quyết êm thấm, hiệu quả tất cả các vụ đổ vỡ, phá sản ngân hàng, trong đó những ngân hàng lớn như IndyMac, Washington Mutual, tạo thêm niềm tin cho công chúng trong bối cảnh kinh tế nước Mỹ suy thoái nghiêm trọng. Đặc biệt, vụ đổ vỡ Washington Mutual với tổng tài sản 307 tỷ USD và tổng số dư tiền gửi đạt 188 tỷ USD, đã không tiêu tốn một đồng nào của Quỹ BHTG Mỹ. Ý nghĩa lớn nhất và là cam kết được hiện thực hóa thành tôn chỉ mục đích của FDIC là không sử dụng một đồng thuế nào của người đóng thuế vào xử lý và hỗ trợ ngân hàng đổ vỡ.