Quy định yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG có nhiều hơn 2 triệu tài khoản tiền gửi duy trì dữ liệu đầy đủ và chính xác về người gửi tiền. Các tổ chức thành viên phải đảm bảo rằng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của mình có khả năng tính toán số tiền bảo hiểm cho người gửi tiền trong vòng 24 giờ kể từ khi tổ chức đó bị tuyên bố đổ vỡ.
Hiện có 38 tổ chức thành viên có số tài khoản tiền gửi vượt mốc 2 triệu. Quy định mới cho phép các tổ chức có 3 năm để xây dựng hệ thống lưu trữ hồ sơ và CNTT cần thiết nhằm đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng về việc tiếp cận nhanh và chính xác thông tin tài khoản của mình.
Chủ tịch FDIC, Ông Martin J. Gruenberg nhấn mạnh, việc tiếp cận kịp thời tiền gửi được bảo hiểm rất quan trọng vì nó giúp duy trì niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng. Thông thường, sau khi đổ vỡ, tiền gửi được bảo hiểm sẽ được FDIC chi trả vào ngày làm việc tiếp theo. Tuy nhiên, đối với ngân hàng có số lượng lớn các tài khoản tiền gửi mà hồ sơ lưu trữ không rõ ràng hoặc không đầy đủ, việc chi trả có thể bị trì hoãn. Với việc áp dụng quy định mới, quá trình chi trả bảo hiểm của FDIC sẽ diễn ra nhanh chóng và chính xác hơn, tạo điều kiện cho người gửi tiền được tiếp cận tài khoản tiền gửi được bảo hiểm càng sớm càng tốt.
Theo FDIC, Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2017. FDIC sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, hỗ trợ họ thiết lập hệ thống này trước thời hạn đã đề ra.