Theo ông Martin Gruenberg, khi Lehman Brothers xin phá sản, thị trường tài chính phải chịu đựng một cơn địa chấn lớn, thanh khoản cạn kiệt, thị trường vốn không sẵn sàng cấp vốn cho những tổ chức tài chính không đảm bảo an toàn, khiến dòng vốn bị gián đoạn, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Vào thời điểm đó, hơn 8 triệu người đã mất việc làm, GDP Mỹ giảm hơn 4%.
Năm 2010, đạo luật Dodd-Frank ra đời đã giải quyết khoảng thiếu hụt nghiêm trọng trong cơ chế chính sách, bổ sung công cụ nhằm tháo gỡ có trật tự những tổ chức tài chính có tầm quan trọng hệ thống, để chúng có thể thực hiện thủ tục phá sản mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Phần I của đạo luật này quy định các công ty sở hữu ngân hàng lớn nhất và các tổ chức tài chính phi ngân hàng cần tự lập một kế hoạch xử lý trong trường hợp chính mình bị đổ vỡ - được gọi là “Di nguyện”. Đồng thời, như một phương án dự phòng trường hợp cho phá sản trật tự theo Di nguyện không khả thi, Phần II đạo luật Dodd-Frank trao cho FDIC Thẩm quyền thanh lý có trật tự để giúp nền kinh tế và thị trường tài chính có thể an toàn vượt qua đổ vỡ của tổ chức tài chính có tầm ảnh hưởng hệ thống; đồng thời các cổ đông, chủ nợ không bảo đảm cũng như những người quản lý kém gây ra tình trạng này sẽ phải gánh chịu hậu quả, chứ không phải là những người nộp thuế.
Thay mặt FDIC, ông Martin Gruenberg đã trình bày những tiến bộ mà FDIC cùng với Fed đã đạt được trong quá trình xây dựng và áp dụng cơ chế xử lý các tổ chức tài chính ”quá lớn để bị đổ vỡ” trên cơ sở đạo luật Dodd-Frank:
Củng cố quá trình cho phá sản
i. Bản Di nguyện
FDIC và Hội đồng Thống đốc FED được trao thẩm quyền rà soát và đánh giá bản kế hoạch xử lý đổ vỡ – còn được gọi là “Di nguyện” - của các tổ chức tài chính. Trong trường hợp bản kế hoạch không thể đảm bảo tổ chức đó sẽ được xử lý đổ vỡ một cách an toàn, FDIC và Fed sẽ gửi một thông báo chỉ ra những thiếu sót và cho các tổ chức tài chính cơ hội để khắc phục. Sau cùng, nếu một tổ chức nào đó không thể đệ trình một bản kế hoạch phá sản khả thi, Fed và FDIC có thể cùng áp đặt những yêu cầu hoặc các giới hạn nghiêm ngặt hơn về vốn, đồn bẩy, yêu cầu về thanh khoản hoặc hạn chế mức độ phát triển, các hoạt động, giao dịch đối với tổ chức tài chính đó hoặc các công ty con của nó. Sau hai năm, tổ chức tài chính không được duyệt kế hoạch xử lý đổ vỡ, các cơ quan liên bang có thể sẽ yêu cầu thực hiện tách rời các tài sản tồn đọng hoặc thực hiện đơn giản hóa quá trình đổ vỡ có trật tự theo Luật Phá sản.
Trong các năm qua, FDIC và Fed đã nhiều lần làm việc với các tổ chức tài chính lớn và phức tạp đang hoạt động ở Mỹ, qua đó yêu cầu các tổ chức này phải:
• Thiết lập một cơ chế pháp lý hợp lý và đơn giản để quy chuẩn sổ sách theo đúng quy định pháp luật và đúng loại hình kinh doanh.
• Phát triển cấu trúc công ty mẹ phù hợp với quá trình xử lý đổ vỡ
• Thực hiện các hợp đồng tài chính hạn chế nhằm giải quyết các hành vi rủi ro của bên đối tác.
• Đảm bảo các dịch vụ phục vụ các hoạt động quan trọng cũng như nền tảng kinh doanh của tổ chức, ví dụ như dịch vụ công nghệ thông tin và cung cấp thông tin định kỳ, sẽ duy trì hoạt động trong quá trình xử lý đổ vỡ.
ii. Vấn đề liên kết nội bộ
Các tổ chức tài chính lớn, phức tạp được yêu cầu tập trung đặc biệt vào việc giảm liên kết chéo giữa các pháp nhân bên trong, bởi các tổ chức này có rất nhiều công ty con, hoạt động kinh doanh ở trong nước cũng như nước ngoài với những mối quan hệ chằng chịt. Trong trường hợp một công ty con đổ vỡ, rất khó để can thiệp và xử lý mà không tác động, đe dọa gây ra đổ vỡ dây chuyền với các công ty con khác, khiến việc xử lý đổ vỡ có trật tự tiềm ẩn rất nhiều vấn đề.
Nhằm tăng khả năng có thể được xử lý của các tổ chức tài chính, FDIC và Fed yêu cầu các tổ chức này phải thể hiện được mức độ hoạt động độc lập của các công ty con với công ty mẹ và các chi nhánh, để nếu một công ty con nào đó vỡ nợ hoặc đổ vỡ cũng sẽ không dẫn tới đổ vỡ dây chuyền hay mất khả năng chi trả của các tổ chức khác, và các hoạt động trọng yếu vẫn sẽ được thực hiện bình thường trong quá trình xử lý đổ vỡ.
Thẩm quyền thanh lý có trật tự - phương án dự phòng cho phá sản
Dù đã có chính sách xử lý phá sản một cách có trật tự, không thể loại trừ tình huống trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với tình thế xử lý phá sản sẽ gây ra kiệt quệ nghiêm trọng cho nền kinh tế. Phần II của đạo luật Dodd-Frank đề cập tới Thẩm quyền thanh lý có trật tự - thẩm quyền chỉ được kích hoạt sau khi các cơ quan liên bang kiến nghị và được Bộ trưởng BTC quyết định sau khi đã tham vấn ý kiến của Tổng thống Mỹ.
Thẩm quyền thanh lý có trật tự trao cho FDIC một số quyền tương đồng với thẩm quyền của FDIC trong việc xử lý ngân hàng như: lập ra tổ chức tài chính bắc cầu, hoặc lập kế hoạch và tập hợp nhóm chuyên gia có kinh nghiệm xử lý các tổ chức tài chính bị đổ vỡ. Từ khi đạo luật Dodd-Frank có hiệu lực đến nay, FDIC đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển khả năng xử lý đổ vỡ khi cần thiết.
i. Tổ chức tài chính bắc cầu
Tổ chức tài chính bắc cầu có cơ chế hoạt động tương tự như ngân hàng bắc cầu trong xử lý các ngân hàng đổ vỡ. Đây là biện pháp nhằm giải quyết những thách thức trong xử lý những tổ chức tài chính lớn, phức tạp. Tổ chức tài chính bắc cầu sẽ nắm giữ và quản lý những hoạt động thiết yếu của tổ chức bị đổ vỡ trong một thời gian nhất định. Bằng cách này, các công ty con quan trọng vẫn thực hiện các hoạt động và cung cấp dịch vụ bình thường, không làm ảnh hưởng đến hệ thống tài chính và nền kinh tế vẫn ổn định, qua đó thực hiện quá trình đóng cửa dần dần và thanh lý. Khi quá trình xử lý kết thúc, tổ chức tài chính bắc cầu cũng sẽ chấm dứt hoạt động.
Ngoài việc là một công cụ để đảm bảo sự ổn định tài chính, các tổ chức tài chính bắc cầu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trách nhiệm của các tổ chức tài chính đổ vỡ với các bên liên quan. Các cổ đông sẽ bị loại bỏ, chủ nợ phải chịu thiệt hại, và những quản lý kém sẽ bị thay thế - đó là tác động quan trọng nhằm giảm thiểu rủi ro đạo đức và phát huy kỷ luật thị trường.
ii. Thanh khoản và vốn
Tổ chức tài chính bắc cầu cần có tài chính mạnh mẽ để duy trì hoạt động của tổ chức tài chính bị đổ vỡ. Là bên cấp vốn, FIDC mong muốn các tổ chức tài chính bắc cầu có thể vay từ thị trường để đáp ứng thanh khoản. Tuy nhiên, nếu thanh khoản không được đáp ứng ngay lập tức, luật cũng quy định sử dụng Quỹ thanh lý có trật tự. Đây là một nguồn thanh khoản dự phòng, dành riêng, chỉ phục vụ thanh khoản mà không cấp vốn, hoạt động trong giai đoạn đầu của quá trình xử lý cho đến khi có thể tiếp cận được các nguồn vốn thuộc khu vực tư nhân.
Quỹ Thanh lý có trật tự cũng có những hạn chế về số tiền có thể vay, và yêu cầu các khoản vay phải được hoàn trả từ tài sản thu hồi của tổ chức tài chính bị đổ vỡ.
Fed đang phát triển những yêu cầu về nợ dài hạn đối với những tổ chức ngân hàng lớn nhất và phức tạp nhất tại Mỹ, nhằm duy trì giới hạn tối thiểu nợ không có tài sản đảm bảo.
Ở cấp độ quốc tế, FDIC và Fed làm việc với Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng và Ban ổn định tài chính (FSB) nhằm đề xuất yêu cầu tối thiểu về năng lực chịu lỗ của các tổ chức tài chính toàn cầu có tầm quan trọng đối với hệ thống. Hiện đã có một thỏa thuận chung về sự cần thiết thiết lập tiêu chuẩn tối thiểu về năng lực chịu lỗ trong trường hợp tổ chức tài chính lớn, phức tạp, bị đổ vỡ.
iii. Hợp đồng tài chính hạn chế
Một trong những trở ngại trong quá trình xử lý đổ vỡ là việc duy trì các hợp đồng tài chính hạn chế, tránh việc trong quá trình phá sản, các hợp đồng hiện hành bị thanh lý trước hạn. Trong vụ phá sản của Lehman Brothers, các bên đối tác của tổ chức này – bao gồm cả những đối tác với hợp đồng trị giá hàng tỷ đô la, đã thực hiện quyền thanh lý hợp đồng trước hạn, dẫn tới việc hàng loạt các hợp đồng bị thanh lý, làm nóng việc thanh lý các tài sản ưu đãi.
Thẩm quyền thanh lý có trật tự trao cho FIDC khả năng bắt buộc duy trì tạm thời các hợp đồng tài chính hạn chế, qua đó giảm nguy cơ chấm dứt hợp đồng theo luật pháp Mỹ. Vấn đề chỉ còn là phương án xử lý với những hợp đồng không căn cứ trên luật pháp Mỹ, trong đó có các hợp đồng xuyên quốc gia. Luật Phá sản của Mỹ không quy định điều khoản duy trì đối với các hợp đồng này.
Vấn đề đặt ra nhu cầu cấp thiết phải tìm ra giải pháp tránh việc các hợp đồng căn cứ theo luật nước ngoài được thanh lý trước hạn. Tháng 11/2014, Hiệp hội giao dịch hoán đổi và phái sinh quốc tế đưa ra cơ chế kết thúc việc thanh lý các hợp đồng phái sinh trước hạn trong trường hợp phá sản hoặc xử lý đổ vớ của một tổ chức tài chính có tầm quan trọng hệ thống. Mười tám tổ chức tài chính lớn nhất trên toàn cầu – chiếm phần lớn trên thị trường hoán đổi, đã tình nguyện tán thành cơ chế trên.
iv. Phối hợp xuyên quốc gia
FDIC đã và đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền tài phán chính trên thế giới, gồm các cơ quan của Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật Bản cũng như các cơ quan châu Âu nhằm nhận diện các vấn đề và giải quyết những trở ngại trong quá trình xử lý xuyên quốc gia.
Quan hệ song phương giữa Mỹ và Anh Quốc có tầm quan trọng đặc biệt trong xử lý các vấn đề xuyên quốc gia. Trong số ba mươi tổ chức tài chính toàn cầu có tầm quan trọng hệ thống thì có 4 tổ chức đặt trụ sở tại Anh và 8 tổ chức đặt trụ sở tại Mỹ. Tháng 10/2014, FDIC đã tổ chức một hội nghị giữa lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng TW và lãnh đạo các cơ quan quản lý tài chính của Anh và Mỹ nhằm chia sẻ những thách thức trong quá trình xử lý đổ vỡ của các tổ chức tài chính toàn cầu có tầm quan trọng hệ thống cũng như phương thức phối hợp của các cơ quan chức năng hai nước trong trường hợp xảy ra đổ vỡ xuyên quốc gia.
Năm ngoái, Nghị viện châu Âu thiết lập cơ chế Xử lý đổ vỡ một lần nhằm xử lý các tổ chức tài chính bị đổ vỡ ở châu Âu. Cơ chế này có khá nhiều điểm tương đồng với Thẩm quyền thanh lý có trật tự của FDIC. FDIC và Ủy ban châu Âu đã cùng thành lập Nhóm công tác hỗn hợp tập trung vào các vấn đề xử lý đổ vỡ và bảo hiểm tiền gửi. FDIC coi việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác xuyên quốc gia với các cơ quan có thẩm quyền chính là một trong những ưu tiên của cơ quan này.
Kết luận bài phát biểu, Chủ tịch FDIC khẳng định, từ sau khi khủng hoảng tài chính bộc lộ rằng quá trình xử lý các tổ chức tài chính có tầm quan trọng hệ thống đã coi nhẹ, đang có một quá trình biến đổi ở Mỹ cũng như toàn cầu. Nếu không có Thẩm quyền thanh lý có trật tự cũng như thực hiện Di nguyện, nền tài chính Mỹ có thể sẽ phải trở lại bối cảnh tồi tệ như hồi năm 2008.
DTT
Nguồn: https://www.fdic.gov/news/news/speeches/spmay1215.html