Lãi suất: Nhắc lại điệp khúc tháng 3
Ngay từ tháng 3 năm nay, lãnh đạo Fed đã nói tới khả năng lãi suất sẽ được giữ ở mức thấp kỷ lục hiện tại trong một “thời gian dài đáng kể” nữa. Cụm từ này được bà Chủ tịch Fed Janet Yelen nhắc lại tại buổi họp báo sau cuộc họp của FOMC vừa qua. Theo đó, Fed tiếp tục duy trì cam kết giữ lãi suất ở mức thấp gần như bằng không (0%/năm) trong một “thời gian dài đáng kể” nữa sau khi chương trình QE3 đã hoàn tất.
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý, cụm từ này không có nghĩa là nó luôn nằm trong chương trình nghị sự của Fed. Hàm ý là vấn đề tăng lãi suất sẽ không cố định vào thời điểm nào mà thay vào đó, các điều kiện thị trường và các chỉ số kinh tế như lạm phát, thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế… mới là những yếu tố quyết định.
Điều này cũng phản ánh quan điểm thống nhất của các quan chức của Fed - dù là nhóm theo quan điểm giữ nguyên lãi suất thấp hay nhóm muốn nâng lãi suất lên. Bởi họ đều có nhận thức chung là, các quyết định đưa ra cần gắn chặt với những tiến triển trong mục tiêu của Fed đối với vấn đề việc làm và kiểm soát giá cả, chứ không gắn với các giai đoạn bắt buộc nào.
Điều hành của Fed cũng đang cho thấy rõ hướng đi này. Trước đó, trong bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên tại Jackson Hole, Wyoming ngày 22/8, bà Yellen đã nói về sự linh hoạt trong điều hành của Fed. Theo đó, lãi suất có thể tăng sớm hơn dự kiến nếu thị trường lao động và lạm phát có những tiến triển tích cực hơn kỳ vọng. Ngược lại thì chính sách nới lỏng sẽ tiếp tục được duy trì.
“Thị trường lao động chưa hồi phục hoàn toàn. Vẫn còn rất nhiều người muốn có việc làm mà không tìm được việc” – bà Yellen nói tại buổi họp báo ngay sau cuộc họp trên, “trong khi đó, lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu 2% đề ra”. Và đó chính là những lý do quan trọng khiến một quyết định tăng lãi suất chưa thể được đưa ra.
“Fed muốn cho thị trường thấy là họ chưa sẵn sàng tăng lãi suất trong ngắn hạn” - John Silvia, Kinh tế trưởng của Wells Fargo Securities bình luận, “Lạm phát chính là nhân tố đã cho họ thêm thời gian để không làm gì cả. Lạm phát ở dưới mức mục tiêu kỳ vọng nên Fed chưa cần thiết phải can thiệp gì”.
Tuy nhiên, các quan chức Fed cũng dự báo, lãi suất có thể sẽ ở mức 1,375% vào cuối năm 2015 và có thể ở mức 3,75% vào cuối năm 2017. Fed cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống dưới 5% vào năm 2017. Song, một lần nữa phải nhắc lại là những diễn biến thực tế của các chỉ số kinh tế mới là điều quyết định đến thời điểm và các mức lãi suất mà Fed sẽ nâng lên trong tương lai.
Thị trường đón nhận tích cực
Mặc dù chưa quyết định tăng lãi suất nhưng Fed cũng chính thức cho thấy những động thái có thể hướng đến tăng lãi suất. Cụ thể, Fed đang thử nghiệm các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo) qua đêm với một số đối tác – chủ yếu là các quỹ - và xem đây là một công cụ để thiết lập sàn lãi suất ngắn hạn khi Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất trong tương lai. Thậm chí, một số quan chức Fed dự báo, Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất trong năm 2015.
Với loại hình này, Fed sẽ vay tiền của các quỹ trên cơ sở sử dụng các chứng khoán làm tài sản thế chấp. Vào ngày tiếp theo, Fed sẽ trả lại tiền mặt cộng với lãi suất và nhận chứng khoán về. Công cụ này hiện được Fed thực hiện với mức tối đa là 300 tỷ USD/ngày, trong đó với mỗi đối tác giao dịch không quá 30 tỷ USD/ngày, tăng so với mức 10 tỷ USD/ngày trước đây.
Trong khi đó về chương trình QE3, đúng theo dự đoán của giới phân tích, Fed sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 10 tỷ USD để đưa chương trình mua trái phiếu xuống mức 15 tỷ USD/tháng (trong đó 10 tỷ USD dành mua trái phiếu kho bạc và 5 tỷ USD chứng khoán thế chấp). Chương trình QE3 dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 10 tới.
Tuy nhiên sau cuộc họp vừa qua, Fed cũng chính thức khẳng định chương trình mua vào tài sản có thể sẽ tiếp tục trong nhiều năm nữa. Việc dừng hay không sẽ tùy thuộc vào thực tế thị trường tài chính và triển vọng kinh tế. Tính đến nay, việc mua vào trái phiếu đã làm bảng cân đối của Fed tăng lên mức 4,42 nghìn tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục ở mức lớn trong những năm tới.
Ngay sau thông tin từ cuộc họp của Fed, các chỉ số chứng khoán của Mỹ và trên nhiều thị trường khác đã tăng điểm. Việc Fed duy trì CSTT nới lỏng trong suốt 6 năm qua (từ 2008) cùng với lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng đã giúp các chỉ số chứng khoán của Mỹ nhiều lần lập các kỷ lục mới. Đơn cử, chỉ số Standard & Poor’s 500 đã 33 lần đóng cửa ở các mức cao kỷ lục trong năm nay. Chỉ số này gần như đã tăng gấp 3 lần so với mức thấp nhất vào tháng 3/2009.
Đồng USD cũng tiếp tục đà tăng giá. Chỉ số đồng USD trong rổ các ngoại tệ mạnh đã tăng 0,6% và lên mức cao nhất trong 14 tháng qua. USD hiện tăng lên mức cao nhất 7 năm so với đồng Yên của Nhật Bản; 1 năm so với đồng Franc Thụy Sỹ, trong khi đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 7.