Được bắt đầu bởi Chủ tịch Ben S. Bernanke, chương trình đã kết thúc thành công dưới sự chèo lái của người kế nhiệm của ông là Janet Yellen.
Năm 2013, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khuấy động thị trường tài chính thế giới khi phát ra tín hiệu “giảm dần cho đến hết” (taper) chương trình can thiệp vào thị trường lớn nhất từ trước đến nay.
Sau cuộc họp vừa kết thúc rạng sáng nay (30/10 – theo giờ Việt Nam), Fed đã tuyên bố chấm dứt hoàn toàn chương trình nới lỏng định lượng (QE) theo đúng lộ trình đã đề ra. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc nhìn lại toàn cảnh chặng đường mà Fed đã đi suốt 5 năm qua, kể từ khi gói QE đầu tiên được triển khai.
Kể từ tháng 12/2013, khi Ủy ban thị trường mở (FOMC) thông báo đã đến lúc thực hiện taper, cơ quan này đã thường xuyên cắt giảm số lượng tài sản mua vào mỗi tháng. Từ số trái phiếu và chứng khoán có tài sản đảm bảo (MBS) có giá trị 85 tỷ USD, sau nhiều tháng cắt giảm 10 tỷ USD mỗi tháng, QE kết thúc sau khi Fed mua 15 tỷ USD cuối cùng trong tháng 10 vừa qua.
Được bắt đầu bởi Chủ tịch Ben S. Bernanke, chương trình đã kết thúc thành công dưới sự chèo lái của người kế nhiệm của ông là Janet Yellen. Đã có nhiều lo ngại về phản ứng của thị trường và trên thực tế tiền tệ và TTCK các nước mới nổi đã rớt giá mạnh hồi tháng 1 – khi nhà đầu tư chuẩn bị cho kịch bản lãi suất cơ bản ở Mỹ tăng lên. Tuy nhiên, thị trường đã hồi phục sau đó và Fed cam kết vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức thấp.
Giới phân tích nhận định bà Yellen đã làm khá tốt khi có thể trấn an làm cho thị trường tin rằng lãi suất sẽ ở mức thấp “trong một thời gian đáng kể” sau khi QE không còn nữa. Vị nữ Chủ tịch của Fed cũng có thể thuyết phục Quốc hội Mỹ rằng có rất nhiều việc phải làm để cải thiện thị trường lao động. Mới đây, bà phát tín hiệu cho thấy Fed vẫn có thể kích thích thị trường thông qua công cụ trái phiếu dù QE đã kết thúc.
Những quan điểm trái chiều về QE
Ý tưởng chủ đạo của QE là bạn không cần đến máy in tiền để bơm tiền vào nền kinh tế. Thông thường, phương pháp được Fed sử dụng để chống lại suy thoái là đẩy lãi suất xuống thấp, qua đó giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ. Tuy nhiên, trong suốt 5 năm khủng hoảng, Fed đã giảm lãi suất xuống mức gần 0. Bởi vậy Fed bắt đầu mua trái phiếu với hy vọng có thể tác động đến lãi suất dài hạn – yếu tố thường nằm ngoài tầm kiểm soát. Đây không phải là một ý tưởng mới, nhưng mô hình này chưa bao giờ được áp dụng với quy mô lớn đến vậy.
Trong các tháng sau khủng hoảng, Fed đã mua vào tổng cộng 1.750 tỷ USD trái phiếu. Năm 2010, vì nền kinh tế hồi phục chậm chạp, Fed triển khai QE2 và mua vào tổng cộng 600 tỷ USD. Tháng 9/2012, để cải thiện thị trường lao động, Fed mua 85 tỷ USD mỗi tháng. Khác với hai lần trước, QE3 không bị giới hạn quy mô mà sẽ được tiếp tục thực hiện cho tới khi thị trường lao động “cải thiện một cách bền vững”.
Ngay từ khi QE bắt đầu được triển khai đã xuất hiện nhiều chỉ trích cho rằng QE có thể thổi bùng lên lạm phát. Tuy nhiên mọi thứ đã không diễn ra như vậy. Lạm phát vẫn còn cách rất xa mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Một số ý kiến khác thì cho rằng Fed đã tạo nên bong bóng giá cổ phiếu và giá nhà đất. Nhiều người cũng hoài nghi về hiệu quả của các gói QE. Cựu quan chức Fed Andrew Huzar thậm chí còn khẳng định QE chỉ là một “liều thuốc an thần dành cho phố Chính” và việc Fed mua vào trái phiếu thực chất là một “cuộc đảo chính” của phố Wall.
Bà Yellen cho rằng thiệt hại gây ra cho người tiết kiệm vì lãi suất thấp sẽ được bù đắp bằng những tiến triển trên thị trường lao động nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Cùng lúc đó, bà thừa nhận QE “không thể kéo dài mãi mãi”. Tuy nhiên, Fed phải mất nhiều khó khăn để thuyết phục nhà đầu tư rằng QE kết thúc không có nghĩa là các biện pháp kích thích cũng chấm dứt.